TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Tình đồng hương của người bán vé số

Thông thường, những người tứ xứ hành nghề bán vé số dạo ở TP.HCM thường thuê phòng trọ sống tập trung theo nhóm cùng quê, từ vài người đến hàng chục người. Chính trong cuộc mưu sinh luôn tiềm ẩn những rủi ro, bất trắc nơi đất khách quê người càng khiến cho họ thêm gắn kết, đùm bọc và chia sẻ với nhau sâu sắc hơn.

Ở TP. HCM từ lâu đã hình thành một số nhóm bán vé số dạo là những người đồng hương như “nhóm xứ Quảng” (Quảng Nam, Quảng Ngãi), “nhóm Phú Yên”, “nhóm Khánh Hòa”, “nhóm Bình Định” và gần đây xuất hiện thêm “nhóm Tây Nam bộ” đến từ các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, TP. Cần Thơ). Tuy mới xuất hiện, nhưng “nhóm Tây Nam bộ” mà tôi được biết có số lượng khá đông, họ chủ yếu thuê phòng trọ và hành nghề ở địa bàn quận 8 và huyện Bình Chánh.

Chị Huỳnh Thị Cẩm Tú, 45 tuổi, quê huyện Chợ Mới, An Giang cho biết, nhà có hơn 1 công đất làm ruộng, năm được mùa cũng chỉ đủ gạo ăn. Năm 2013, sau khi bàn bạc với chồng, chị quyết định theo những chị em cùng xứ rời quê lên TP.HCM bươn chải kiếm tiền bằng nghề bán vé số dạo để nuôi 2 con ăn học. Chị nói, nhóm của chị gồm 5 chị em đều quê Chợ Mới, khi mới chân ướt chân ráo lên Thành phố đã may mắn gặp chị Nguyễn Thị Thanh người cùng xứ, chủ đại lý vé số cấp 2 ở đường Tạ Quang Bửu, phường 2, quận 8 tận tình giúp đỡ từ giới thiệu chỗ ở trọ, đến việc cho lấy vé thiếu để đi bán. Hàng ngày, các chị chia thành 2 tốp rồi rong ruổi khắp đường phố, len lỏi từ các quán cà phê, quán ăn bình dân ở quận 8, cho đến những nhà hàng, những tụ điểm vui chơi giải trí sang trọng ở khu đô thị mới Trung Sơn (Bình Chánh) để chào mời khách mua vé số.

Theo chị Cẩm Tú chia sẻ, công việc tuy vất vả, mệt mỏi vì phải đi bộ nhiều và liên tục mỗi ngày, nhưng bù lại thu nhập của các chị khá ổn định, bình quân được 5 - 6 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm ruộng dưới quê.

Được biết, chị Cẩm Tú và chị Phạm Hồng Oanh 42 tuổi ở cùng một tốp, hoạt động ở khu vực quận 8, nhưng mỗi chị lựa chọn những đường phố khác nhau để “tác nghiệp”. Mỗi ngày, hai chị đi từ tờ mờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều, nếu vé bán không hết thì nộp lại cho đại lý chị Thanh để lấy vé mới. Sau khi nghỉ ngơi, ăn vội bữa cơm chiều xong, hai chị lại tiếp tục đi bán ở những con đường tập trung nhiều quán nhậu như Cao Lỗ, Tạ Quang Bửu, Phạm Thế Hiển, Dương Bá Trạc cho tới tận đêm khuya. Cứ thế, theo thời gian hai chị đã quen việc, quen địa bàn, quen nhiều khách hàng ruột, nên thu nhập cũng nhờ đó mà tăng dần lên. Sau 5 năm, nhờ số tiền hai chị kiếm được gửi về quê, những đứa con của các chị đều được ăn học đàng hoàng, tử tế.

Tuy vậy, trên bước đường mưu sinh không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. Theo chị Phạm Hồng Oanh: “Mặc dù đã nghe nhiều người nói và mình cũng đã rất cảnh giác, vậy mà một tối, dịp gần Tết Đinh Dậu (2017) vẫn bị hai cậu thanh niên đi xe máy giật mất hàng trăm tờ vé số mới lấy ở đại lý hồi chiều. Rất may, chị Thanh chủ đại lý là người nhân hậu, nể tình đồng hương mà cảm thông, chia sẻ, động viên và cho ghi nợ trừ dần, nên mọi chuyện rồi cũng ổn”.

Rồi chị vui vẻ kể tiếp: “Cách đây mấy năm, có một chị trong nhóm đồng hương quê Sóc Trăng (trọ cùng hẻm với nhóm An Giang) bán vé số gặp phải ngày mưa bão, nên bị ế và về trễ không kịp nộp lại cho đại lý, đành ôm hàng chục tờ. Đang buồn nẫu ruột, thì khi đem ra dò đài Tiền Giang bất ngờ trong số vé ế có một vé trúng độc đắc, cả xóm tới chúc mừng. Sáng hôm sau, chị lãnh thưởng về lì xì đều cho tất cả các thành viên của 2 nhóm Sóc Trăng và An Giang, rồi chị đem tiền về quê xây dựng một căn nhà khang trang, dành vốn buôn bán, vĩnh viễn chia tay với nghề bán vé số dạo”.

Thế đó, trong cuộc mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo của những người cùng khổ, cùng quê hương bàn quán có 1001 chuyện cảm động về nghĩa tình, sự đùm bọc, sẻ chia của họ với nhau ở nơi đất khách quê người.

Tâm Lương