Bí ẩn chuyện “vay tiền – trả lễ” ở đền Bà Chúa Kho.
“Vay tiền – trả lễ”đền Bà Chúa Kho là tục lệ không thể thiếu hàng năm của những người làm ăn kinh doanh, trong đó có không ít người “vay tiền” để mua vé số và đánh lô đề cầu vận may đổi đời. Nhiều người tin rằng những ngày đầu năm mới tới đền Bà Chúa Kho “vay” tiền sẽ giúp cho việc kinh doanh thuận lợi, may mắn cũng bởi từ sự tích về Bà Chúa Kho có thật được sử sách lưu lại
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, phườngVũ Ninh,TP Bắc Ninh, tỉnhBắc Ninh. Đây là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cổ Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) được nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tâm linh tín ngưỡng truyền thống.
Theo lưu truyền, Bà Chúa Kho là người trông coi kho lương thực, tức là người ban phát nguồn sống cho mọi người và rất linh thiêng, chính vì thế từ lâu trong dân gian người ta thường tìm đến đây để “vay vốn” mong cho việc kinh doanh buôn bán, kể cả mua vé số, đánh lô đề được may mắn.
Cổng đền Bà Chúa Kho
Trước đây, việc “vay tiền” tại Đền Bà Chúa Kho thường diễn ra vào dịp đầu năm và “trả lễ” diễn ra vào cuối năm. Nhưng hiện nay, vào các ngày 1, 15, 30 âm lịch hàng tháng cũng có nhiều người tìm đến đền Bà Chúa Kho để “vay tiền” . Vào thời điểm cuối năm, tức thời điểm làm lễ tạ ơn “trả lễ”, lượng khách về đền rất đông và những người trở lại lễ tạ ơn là muốn giữ đúng nghi lễ, thực sự thành công trong làm ăn, hoặc trúng thưởng xổ số, trúng lô đề... Theo nhiều người, việc “vay-trả” ở đây mang ý nghĩa tâm linh và là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Qua quan sát chúng tôi thấy, cách thức “vay tiền” ở đền Bà Chúa Kho cũng na ná giống như cách “vay vàng” ở Chùa Bà (Bình Dương). Nói chung là “vay” Bà tiền âm phủ, rồi cuối năm đi “trả lễ” cũng bằng tiền âm phủ.
Một phụ nữ làm công quả lâu năm trong đền Bà Chúa Kho cho biết, vệc sắm lễ của người làm ăn khi đến đền Bà Chúa Kho là tùy tâm, không ai có thể hạn chế hay bắt ép. Tại đền Bà Chúa Kho, lễ vật dâng lên có thể đa dạng nhưng cũng phải chú ý những kiêng kị. Trình tự đặt lễ tại đền Bà Chúa Kho sẽ là: Tiền Tế, Tứ Phủ Công Đồng, Đệ Nhị Cung, Đệ Nhất Cung (Tam tòa Thánh Mẫu). Đây là 4 ban chính cần đặt lễ khi đến ngôi đến này. Sau đó sẽ là các ban khác như ban Cô, Cậu, ban Sơn Trang… Lưu ý trong các ban này chỉ có ban Tứ Phủ Công Đồng là có thể sử dụng đồ lễ mặn.
Khách thập phương dâng lễ “Vay tiền – trả lễ” ở đền Bà Chúa Kho.
Lễ dâng ban Thánh mẫu: nếu dùng lễ chay sẽ gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản…Nếu muốn dùng lễ mặn thì nên mua đồ chay hình tướng gà, lợn, giò, chả, hoặc có thể dùng đồ mặn là thịt lợn, thịt gà…
Lễ đặt ở các ban quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà tại hạ ban Công Đồng Tứ Phủ: Tuyệt đối không dùng các đồ lễ sống gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt . Cỗ Sơn Trang: Gồm những đồ đặc sản chay Việt Nam, không được dùng cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả…nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này.
Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: Thường gồm oản, quả, hương hoa, gương, lược… Nghĩa là những đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Nhưng lễ vật này cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ xinh xắn, đẹp mắt. Lễ thần Thành Hoàng, Thư Điền: Phải dùng chay mới có phúc và những lời cầu nguyện được linh ứng.
Đi lễ bà Chúa Kho là hoạt động tâm linh không thể thiếu của giới làm ăn, kinh doanh, những người chơi xổ số, lô đề. Thực, hư chuyện “vay tiền” có linh ứng hay không chưa có sự kiểm chứng cụ thể, nhưng đây là một tục lệ mang màu sắc tâm linh đã và đang thu hút rất đông đảo du khách trong cả nước đến với Đền Bà Chúa Kho.
Tâm Lương