TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Những điều ít ai biết về Cổ tự Phù Dung Hà Tiên

Chùa Phù Dung còn được gọi là chùa Phù Cừ, tọa lạc nơi chân núi Bình San, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) là một ngôi cổ tự danh tiếng. Không chỉ là một nơi du lịch tâm linh, mà nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính trầm mặc hài hòa với thiên nhiên cùng những chuyện huyền bí, linh thiêng…

Theo tư liệu lịch sử, cổ tự Phù Dung do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (1706–1780) cho khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 cho nàng thứ cơ tên Phù Cừ (1720–1761) làm nơi tu hành.Tương truyền thứ cơ Phù Cừ tên thật là Nguyễn Thị Xuân, thứ nữ của một di thần nhà Lê tên Nguyễn Đình, khi nhà Mạc phế nhà Lê, ông cùng hai con vào cư ngụ tại Hà Tiên. Con trai tên Nguyễn Đính, giỏi kiếm thuật, ra giúp họ Mạc; còn em gái, giỏi thơ văn, gá nghĩa cùng Mạc Thiên Tứ, sau cuộc gặp gỡ tại tao đàn Chiêu Anh Các.

Như vậy, có thể nói chùa Phù Dung được xây dựng trước khi Phù Cừ mất, tức năm 1761.

Chính điện cổ tự Phù Dung

Một Phật tử cao niên cho biết, theo thi sĩ Đông Hồ, sinh trưởng ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên), đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, từ chợ Hà Tiên, theo đường cái quan đi Thạch Động, độ nửa cây số, ngó về bên trái, có một ngôi am tự cheo leo trên sườn đồi. Cạnh am tự, cũng ở trên sườn núi về hướng nam, có một ngôi mộ cổ, mặt đá rêu phong. Trước mộ, liền chỗ chân núi, có một ao nước ngọt, trong ao có trồng giống hoa sen trắng… Căn cứ vào tên gọi “am tự”, rất có thể khi khởi đầu, cổ tự v này chỉ là một am tu nhỏ. Trải qua bao biến đổi, giờ đây trên nền đất cao ráo nơi chân núi Bình san, là một ngôi cổ tự khá khang trang với kiến trúc cổ kính gồm một phần sân và hai phần thờ cách biệt.

Phần sân có một đài cao, trên đài là một pho tượng Phật Quan Thế Âm cao lớn bằng xi măng, tô trắng. Kế đến là ngôi Chánh điện rộng được bài trí trang nghiêm. Chính giữa là tượng Thích-ca Mâu-ni, 2 bên là 2 đại đệ tử A-nan và Ca-diếp. Ở đây còn có 4 bức phù điêu lớn (mỗi tấm cao 1,3m, ngang 2,3m) minh họa 4 cảnh trong cuộc đời đức Phật Thích-ca Mâu-ni: đản sanh, xuất gia, thuyết pháp và nhập niết-bàn.

Tòa Ngọc Hoàng bửu điện

Sau lưng ngôi Chánh điện là một khoảng sân nhỏ, sau nữa là một toà điện cao có tên gọi Ngọc Hoàng bửu điện, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu. Một phần do thời gian tàn phá, một phần do ở nơi biên cảnh thường gặp nhiều bất ổn, nên chùa đã phải trùng tu nhiều lần.

Khi du khách tới chiêm bái ngôi cổ tự đứng ngoài nhìn vào, phía bên trái có một lối đi nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20m, sẽ gặp một ngôi mộ cổ. Bên cạnh mộ, có một tấm bia đá khắc mấy dòng chữ Việt, giải thích gọn tên tuổi của người đã khuất: “Lăng bà Phù Dung — Từ Thành Thục Nhơn — Nguyễn Thị Xuân (1720–1761) — Viên tịch rằm tháng 2 Âm lịch — Hiệu Phù Cừ’”.

Có thể thấy ngôi cổ tự Phù Dung gắn liền với sự tích của người hiện nằm trong ngôi mộ cổ - bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa, là bà Dì Tự (thi sĩ Đông Hồ giải thích: Bà dì có nghĩa bà thứ, “bà Dì ở Am Tự”, nói gọn là “bà Dì Tự”), vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa này.

Khách thập phương dâng hương cầu khấn tại ban thờ chánh điện

Tuy lời thuật của mỗi người có ít nhiều khác biệt, nhưng cốt truyện vẫn khá giống nhau. Truyền rằng: Mạc Lịnh Công (người kể chuyện kiêng húy, không dám gọi tên Mạc Thiên Tứ, nên gọi là Mạc Lịnh Công, Mạc Công hoặc chỉ là Công) có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự. Thứ cơ vừa có sắc đẹp, vùa giỏi chữ nghĩa văn thơ. Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Chính vì thế đã khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ.

Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn phu nhân (tức Thái phu nhân Nguyễn Hiếu Túc, hiện mộ phần của bà ở trong khu mộ dòng họ Mạc tại lưng chừng núi Bình San, Hà Tiên) đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cốt cho ngợp mà chết. Nhưng vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, mà lạ, sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lịnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thoi thóp sắp đứt hơi, nhưng may mắn thay, hãy còn cứu kịp.

Lăng mộ bà Phù Dung sau chùa

Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành. Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương người giai nhân đã vì Công mà oan khổ…”.

Còn rất nhiều câu chuyện thần bí về ngôi cổ tự Phù Dung nổi tiếng linh thiêng, huyền bí này được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó cũng là lý do khiến ngôi cổ tự và lăng mộ bà Phù Dung luôn đông khách thập phương tìm đến chiêm bái, dâng hương cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu tài lộc, cầu tự, cầu cơ trúng số và đặc biệt là cầu chuyện tình duyên đừng gặp cảnh éo le trắc trở

Tâm Lương