Mong ngày phát hành vé số trở lại để tiếp tục cuộc mưu sinh
Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ (CT-16), từ ngày 1/10/2021 TP. HCM đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát để người dân dần trở lại cuộc sống bình thường. Đây cũng là thời điểm những người hành nghề bán vé số dạo đang mong đợi ngày phát hành vé số trở lại để tiếp tục cuộc mưu sinh, vượt qua gian khó.Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ (CT-16), từ ngày 1/10/2021 TP. HCM đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát để người dân dần trở lại cuộc sống bình thường. Đây cũng là thời điểm những người hành nghề bán vé số dạo đang mong đợi ngày phát hành vé số trở lại để tiếp tục cuộc mưu sinh, vượt qua gian khó.
Ăn cơm từ thiện buồn quá
Trong đợt đại dịch kéo dài từ tháng 5/2021 đến nay, có hàng ngàn người hành nghề bán vé số dạo mưu sinh bị lâm vào hoàn cảnh hết sức khốn khó. Khi TP. HCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo CT-16 trên phạm vi toàn TP, kể từ ngày 9/7/2021, với nội dung yêu cầu người “ở đâu, ở yên đó”, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết và tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống…Theo đó, Hội đồng XSKT khu vực miền Nam cũng dừng hoạt động kinh doanh xổ số trên thị trường toàn khu vực miền Nam bắt đầu từ ngày 9/7/2021, nhằm góp phần cùng nhân dân TP. HCM và các tỉnh, thành khu vực miền Nam đẩy lùi Covid-19.
Từ đó tới nay, nhiều người hành nghề bán vé số không kịp về quê tránh dịch, đành chấp nhận ở yên trong những căn phòng trọ, sống nhờ vào tiền hỗ trợ của nhà nước và những bữa cơm không đồng của các tổ chức từ thiện. Nhưng vì thời gian tạm ngưng phát hành vé số đã kéo dài gần 4 tháng, nên cuộc sống của người bán vé số vốn đã khốn khó lại càng thêm bi đát.
Ai cũng biết những người bán vé số dạo hầu hết là những người yếu thế trong xã hội, họ là những người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, người nghèo không có vốn buôn bán, không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp và việc làm…Đối với họ, nghề bán vé số chính là “cần câu cơm” hàng ngày, ít có tích lũy nên khi ngưng ra đường mời chào để bán từng tấm vé, đồng nghĩa với mất thu nhập, mất kế mưu sinh.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Thành Công, 65 tuổi, quê huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) hiện ở khu nhà trọ trong hẻm đường Dương Bá Trạc, quận 8 chia sẻ: “Khi đại dịch bùng phát mạnh, XSKT tạm ngưng phát hành, tôi và nhiều người khác ở khu nhà trọ này nghĩ chắc hết chỉ sau 15 ngày thì vé số sẽ hoạt động trở lại như hồi tháng 4 năm 2020, nên không ai có ý định trở về quê, ai ngờ kéo dài mấy tháng ròng. Rất may, những tháng qua thực hiện hầu như ngày nào cũng có các cháu tình nguyện viên mang cơm từ thiện đến tận phòng, không lo đói. Nhưng chúng tôi ai cũng buồn, vì không được ra đường bán vé số kiếm tiền để vừa tự lo cho mình, vừa lo phụ gia đình ở quê và đem niềm vui, sự may mắn đến cho mọi người như trước đây”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay rất nhiều người hành nghề bán vé số dạo có tâm trạng giống ông Huỳnh Thành Công, họ không muốn cứ sống nhờ mãi vào những bữa cơm từ thiện. Có người buồn rầu nói: “Bán vé số từ hồi nào tới giờ, tính ra đã hơn 10 năm, thu nhập mỗi ngày tuy không có bạc triệu, nhưng cũng đủ lo cho bản thân và một phần giúp gia đình. Đợt dịch này bùng phát mạnh quá, vé số tạm ngưng kéo dài quá, phải nhờ chính quyền trợ cấp, phải ăn cơm từ thiện, cảm thấy buồn quá”.
Mong mỏi từng ngày
Mong vé số phát hành trở lại, là tâm trạng của tất cả nhũng người hành nghề vé số dạo hiện nay ở khu vực miền Nam nói chung và TP. HCM nói riêng. Bà Trần Thị Mỹ 46 tuổi, quê huyện Chợ Mới (An Giang) trọ ở hẻm đường Tạ Quang Bửu, phường 2 (Q 8) giọng buồn rầu kể với chúng tôi, gia đình bà dưới quê còn hai đứa con đang tuổi ăn học và một người chồng bị tai biến liệt nửa người. Nhiều năm qua, bà là người lao động chính và tất cả nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống trong gia đình, đều trông chờ vào nghề bán vé số dạo.
“Tôi không có vốn, chủ yếu nhờ mấy em cùng quê lấy vé số từ đại lý quen, rồi chia lại để tôi đi bán dạo kiếm tiền mưu sinh, độ nhật trong ngày. Nói chung là “tay làm hàm nhai”, ra đường bán ngày nào thì xào luôn ngày ngày đó, không có tích lũy, nên khi vé số ngưng phát hành là rơi ngay vào hoàn cảnh trắng tay. Những tháng qua may có tiền hỗ trợ và nhờ những bữa cơm từ thiện, nhờ chủ nhà trọ cho ở miễn phí, nên cũng ráng chờ hết giãn cách, hy vọng vé số sẽ được hoạt động trở lại, để tiếp tục cuộc mưu sinh” – Bà Mỹ chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh như bà Trần Thị Mỹ, bà Lâm Thị Xuân, quê huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết, ngày trước khi chưa ngừng hoạt động vé số, mỗi ngày chịu khó đi bán dạo cũng có thu nhập từ 200 ngàn đồng – 250 ngàn đồng/ngày, chi tiêu tiết kiệm còn có mỗi tháng vài ba triệu gửi về quê cho các con ăn học. Mấy tháng nay dịch giã, có muốn đi làm thuê cũng chả có ai mướn, đành bó tay chịu đói, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nên ai cũng mong đợi ngày vé số phát hành trở lại, để chúng tôi lại được dạo bước trên từng cây số mời chào khách hàng như trước đây”.
Lực lượng bán vé số dạo ở khu vực miền Nam khá hùng hậu, với khoảng hơn 100 ngàn người, đã góp phần tiêu thụ số lượng lớn vé số trên thị trường. Chính họ là những người trực tiếp góp phần tạo ra nguồn doanh thu lớn, giúp ngành XSKT khu vực miền Nam nộp hàng ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm. Trong đợt đại dịch kéo dài và diễn biến phức tạp lần này, không chỉ khiến cuộc sống của những người hành nghề bán vé số bị điêu đứng, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu và nộp ngân sách của các doanh nghiệp XSKT.
Tâm Lương