Linh thiêng chùa Ông ở Sài Gòn
Bà Điệp kể rằng chùa được ông sơ của bà xây dựng cách đây hơn 100 năm, bà là con cháu đời thứ 4 trông coi chùa. Còn cơ duyên bà vào chùa thì vào năm 1968, nhà bà không may bị cháy nên cả gia đình bà phải dọn vào chùa tá túc. Sau đó thì người thân bà lần lượt ra ngoài sống, riêng bà thì ở lại và gắn bó với ngôi chùa cho đến nay. “Tôi cảm thấy rất thân thuộc và có duyên với nơi đây nên tôi đã ở lại chùa dù hồi trẻ tôi vẫn tham gia công việc ngoài xã hội”, bà Điệp nói.
Bà Điệp trò chuyện với nhà báo
“Nghe nói chùa này linh thiêng bậc nhất Sài Gòn phải không cô?”, nghe chúng tôi hỏi câu này, bà Điệp cười hiền từ và… lắc đầu. Bà nói, “Linh thiêng hay không là tùy vào niềm tin của mỗi người. Người tin và thành tâm cầu nguyện thì họ cảm nhận được sự nhiệm màu còn người không tin, không có nhân duyên với nhà chùa thì tất nhiên không cảm nhận được điều đó”.
Bà Điệp cũng kể cho chúng tôi nghe về một số trường hợp người đến chùa cúng bái, khấn nguyện và mọi việc trở thành hiện thực sau đó. Người thì khỏi bệnh nan y, người thì làm ăn phát đạt, người thì vượt qua được gian nan nguy khốn và cũng có người từng trúng số đổi đời… Bà không thể khẳng định là do những người đó được đấng linh thiêng gia hộ hay không ! nhưng bà tin vào phước đức của mỗi người, nó sẽ giúp họ vượt qua những bất trắc trong cuộc sống.Bà không chắc về sự “cầu gì có nấy” nhưng bà khẳng định là có nhiều gia đình đã gắn bó với chùa Ông qua mấy thế hệ, từ đời ông bà sang đến đời cháu. Điều đó khẳng định lòng kính tin trong lòng nhiều tín chủ đến chùa là có thật và rất lớn.
Bà Điệp cho biết thêm rằng, người Phật tử đến chùa này khấn nguyện thì ngoài sự thành tâm cần phải sống noi theo phạm hạnh của đức Quan Công là trung, hiếu, tiết, nghĩa chứ không chỉ biết làm lợi cho riêng bản thân mình.
Khách thập phương thăm và thắp nhang nguyện cầu ở chính điện chùa Ông
Người đến đây có thể cầu nguyện bất cứ điều gì tùy vào nguyện vọng của mỗi người. Đây là một đặc điểm khác biệt giữa chùa Ông và các ngôi chùa linh thiêng khác trong thành phố. Nhiều chùa có tiếng linh thiêng ở Sài Gòn chỉ chuyên về một lĩnh vực cầu khấn nào đó, như chùa cầu con (Phước Hải tự - chùa Ngọc Hoàng), chùa cầu duyên, chùa cầu tài... Riêng chùa Ông này nổi tiếng thiêng ở tất cả các lĩnh vực. Có người thì cầu bình an, người cầu hết bệnh, người cầu tài, có người cầu trúng số, có người cầu chuyện làm ăn kinh doanh, cầu tình duyên, con cái… thậm chí có các em học sinh, sinh viên đến cầu chuyện thi cử.Nhưng theo bà Điệp thì khách chủ yếu đến đây là cầu an và cầu tài cho vận may trúng số là phần nhiều. Trong đó, đặc biệt nhất là cầu tài lộc (trúng số). Bà chứng kiến rất nhiều người đến đây cầu làm ăn, cầu trúng số và sau đó quay lại cúng tạ lễ rất lớn. Chính bà Năm bán nhang đèn trước cổng chùa cũng đã khẳng định với chúng tôi về điều này. Bà cho biết, chùa Ông cầu tài, lộc, cầu cơ, trúng số, cầu làm ăn là linh lắm đấy, cậu vào đó cầu thường xuyên đi”.
Thế là mấy mươi năm qua, tháng nào ông A Tiểu cũng vào chùa để dâng hương lên đức Quan Ông vừa cầu nguyện bình an vừa để đáp tạ ơn xưa.Bà kể lại chúng tôi nghe một trong số nhiều câu chuyện mà bà từng chứng kiến sau những năm tháng bán hương trước cổng chùa. Đó là chuyện về gia đình ông A Tiểu làm nghề buôn bán ở chợ Bình Tây. Trong lúc vợ ông mang thai con gái đầu lòng thì bỗng nhiên bị á khẩu. Dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không khỏi, cũng không rõ nguyên nhân mà bệnh tình ngày càng nặng thêm.Có người chỉ, ông đưa bà đến chùa này thắp nhang khấn nguyện. Thật mầu nhiệm là chỉ hai ngày sau bà hết bệnh, nói chuyện lại được như bình thường. Sau đó, bà hạ sinh một bé gái khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Có một chuyện mà bà Điệp trực tiếp chứng kiến đó là vài năm trước, nhà chùa bị kẻ trộm trèo lên mái cạy lấy đi một số tượng, bình bằng sành sứ quý hiếm. Dù bà đã báo công an nhưng không tìm ra bọn trộm. Bà Điệp không còn cách nào khác ngoài cách cùng anh em bà cầu nguyện quan Ông cho tìm lại được những đồ đã mất.
Bất ngờ là đến 6 tháng sau vụ trộm cắp, công an gọi điện báo là đã bắt được một nhóm chuyên ăn cắp đồ cổ, mấy tên trộm khai nhận là đã lấy cắp của chùa. Thế là đồ đạc được trở về chùa và được đưa lại đúng vị trí cũ. “Nếu đức Quan ông không linh thiêng thì làm sao đồ vật được trả về sau tận 6 tháng bị trộm?”, bà Điệp nói.
Tiếng lành đồn xa, có lẽ từ những câu chuyện kể trên mà chùa Ông dần dần để trở thành là địa chỉ tâm linh nổi tiếng linh thiêng như bây giờ!
Thiên Khang