Linh thiêng cây nêu ngày Tết Việt
Từ lâu, trong đời sống tâm linh của người Việt, cứ mỗi dịp Tết đến, người ta thường dựng cây nêu và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo, mang lại may mắn cho năm mới.
Trong phong tục tín ngưỡng lâu đời của người Việt, cây nêu là một thân cây được trồng trước sân nhà, trên ngọn cây đeo một vòng tròn và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục của từng dân tộc. Không chỉ có người Kinh, cây nêu là phong tục của hầu hết các dân tộc trên mọi miền đất nước.
Cây nêu của dân tộc Kinh
Cây nêu ngày Tết còn mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…
Ban đầu, theo truyền thuyết, cây nêu được dựng lên với mục đích nhằm ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền và bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn. Tuy nhiên, theo thời gian, theo địa phương và theo tập quán đời sống tâm linh của mỗi cộng đồng dân tộc, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn, đa dạng hơn.
Cây nêu của dân tộc Kơ tu
Cây nêu thường là cây tre dài khoảng 5 - 6 mét, được dựng trước sân nhà. Người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân lên chầu Trời và cây nêu có tác dụng ngăn ngừa không cho ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công, ông Táo đi vắng. Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phí Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào đúng chiều 30 tháng Chạp âm lịch.
Đối với đời sống tâm linh của dân tộc Tày - Nùng nói chung, ở xứ Lạng quê tôi nói riêng, cây nêu là một yếu tố cấu thành nên cái Tết cổ truyền. Cây nêu được chọn trồng trước nhà ngày Tết của dân tộc Tày - Nùng xứ Lạng là loại cây vầu to, cao, thẳng, cành lá xanh tươi. Đúng chiều 30 tháng Chạp người ta dựng cây nêu lên, trên thân cây nêu cách 1/3 từ ngọn xuống treo tiền giấy bản cùng 3 nén nhang và 1 cây vầu con buộc ngay ngắn thẳng đứng vào đoạn gốc của cây nêu như cây mẹ và cây con tượng trưng cho sự kế thừa, phát triển theo quy luật tự nhiên. Việc trồng cây nêu không phải trong gia đình ai cũng có thể tham gia được, mà phải lựa chọn người đàn ông chủ nhà gương mẫu, có uy tín nhất để thực hiện.
Cây nêu của dân tộc Tày - Nùng
Người Hmông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch. Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Ngày xưa, vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may mắn.
Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.
Trang Lương