TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Tiên Châu cổ tự huyền bí và thơ mộng

Tọa lạc trên một cù lao nhỏ thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cổ tự Tiên Châu được ôm ấp bởi hai nhánh của dòng Mê Kông là Sông Tiền và sông Cổ Chiên, tạo nên một không gian vừa yên bình, vừa huyền bí, thơ mộng…

Cổng chùa Tiên Châu

Tiên Châu Cổ Tự được biết đến nhiều bởi gắn với truyền thuyết Bãi Tiên thật lãng mạn, nên thơ.
Truyền thuyết kể rằng: Làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu thuận lợi nên nhiều người đến đây lập ấp. Họ rất lương thiện và có cuộc sống cộng đồng rất hòa thuận, nên nơi đây được gọi là làng Bình Lương. Ở làng Bình Lương, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm là chính.
Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng đều chèo thuyền ra sông đánh bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao thức. Từng cơn gió nhẹ thổi vào mát mẻ và se lạnh, mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa lá hòa quyện với những âm thanh của côn trùng trong lòng đất tạo thành bản giao hưởng du dương trầm bổng. Cụ nhìn ra xa bãi cát trắng xóa lắp lánh ánh trăng mờ. Ánh trăng bàng bạc cùng với luồng ánh chớp lập lòe là những bóng trắng mờ ảo thướt tha uyển chuyển của bao nàng tiên nữ giáng trần, vui chơi trên bãi cát. Câu chuyện được truyền miệng trong làng và từ đó lan xa trong thiên hạ. Cũng từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi là Bãi Tiên.

Mặt tiền chánh diện chùa Tiên Châu

Theo một số Phật tử cao niên, tên chính thức của ngôi chùa này là Di Đà tự hay còn có tên gọi khác là chùa Tô Châu. Sở dĩ gọi là Di Đà tự vì chùa thờ Phật Di Đà, còn gọi là chùa Tô Châu là vì làng Bình Lương trước kia có phong cảnh tuyệt đẹp, thơ mộng với những hàng cây liễu rủ bóng xuống hai dòng sông phẳng lặng trông rất giống phong cảnh Tô Châu của Trung Quốc nên được gọi là chùa Tô Châu.

Đây là ngôi cổ tự do hòa thượng Đức Hội lập nên vào khoảng thế kỷ thứ 19, với kiến trúc cổ kính thâm nghiêm gồm bốn khu: Tiền đường, Chính điện, Trung đường và Hậu tổ. Tất cả các gian được bố trí theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo hai chiều ngang, dọc nhờ các kèo dầm, kèo quyết, với bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương.
Bước vào nội điện ngôi chùa du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự bài trí rất đẹp, giữa tứ trụ là một khánh thờ tượng Phật Di Đà rất lớn. Đấu lưng với khán thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc. Hai bên khán thờ là nơi thờ các vị: Tiêu Diện Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Minh Vương, Nam Tào Bắc Đẩu, Quan Thánh Đế Quân, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát. Trung đường là nơi thờ các vị: Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Tạng, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị Tổ sư tiền bối và Thiện nam, Tín nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên được treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối mang đầy ý nghĩa thâm trầm của nhà Phật.

Tượng Phật Bà trong khuôn viên chùa Tiên Châu với 9 con rồng phục quanh bên dưới đài sen

Qua thời gian, chùa Tiên Châu đã nhiều lần xuống cấp và cũng ngần ấy lần được trùng tu, sửa chữa. Theo sử liệu, trận chiến Mậu Thân năm 1968 đã gây thiệt hại không nhỏ cho chùa Tiên Châu. Súng đạn từ thị xã Vĩnh Long và từ các tàu chiến đã gây cho chùa loang lổ vết đạn, mái ngói bị đổ sập nhiều nơi. Sau đó, Ban hộ trì Tam Bảo kết hợp với Hội Phật giáo Việt Nam quyết định trùng tu lại ngôi chùa. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê tông, có ba giàn cửa sắt. Trên nóc có năm ngọn tháp nhọn, một tháp lớn ở giữa, bốn tháp nhỏ xung quanh, giữa tháp phía dưới là chữ “Tiên Châu tự”. Hai gian hai bên mặt tiền được xây dựng theo kiểu cổ lầu, bên trong tôn trí tượng Thiện Hữu và Ác Hữu, cũng có hoành phi, câu đối ca tụng. Bộ cửa sắt được thay mới bằng bộ cửa gỗ được đặt đóng từ kinh đô Huế do các nghệ nhân chạm trổ, tạo hình theo điển tích cổ xưa, đã được lắp ráp trang trí trong dịp tết Nhâm Ngọ (2002) tô điểm thêm cho kỳ quan một tác phẩm chạm trổ độc đáo, tinh xảo.
Chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1994. Là một ngôi chùa cổ không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long mà còn nổi tiếng cả vùng đồng bằng châu thổ. Bên cạnh sự nổi tiếng về một di tích, danh lam, kiến trúc… Ngày nay, cù lao An Bình không còn bãi cát trắng xóa ngày nào, nhưng phong cảnh quanh ngôi cổ tự Tiên Châu vẫn nên thơ. Là điểm nhấn của một tour du lịch văn hóa tâm linh cổ tự Tiên Châu không chỉ thu hút du khách quanh năm tứ mùa tìm đến dâng nhang, lễ vật chiêm bái, nguyện cầu cho bản thân, gia đình sức khỏe, sự bình an, gặp mối duyên lành, vợ chồng hòa thuận hạnh phúc, con đàn, cháu đống, cầu tài lộc, cầu mua may, bán đắt, làm ăn phát đạt. Đặc biệt cổ tự Tiên Châu thu hút khá đông người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tới đây dâng nhang, lễ vật cầu bán được nhiều vé số và trúng số để thoát nghèo…

Tâm Lương