Những bài thuốc trị viêm gan hiệu quả từ thiên nhiên
Theo y học cổ truyền, viêm gan cấp tính và viêm gan mãn tính là thuộc phạm trù chứng "hoàng đản". Sau đây là một số bài thuốc hay điều trị chứng bệnh này.
Theo lương y Phạm Như Tá (TP.HCM) nguyên nhân gây viêm gan là do: bị sốt rét lâu ngày, sống trong môi trường ô nhiễm, ăn uống bất cập hoặc thái quá, thức ăn thiếu chất đạm, thiếu rau tươi, thiếu vitamin trong dinh dưỡng nói chung, hoặc do tác động từ bia, rượu... Ngoài ra, các chất độc hóa học cũng ảnh hưởng đến gan, bệnh viêm gan.
Ở trường hợp viêm gan cấp tính, triệu chứng thường là sốt cao (hay sốt nhẹ), vàng da, ăn uống kém, buồn nôn, đau ở vùng hông sườn bên phải, ấn vào vùng gan thấy đau, bụng thường chướng đầy, ăn uống chậm tiêu, ngán dầu mỡ, đại tiện bón hoặc lỏng, tiểu vàng gắt... Trường hợp viêm gan cấp kịch phát (bệnh phát nhanh) thì triệu chứng gồm: sốt cao, khát nước, da vàng, bụng đầy tức, mê sảng, chảy máu cam, hoặc tiểu ra máu, có xuất huyết.
|
Còn viêm gan mãn theo y học cổ truyền bệnh có hai thể là: thể can uất tỳ hư và thể khí trệ huyết ứ. Thể can uất tỳ hư có các triệu chứng như: ăn uống kém, bụng thường đầy hơi, vùng hông sườn phải hay đau râm ran, cơ thể thường mỏi mệt, ngại hoạt động, vận động... Còn ở thể khí trệ huyết ứ, thì triệu chứng bao gồm, ăn uống kém, đầy hơi, hay mệt mỏi, đau tức vùng sườn phải, đau âm ỉ, rêu lưỡi vàng..
Việc chữa trị dựa vào thể bệnh. Theo lương y Phạm Như Tá, những bài thuốc nghiệm phương trong kinh điển hay dùng gồm: với thể cấp thì phép trị là thanh nhiệt trừ thấp, lương huyết giải độc, thoái hoàng. Bài thuốc dùng là "Nhân trần ngũ linh tán gia giảm", gồm các vị: 16gr nhân trần, 12gr bạch truật, 10gr phục linh, 8gr trư linh, 12gr trạch tả, 12gr xa tiền, 14gr đảng sâm, 12gr ý dĩ, 10gr hậu phác, 10gr ô dước. Nếu buồn nôn thì gia thêm trúc nhự 10gr, gừng tươi 4gr, nếu đại tiện táo gia thêm đại hoàng 4gr, vàng da nhiều thêm long đởm thảo 10gr, bụng đầy thêm mộc hương 8gr, sa nhân 10gr, sốt cao thêm huỳnh cầm 8gr, sài hồ 12gr.
|
Trường hợp viêm gan cấp kịch phát, thì phép trị là thanh nhiệt giải độc lương huyết, bài thuốc gồm: nhân trần 20gr, xích thược 14gr, địa hoàng 12gr, bột sừng trâu 12gr, đơn bì 12gr, huyền sâm 12gr, kim ngân hoa 12gr. (Nếu trẻ em cần kết hợp với phương pháp điều trị y học hiện đại).
Viêm gan mãn thể can uất tỳ hư, thì phép trị là sơ can, kiện tỳ hòa vị, bài thuốc gồm các vị: đương quy 16gr, bạch thược 12gr, sài hồ 10gr, phục linh 12gr, bạch truật 12gr, bạc hà 6gr, cam thảo 6gr, uất kim 10gr, thương truật 10gr, hậu phác 10gr. Nếu suy nhược nhiều gia thêm sâm - kỳ mỗi thứ từ 12-16 gr, vàng da nhiều thêm nhân trần, chi tử mỗi thứ từ 10-14gr, đầy hơi thêm mộc hương, sa nhân từ 8-10gr.
Còn viêm gan mãn thể khí trệ huyết ứ, thì phép trị là sơ can lý khí, hoạt huyết hóa ứ, dùng bài thuốc "Tiêu dao hiệp đào hồng gia giảm", gồm các vị: đương quy 12gr, xích thược 10gr, xuyên khung 10gr, sài hồ 10gr, đơn sâm 10gr, uất kim 10gr, đào nhân 10gr, hồng hoa 8gr, bạch truật 10gr, hậu phác 10gr, phục linh 12gr, trần bì 8gr, cam thảo 6gr. Nếu ăn ngủ kém thêm liên nhục, mạch nha, sơn tra mỗi thứ từ 8-12gr, bụng đầy hơi thêm mộc hương, sa nhân từ 8-10gr...
Cách sắc những bài thuốc trên như sau: lần 1 cho 4 chén nước sắc còn 1 chén; lần 2 cho 3 chén nước sắc còn nửa chén, hòa hai nước lại chia làm 3 lần để uống, uống lúc còn ấm (trẻ em liều dùng phân nửa người lớn).
Bệnh nhân cần sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi đầy đủ, không lao động quá mức; cần dùng các thức ăn dễ tiêu như rau đậu, trái cây, sữa, cá... Không nên dùng nhiều thịt, vì thịt là thức ăn khó tiêu đối với người đau gan, hạn chế ăn các chất dầu mỡ, các chất cay nóng, kiêng hẳn bia, rượu... Mỗi lần ăn ít, chia làm nhiều bữa trong ngày. Lúc chức năng gan kém cần thận trọng trong việc dùng thuốc, nhất là các thuốc gây độc cho gan.
Thiên Khang