Bình Thuận: Người bán vé số có nguy cơ tái nghèo vì...
Từ hơn 10 năm qua, nhiều người nghèo ở Bình Thuận nhờ nghề bán vé số dạo đã từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhưng từ khi những ca nhiễm Covid – 19 đầu tiên được phát hiện ở Bình Thuận, lượng du khách giảm hẳn, các dịch vụ, quán xá, nhà hàng, khách sạn đều ế ẩm. Nhiều người bán vé số dạo và đại lý vé số đều thất thu. Thậm chí nhiều người đang có nguy cơ tái nghèo...
Những hộ nghèo ở tỉnh Bình Thuận chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam... Họ nghèo chủ yếu do thiếu đất sản xuất, thiếu tiền vốn, thiếu sức lao động. Một số gia đình có thành viên (bố, mẹ, vợ, chồng, con cái) sức khoẻ yếu, tuổi già, đau bệnh, khuyết tật… không có khả năng lao động. Họ chọn cái nghề bán vé số dạo như một cứu cánh để có thể mưu sinh, không chỉ kiếm sống qua ngày mà còn hướng tới mục tiêu thoát nghèo.
Nhiều người nghèo ở Bình Thuận chọn nghề bán vé số dạo để mong thoát nghèo
Ông Phạm Quang Thuận, 56 tuổi, quê Tánh Linh (Bình Thuận) là một trong những người như vậy. Ông chia sẻ: “Tui đã có gần 10 năm hành nghề bán vé số dạo ở TP. Phan Thiết, nên hiểu rất rõ hoàn cảnh, thân phận những số người nghèo hành nghề bán vé số dạo ở xứ này. Cũng giống tui, trước khi có dịch Covid – 19 xảy ra, hằng ngày mỗi người như tui đều có thể kiếm được từ 150. 000 đến 200.000 đồng tiền lời, trừ mọi chi phí tiền ăn, tiền trọ còn dư được cả trăm ngàn đồng phụ giúp cho con cháu ở quê ăn học. Nhưng từ sau Tết đến giờ, khi dịch bệnh hoành hành, các dịch vụ dần đóng cửa, khách du lịch thưa thớt rồi vắng hẳn, thì bọn tui cũng... treo niêu vì chẳng bán được, không kiếm đủ tiền ăn cơm, uống nước. Nhiều người cách đây ít lâu đã có chút dư dả, giờ cũng trắng tay”.
Còn bà Lê Thị Mai, 60 tuổi, quê Hàm Thuật Bắc, thì tâm sự, nghề bán vé số dạo được những người trong nghề coi là nghề “bán giấc mơ” cho những người khác, cũng có ngày hên, ngày xui tùy theo thời tiết mưa, hay nắng. Nghề này ngoài đòi hỏi phải cần mẫn chăm chỉ chịu khó đạp xe hay lội bộ mỗi ngày, cũng cần có chút duyên ăn nói, mời chào sao cho khách hàng người ta động lòng trắc ẩn, thương cảm mà mua. Đối với những người yếu thế (già cả sức yếu, khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con ăn học lại không có việc làm, không có vốn buôn bán…) thì nghề bán vé số dạo rất phù hợp. Bản thân bà Mai bị bệnh tiểu đường, sức khỏe kém, nhờ nghề bán vé số dạo nên còn có đồng ra đồng vô, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ tháng, đủ trang trải ăn uống, chỗ ở, tới thuốc thang chữa bệnh cho bản thân, không làm phiền con cái.
Vì dịch Covid-19 mà các dịch vụ đóng cửa, khách du lịch vắng bóng, khiến người bán vé số dạo bị thất thu trầm trọng
Nhưng từ ngày ở Phan Thiết có những ca nhiễm Covid – 19 thì nguồn thu từ việc bán vé số giảm sút nghiêm trọng, bản thân bà dù cố gắng mấy cũng không thể kiểm đủ tiền trang trải những chi phí cơ bản nhất cho cuộc sống bản thân. Thậm chí có những ngày "trắng cửa", suốt từ sáng tới tối chẳng có được đồng nào!
Chị Huỳnh Thị Mỹ, 45 tuổi, quê Đức Linh nói, những tờ vé số cũng giống như số phận người đi bán dạo ấy. Nếu may mắn được những người mua vé số với mình trúng thưởng thương tình lì xì vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu (nếu trúng giải cao) thì coi như mình cũng trúng số vậy. Nhưng hiện giờ, khi hàng quán đóng cửa, người dân ngại ra đường vì sợ bị lây nhiễm dịch bệnh, thì ngay cả "vận may" cũng trở nên ế ẩm, khiến những người "đi bán vận may" phải chịu cảnh túng thiếu triền miên.
Điều khiến những người bán vé số dạo ở Bình Thuận luôn cảm thấy ấm lòng chính là sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng, đặc biệt là của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến Thiết Bình Thuận (Công ty) trong những ngày dịch Covid – 19 đang làm ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh của họ.
Nhờ sự hỗ trợ thiết thực của Công ty XSKT Bình Thuận, nhiều người bán vé số dạo dù gặp khó khăn nhưng vẫn kiên quyết bám nghề
Bà Mỹ chia sẻ, rất nhiều trường hợp người bán vé số dạo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Công ty thăm hỏi động viên, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần không chỉ trong dịp lễ, Tết mà cả trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là từ ngày phát hiện dịch Covid – 19 ở Bình Thuật đến nay. "Nhờ vậy mà dù công việc đang hết sức khó khăn, nhiều người trong chúng tôi vẫn quyết bám lấy nghề, ráng chờ "sau cơn mưa trời lại sáng", chỉ cầu dịch bệnh chóng qua để cuộc sống trở lại bình thường", bà Mỹ tâm sự.
Tâm Lương