Chùa Bửu Quang huyền bí và linh thiêng
Tọa lạc trên núi Chứa Chan, hay còn gọi là núi Gia Lào, nên chùa Bửu Quang còn có tên gọi khác là chùa Gia Lào, từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng và huyền bí, thu hút rất đông khách thập phương tới thắp nhang cầu duyên, cầu tự, cầu an, cầu tài, cầu lộc, cầu cơ trúng xổ số
Ông bạn đồng nghiệp của tôi ở Báo Lao động Đồng Nai là người rất yêu thích du lịch tâm linh, nên đã đặt chân tới hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chính vì thế, mỗi lần có dịp gặp nhau ở TP. Biên Hòa, bao giờ bạn tôi cũng đưa tôi đi thăm những ngôi chùa được xem là nổi tiếng về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và sự linh thiêng trong đời sống tâm linh. Nhờ đó mà tôi biết Đồng Nai ngoài những địa danh du lịch cảnh quan, lịch sử, văn hóa nổi tiếng còn là thánh địa của rất nhiều ngôi chùa đẹp, linh thiêng.
Lần gần đây nhất vào hồi cuối tháng 6/2019, tôi được bạn đưa di thăm chùa Bửu Quang trên núi Chứa Chan, là ngọn núi cao thứ 2 ở khu vực Nam bộ (837 m), thuộc địa bàn xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 80 km.
Từ chân núi, chúng tôi phải vượt qua những con dốc trên chặng đường dài khoảng hơn 3 km được nối bởi hơn 365 bậc đá, với quang cảnh hai bên đường là rừng cây nguyên sinh tỏa bóng mát thật thơ mộng.
Đặc biệt trên đường lên chùa chúng tôi bắt gặp một cây đa cổ thụ với ba gốc bành ra vươn lên cao vút rồi chụm lại với nhau thành một ngọn duy nhất, nên được đặt tên là cây đa “3 gốc, 1 ngọn”. Chúng tôi quan sát thấy rất nhiều bát nhang được đặt quanh 3 gốc đa, có bát nhang còn nghi ngút khói, tạo nên một không gian đầy vẻ linh thiêng và huyền bí giữa núi rừng.
Một phụ nữ tầm 45 tuổi, hành nghề bán nhang, đèn, vàng mã lâu năm ở đây cho biết: “ Cây đa “3 gốc 1 ngọn” rất linh thiêng, được xem như hiện thân của sơn thần (thần núi), gắn với rất nhiều câu chuyện huyền thoại, liêu trai, bí ẩn và “cầu gì được nấy”. Chính vì thế đây là điểm dừng chân nghỉ ngơi, thắp nhang, dâng lễ cúng bái không thể bỏ qua của du khách thập phương như: Cầu an, cầu duyên, cầu tự, cầu tài, cầu lộc và không ít người cầu cơ trúng vé số, với mong ước mọi ý nguyện sẽ được thần cây đa ban phát. Hầu như năm nào cũng có một số người mang lễ vật đến đây cúng tạ ơn được sơn thần cho trúng thưởng xổ số, cho mua may bán đắt, cho gặp được tình duyên…”.
Đặt chân đến chùa Bửu Quang, điều gây ấn tượng đầu tiên với chúng tôi đó là chùa được xây ngay trong lòng núi, kiến trúc tinh tế, mang dáng dấp những ngôi chùa cổ, toát lên vẻ thâm nghiêm và trong chùa có rất nhiều tảng đá to, nhiều hình thù đầy vẻ kỳ bí.
Theo một vị sư trong chùa, đây là ngôi chùa do thiền sư Bửu Chơn khai sơn tự tạo vào đầu thế kỷ 20, với ban đầu chỉ là một am cốc nhỏ nằm trong hang đá có hình dáng uốn lượn như một con rồng, nên dân trong vùng gọi là Hàm Rồng.
Phía cửa hang, theo bậc đá đi xuống là gian nhà để tiếp khách, tiếp đó là nhà bếp nằm ở sau chính điện luôn có sẵn lương thực, để khách hành hương tự nấu ăn, khi đến thăm viếng chùa.
Đặc biệt, trong một khe đá phía sau lưng chùa có một dòng nước trong vắt, mát lạnh quanh năm tuôn chảy, trong khe có loài tôm nhỏ, vì thế được gọi là suối Tôm. Đây cũng là một trong những điểm được xem là rất linh thiêng trong khu vực nhà chùa, với những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, thu hút đông đảo du khách thập phương thành tâm khấn vái.
Tương truyền rằng, ai vãng cảnh chùa, thắp nhang khấn vái thành tâm sẽ bắt được một con tôm nhỏ đem về thì những điều ước nguyện tốt đẹp nhất cũng sẽ theo con tôm đó mà về nhà. Chuyện hư thực ra sao chưa ai có thể chứng minh và lý giải được, nhưng chúng tôi tận mắt thấy rất đông khách thập phương đặt lễ và khấn vái một cách thật thành tâm.
Tâm Lương