Bán vé số để có tiền chữa bệnh
Trong số hàng ngàn người hành nghề bán vé số dạo ở TP. HCM hiện nay, có không ít người có số phận bất hạnh, vừa phải bươn bả kiếm tiền lo cho gia đình, vừa dành tiền chữa bệnh cho chính mình, hoặc cho người thân. Nhưng chính nhờ những đồng tiền kiếm được từ bán vé số dạo, mà nhiều người bệnh được cứu sống, khỏe mạnh trở lại để hòa nhập cộng đồng.
Đồng tiền của tình nhân ái
Không ai nhớ từ bao giờ, nhưng mỗi ngày những thực khách của các quán ăn, quán cà phê ở khu vực gần Bệnh viện Nhân dân 115 TP. HCM thường bắt gặp một người phụ nữ dáng nhỏ thó, gương mặt sạm đen khắc khổ (khó đoán tuổi), chân phải bị dị tật đi khập khiễng, tay cầm xấp vé số đi hết bàn này tới bàn khác chào mời khách. Một buổi sáng ngồi uống cà phê ở đường Thành Thái chờ kết quả xét nghiệm khám tổng quát theo định kỳ, tôi được chị mời mua vé số, sau khi mua 3 tờ ủng hộ, qua trò chuyện được biết chị tên Cao Thị Hường, 54 tuổi từ vùng quê nghèo huyện Bù Đăng (Bình Phước) xuống TP. HCM đã gần một năm nay, để vừa điều trị ngoại trú ở Bệnh viện Nhân dân 115 về chứng cứng khớp gối, vừa bán vé số dạo để trang trải tiền ăn ở trọ và thuốc men.
Theo chị Cao Thị Hường cho biết, cách nay khoảng 5 năm đang khỏe mạnh và là lao động chính hàng ngày quần quật với 5 công đất rẫy trồng điều và cà phê nuôi ba con đang tuổi ăn học, bỗng chị phát bệnh. Ban đầu triệu chứng chỉ cảm thấy đau nhức, tê cứng khớp chân đi lại khó khăn, nhưng vì hai năm qua điều và cà phê mất mùa không có tiền đi bệnh viện, chỉ chữa bằng thuốc Nam nên bệnh không thuyên giảm, mà càng ngày càng nặng thêm, tưởng sẽ tàn phế. Vẻ mặt buồn rầu, chị cho biết thêm, các bác sẽ nói nếu để lâu, không chữa trị kịp thời có thể bị bại liệt. “Rất may nhờ có người chị họ sống bằng nghề bán vé số dạo lâu năm ở TP. HCM chỉ dẫn tới đại lý mà chị ấy quen biết trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 lấy vé số đi bán. Do chân đau, không thể đi xa, nên mỗi ngày tôi chỉ loanh quanh đi mời chào khách ở mấy quán cà phê, quán ăn khu vực gần bệnh viện và gần nơi ở trọ. Nhiều người đi chăm nuôi bệnh nhân và cả các y, bác sĩ thấy tôi đi lại khó khăn, nhất là khi biết tôi đi bán vé số để có tiền chữa bệnh, họ động lòng trắc ẩn mà mua ủng hộ, nên cũng kiếm được mỗi ngày khoảng từ 150.000 đồng tới 200.000 đồng. Nhờ đó tôi mới có thêm một khoản tiền để trả tiền trọ và trị bệnh gần một năm nay, giờ mỗi ngày đi lại còn hơi khó khăn, nhưng cũng đỡ hơn nhiều rồi. Đồng tiền tôi kiếm được nhờ bán vé số dạo đúng là đồng tiền của tình nhân ái mà khách hàng dành cho mình” – Chị Cao Thị Hường chia sẻ.
Cứu cánh bệnh nhân nghèo
Trên hè phố một số tuyết đường gần các bệnh viện lớn ở TP. HCM như: Bệnh viện Bình Dân (đường Điện Biên Phủ), Bệnh viện Chợ (đường Nguyễn Chí Thanh), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Trãi)…tôi vẫn thường thấy xuất hiện một số người gầy gò già yếu hàng ngày ngồi bán vé số, với tấm bảng nhỏ ghi những dòng chữ: “ Cần tiền để mổ cô bác mua vé số giúp đỡ, xin cám ơn”, hay “Thiếu tiền chữa bệnh, bà con làm ơn mua giùm vé số, xin cảm tạ”. Ông Phạm Phước Sang, 60 tuổi, quê huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) bán vé số trên đường Nguyễn Chí Thanh gần Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong số những người như thế. Qua trò chuyện tôi được biết, ông Phạm Phước Sang đang mắc căn bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cần phẫu thuật can thiệp, với mức chi phi khoảng vài chục triệu đồng. Ông Sang kể, tháng 10 năm 2022 khi đang lúi húi làm việc trên đồng, tự dưng ông bị đau ê ẩm ở sau gáy, tưởng bị cảm gió, lấy dầu xoa hoài không đỡ, đành đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp XQ, bác sĩ cho biết ông bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cần can thiệp bằng phẫu thuật, nên giới thiệu ông lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. “Tôi lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM từ tháng 12/2022, sau khi chụp CT, MRI xong bác sĩ đưa ra một số phương pháp mổ như mổ hở, mổ vi phẫu qua ống nong và mổ nội soi để tùy vào điều kiện tài chính và sức khỏe của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Bác sĩ cho tôi biết, nếu mổ thường (mổ hở) thời gian nằm viện sẽ dài hơn, chi phí chỉ 20 triệu đồng; còn mổ nội soi có ưu điểm ít đau, chính xác, thời gian nằm viện ngắn, nhưng chi phí từ 40 triệu đồng (nếu bệnh nặng thì cao hơn từ 60 – 70 triệu đồng). Tôi chọn phương phương pháp mổ hở, nhưng trong túi cũng chỉ có 10 triệu đồng, không còn biết vay mượn ai, vì ở dưới quê họ hàng người thân cũng đều nghèo, suy tính mãi cuối cùng tôi quyết định đến một đại lý vé số trên đường Châu Văn Liên ký quỹ 1, 5 triệu đồng lấy vé đi bán dạo. Tôi bán ở gần Bệnh viện Chợ Rẫy từ đầu tháng 1/2023, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng/ ngày, trừ ăn uống, tiền phòng trọ chung với nhiều người cũng còn dư được hơn 100.000/ngày/. Biết dịp Tết bán vé số chạy hơn ngày thường, nên Tết Qúy Mão tôi không nỡ về quê, nhờ đó đến nay, sau khi trừ mọi chi phi tôi cũng đã tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng. Nếu công việc bán vé số vẫn thuận lợi như những tháng qua, thì khoảng tháng 12/2023 này tôi có thể thực hiện được ca mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ theo phương pháp mổ hở, thế là mừng lắm rồi”- Ông Phạm Phước Sang chia sẻ.
Qua gặp gỡ, tìm hiểu những người bán vé số dạo gần các khu bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM), tôi thấy đa phần là những bệnh nhân điều trị ngoại trú, tự bươn chải kiếm tiền để chữa trị bệnh tật cho mình. Nhưng, trong số họ cũng không ít người đi bán vé số dạo là để kiếm tiền giử về quê nuôi dưỡng, chữa trị bệnh cho những người thân là vợ, chồng, con cái. Có thể nói, ở góc nhìn cận cảnh những người bệnh nhân nghèo, lại không có bảo hiểm y tế, để có tiền chữa bệnh cho mình, hoặc cho người thân, thì nghề bán vé số dạo với họ thực sự như một cứu cánh.
Tâm Lương