Công dụng kỳ diệu của Hà thủ ô đỏ
Hà thủ ô đỏ là loại cây dây leo nhỏ, sống nhiều năm, mọc lẫn với nhiều loại cây khác, có vị chát, ngọt, đắng, tính hơi ấm. Theo Đông y, ngoài công dụng làm đen tóc, Hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét.
Gọi Hà thủ ô đỏ, vì nó có sắc đỏ, để tránh nhầm với cây Hà thủ ô trắng họ Thiên Lý (Asclepiadaceae), mọc hoang ở các tỉnh rừng núi phía bắc nước ta như Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An... Hà thủ ô đỏ còn gọi là “giao đằng”, là cây dây, hay “dạ hợp”, ý nói ban đêm chúng quấn lấy nhau. Vị thuốc là rễ hay dây của cây Hà thủ ô đỏ.
Vào mùa thu, hoặc mùa xuân người ta thường đào lấy rễ, quen gọi là củ. Củ có hình dáng quăn queo, giống củ khoai lang, do đó nó còn có tên là mần đăng (khoai lang), có trọng lượng từ 0,5kg đến vài kg.
Hà thủ ô đỏ sau khi đào, rửa sạch, có thể bổ nhỏ, phơi khô, bảo quản, khi sử dụng phải tiến hành chế biến tiếp. Trước hết đem các miếng Hà thủ ô ngâm với nước vo gạo (nước gạo, mới vo) từ 12-24 giờ thỉnh thoảng khấy đảo, để loại bớt chất chát sau đó rửa sạch, tiếp đó là chế với đậu đen.
Cũng có thể chế theo cách đồ, cứ một lớp Hà thủ ôlại rắc một lớp đậu đen. Cũng xếp Hà thủ ô theo nguyên tắc trên, miếng to xuống dưới, miếng nhỏ lên trên. Đồ đến khi miếng Hà thủ ô chín tới tận lõi. Sau tiếp tục làm như trên.Sau chế biến, Hà thủ ô đỏ có màu nâu tím, thể chất giòn. Nhấm ngậm bùi, hầu như hết vị chát. Và chỉ sau chế, mới có thể dùng làm thuốc uống được.
Người ta còn chế Hà thủ ô với rượu bằng cách chưng hoặc đồ: 1kg Hà thủ ô trộn đều với 0,2 – 0,25 lít rượu trắng. Ủ cho ngấm đều rồi đồ chín, phơi khô. Hoặc đem Hà thủ ô cùng nấu với nước cháo và đậu đen trong 2 giờ, sau tiếp tục đồ 2 giờ nữa. Rồi dùng nước nồi đáy, tẩm phơi đến hết và khô giòn.
Trong điều trị người ta còn chế bằng nhiều cách khác nữa, như nấu Hà thủ ô với đậu đen và gừng, hoặc Hà thủ ô với cam thảo, đậu đen, Hà thủ ô với thục địa... Việc chế biến các phụ liệu khác nhau như vậy, không ngoài mục đích làm tăng thêm tác dụng bổ huyết, bổ thận của vị thuốc.
Theo y học cổ truyền, Hà thủ ô có vị đắng, chat, tính ấm. Quy vào hai kinh: can, thận. Làm tăng nhu động ruột do các thành phần anthranoid, do đó làm xúc tiến khả năng tiêu hóa của dạ dày và ruột. Hà thủ ô được dùng trong các trường hợpđại tiện táo kết, tiêu hóa kém.
Dịch chiết cồnHà thủ ô đỏ còn có tác dụng hạ cholesterol, có tác dụng chống oxy hóa. Hà thủ ô đỏ là vị thuốc bổ huyết, do vậy, những người tóc bạc sớm cholesterol tăng, dùng rất tốt.
Theo bác sĩ – thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện TW Quân đội 108, thì Hà thủ ô đỏ có ít nhất ba tác dụng đặc biệt, đó là làm đen râu tóc, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, trong vị thuốc Hà thủ ô đỏ có hai thành phần chính: các anthranoid có tác dụng gây tăng nhu cầu động ruột và gây tiêu chảy. Thành phần thứ hai là tannin, lại có tác dụng làm se ruột, gây táo bón. Như vậy, hai thành phần này luôn có tác dụng đối lập nhau. Vì thế, để dùng được tốt vị Hà thủ ô đỏ, người ta phải chú ý đến chế biến vị thuốc này, loại hết phần tannin, để không bị táo bón, bằng cách ngâm với nước vo gạo, và chế biến với các phụ liệu nói trên. Nếu việc chế biến không đạt yêu cầu, sẽ xảy ra hiện tượng vừa bị táo, lại vừa lỏng phân. Và dĩ nhiên, kết quả điều trị sẽ không đạt yêu cầu.
Tâm Lương