Bí ẩn ngôi đền thiêng phụ nữ đến xin cho chồng bỏ rượu ở Ninh Bình
Nhiều phụ nữ ở xã Tân Thành (Kim Sơn, Nam Định) tin rằng chỉ cần đến đền thờ Quan thanh tra giám sát cầu xin thì chồng mình sẽ bỏ tật rượu chè, tu tâm dưỡng tính, chí thú làm ăn.
Đền Quan thanh tra giám sát ở xã Tân Thành nổi tiếng linh thiêng là thế nhưng thiết kế rất đơn giản, chỉ là một ngôi nhà ba gian nằm khuất giữa những tán cây xanh mát. Phía trước đền là một động nhỏ thờ Ngũ hổ uy nghi.
Theo người dân địa phương, đền thời Quan thanh tra giám sát được xây dựng cách đây khoảng 200 năm. Ngôi đền gắn liền với công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển của quan doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đầu thế kỷ 19.
Khi đặt chân đến vùng đất mới, người dân đã lập ngôi miếu thờ quan bản thổ và thời cúng đều đặn một năm hai kỳ xuân, thu. Nếu ở mỗi gia đình thờ ba ông đầu bếp cai quản việc nhà thì quan bản thổ là người cai quản cho một xóm, một vùng.
Ban đầu, đền có tên là đền Thân Mục chỉ thờ thần thổ địa. Sau này, người dân mới sang tỉnh Nam Định rước bát hương quan thanh tra giám sát về thờ nên hiện giờ đền vừa thờ Thành hoàng bản thổ vừa thờ hội đồng quan thanh tra giám sát.
Đền thờ Quan thanh tra giám sát được cho là có thể giúp đàn ông bỏ rượu, bỏ đánh chửi vợ con. (Ảnh: ANTĐ)
Cũng theo lời kể của người dân, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền từng là nơi ẩn náu, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhưng sau đó, người ta đã dỡ các cánh cửa, xà hoành bằng gỗ để làm làm đồ dùng, bàn ghế. Đền thờ được dùng làm nhà kho của hợp tác xã.
Trải bao năm tháng biến động của lịch sử, người dân địa phương vẫn giữ lại được bát hương và 3 thanh kiếm cổ là những vật báu vô giá của ngôi đền. Cùng với đó là những câu chuyện bí ẩn gắn liền với sự linh thiêng của đên Quan thanh tra giám sát.
Đó là những câu chuyện được người dân truyền tai nhau về sự trừng phạt của thần linh đối với những kẻ xâm phạm “vùng đất thánh” hoặc có những hành động bất kính chốn linh thiêng. Theo lời kể của người dân ở đây thì những kẻ phạm thượng đó cuối cùng đều phải nhận một kết cục vô cùng bi thảm mà tấm gương lớn nhất chính là kẻ có chủ trương phá dỡ ngôi đền.
Cung Quan thanh tra giám sát
Cách đây rất lâu rồi, có một người rất mê cây muỗm cổ thụ trước cửa đền nên đã thuê người đến chặt mang về làm nhà và đóng bàn ghế. Vì ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nên nhiều người không dám nhận lời dù được trả công rất hậu.
Những người nhận công việc này phải làm lễ cúng trước đền để xin phép thần linh rồi mới dám ra tay đốn hạ cây quý. Không ngờ, chỉ mấy ngày sau đó, kẻ thuê người chặt cây đang khỏe mạnh là thế bỗng dưng mắc bệnh nằm liệt giường, người thẳng đơ như khúc gỗ, hơn một tháng sau thì qua đời.
Câu chuyện này được người dân kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác từ hàng trăm năm nay như thể mới xảy ra ngày hôm qua.
Một ngôi đền khác cũng thờ Quan thanh tra giám sát ở Lạng Sơn
Điều kỳ lạ nữa là người dân ở đây tin rằng vị thần linh thiêng trong ngôi đền có thể giúp đàn ông bỏ rượu, tu tâm đổi tính, trở thành người chăm chỉ làm ăn. Tiếng lành đồn xa nên nhiều phụ nữ trong làng ngoài xã có chồng nghiện rượu, tối ngày say xỉn, đánh chửi vợ con liền rủ nhau đến đền Quan thanh tra cầu cúng. Không biết lời khẩn cầu của họ linh nghiệm đến đâu nhưng tiếng tăm của ngôi đền thì ngày càng lan xa đến các vùng lân cận.
Theo lời người trông coi ngôi đền thì không ít người sau khi cầu xin Quan giám sát “ban phép” giúp chồng bỏ rượu đã quay lại tạ ơn vì chồng không còn tối ngày say xỉn nữa, không còn đánh chửi vợ con như trước nữa.
Tất nhiên, những câu chuyện kể trên dù sao vẫn chỉ là những câu chuyện được lưu truyền trong dân chúng, chưa được kiểm chứng thực hư. Nhưng có một điều không thể nghi ngờ là sự hiện hữu của ngôi đền mang những giá trị văn hóa, tâm linh vô cùng to lớn đối trong lòng người dân nơi đây.
Thiên Khang