Bán vé số nên duyên vợ chồng
Ở TP. HCM không ít nhữngngười có số phận thiếu may mắn như khuyết tật, gia đình bất hạnh chia ly. Trên những nèo đường mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, họ đã gặp nhau, cảm thông, chia sẻ với nhau rồi gắn bó nên duyên vợ chồng như một định mệnh…
Vợ chồng khuyết tật Nguyễn Hữu Thanh 35 tuổi, quê Tiền Giang và Huỳnh Thu Thảo, 32 tuổi, quê Đồng Tháp
Trò chuyện với tôi, cặp vợ chồng khuyết tật Nguyễn Hữu Thanh 35 tuổi, quê Tiền Giang và Huỳnh Thu Thảo, 32 tuổi, quê Đồng Tháp cho biết, trong một lần đi bán vé số gặp mưa, họ tình cờ cùng trú mưa ở một quán cà phê trên đường Tản Đà, quận 5.
Cơn mưa chiều tầm tã kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ ấy như một cơ duyên, tạo cơ hội cho hai “vầng trăng khuyết” bấy lâu phải câm lặng giữa biểu đời phồn hoa, giờ có dịp trò chuyện, giãi bày nỗi niềm tâm sự của những người đồng cảnh ngộ. Từ mối sơ giao, họ tiến dần trong mối quan hệ, đến lúc cảm thấy dường như họ sinh ra là để được ở bên nhau. Hai năm sau buổi chiều gặp gỡ định mệnh ấy, họ dắt nhau về quê ra mắt hai bên gia đình.
Nhưng buồn thay, họ đều bị gia đình cả hai bên cùng phản đối quyết liệt. Giọng bùi ngùi, anh Thanh chia sẻ: “Vì tôi bị dị tật chân bẩm sinh, còn Thảo thì bị lùn, nên ba má rất lo ngại và cho rằng chúng tôi lấy nhau sẽ không chỉ khó trong việc mưu sinh mà còn khó về đường sinh nở, con cái. Nhưng tôi nghĩ, đã là duyên phận rồi, dù gia đình phản đối, chúng tôi cũng quyết tâm đến với nhau bằng được. Đám cưới của chúng tôi hồi năm 2015 chỉ một mâm cơm đặt giữa phòng trọ cúng tạ ơn Trời, Phật đã se duyên và chứng giám cho tình yêu, hạnh phúc của hai vợ chồng. Khách dự và chúc phúc cho hai vợ chồng tôi có 8 người đều bán vé số và cùng ở chung nhà trọ trong hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 5”.
Theo anh Thanh, từ ngày gặp Thảo, anh như một con người khác, sống tự tin, lạc quan hơn, bởi anh đã tìm được ý nghĩa và lẽ sống của cuộc đời.
Tính đến nay họ đã sống với nhau tròn 4 năm, luôn khao khát có một đứa con kháu khỉnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Hàng ngày, hai vợ chồng lại chở nhau trên chiến xe Honda ba bánh được cải tạo dành cho người khuyết tật, đi tới những quán cà phê, quán ăn, quán nhậu mời chào vé số mà cảm thấy trong lòng họ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Trường hợp của ông Phạm Văn Hoàng, 50 tuổi, quê Phú Yên và bà Lê Thị Gấm, 45 tuổi, quê Quảng Nam, dù đến với nhau vào tuổi xế chiều, nhưng cũng có nhiều tình tiết hết sức cảm động.
Ông Phạm Văn Hoàng, 50 tuổi, quê Phú Yên và bà Lê Thị Gấm, 45 tuổi, quê Quảng Nam
Ông Hoàng nói rằng, vì chuyện hôn nhân bị đổ vỡ, nên năm 2010 ông quyết định rời xứ vào TP. HCM tìm kế mưu sinh. Ban đầu ông làm thợ hồ, nhưng năm 2014 không may tai nạn xảy ra khiến ông bị gãy chân phải. Một năm sau, khi đã bình phục, ông thôi nghề thợ hồ, theo người bạn cùng quê đi bán vé số. Ông nói: “Trong cái rủi cũng có cái may, nhờ bán vé số quanh quẩn ở khu vực Bảy Hiền (khu tập trung đông đảo người dân xứ Quảng sinh sống) mà tui gặp bà Gấm, cũng cùng cảnh ngộ hôn nhân đổ vỡ, cùng tha hương, dễ đồng cảm, chia sẻ trong cuộc mưu sinh nơi xứ người. Như một cơ duyên, sau một năm tìm hiểu chúng tui quyết định “rổ rá cạp lại”, “góp gạo thổi cơm chung” từ 2016 tới giờ. Nay, cuộc sống tuy còn nhiều lo toan, cực nhọc, nhưng tui cảm thấy ấm lòng. Đúng như các cụ xưa vẫn nói “con chăm cha, không bằng bà chăm ông”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều cặp đôi nên duyên vợ chồng từ cuộc mưu sinh, bươn chải giữa dòng đời xuôi ngược bằng nghề bán vé số dạo ở TP. HCM. Tuy cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, nhưng trên gương mặt ai cũng đều rạng ngời hạnh phúc. Vì họ mãn nguyện với tình yêu và duyên số tìm được giữa biển đời mênh mông, hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Trang Lương