TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Những giấc mơ của "Xóm vé số" giữa lòng Sài Gòn

Con hẻm 214 Nguyễn Trãi nằm giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ, lại là nơi trú ngụ của hàng trăm người dân quê gốc Phú Yên, hành nghề bán vé số dạo. Vì vậy, nhiều người quanh vùng còn gọi đây là " Xóm vé số". Những ngày giáp tết, con hẻm nhỏ trở nên nhộn nhịp khác thường ....

NHỮNG PHẦN ĐỜI XA XỨ

Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng căn cứ vào những cuộc tiếp xúc trong cuộc sống, có lẽ không khó để nhận ra một điều, rằng phần lớn người hành nghề bán vé số dạo ở TP.HCM có quê ở Phú Yên. Theo lời giải thích của ông Nguyễn Kim Bào – một người đàn ông đã qua tuổi “cổ lai hy” có gần 20 năm hành nghề bán vé số ở khu vực quận 2, TP.HCM, thì có lẽ do từ 20-30 năm trước đây, một số người ở vùng quê Phú Yên quyết định rời quê hương để vô Sài Gòn lập nghiệp với nghề bán vé số.

Một số trong đó, nhờ có đầu óc kinh doanh và có cả “vận may”, đã trở nên giàu có. Họ tiếp tục gắn bó với nghề kinh doanh vé số trong vai trò là chủ đại lý. Có điều kiện kinh tế, có uy tín, họ đưa những người bà con, hàng xóm từ ngoài quê vào, tạo điều kiện cho những người này hành nghề bán vé số dạo.

“Thấy thu nhập từ bán vé số dạo khá hơn làm nông ở quê, lại phù hợp với những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” hay những người già cả, mất sức lao động, nên số người từ Phú Yên đổ vô Sài Gòn bán vé số dạo ngày một đông đảo, hình thành nên những “xóm vé số” như ở con hẻm 214 Nguyễn Trãi này”, ông Trần Văn Soạn (65 tuổi), một trong những “cư dân” của xóm vé số cho hay.

Theo lời kể của một số người dân ở hẻm 214, thì nhiều năm trước có một người đàn ông lớn tuổi tên An quê ở Phú Yên vào thuê căn phòng trọ nhỏ, làm nghề bán vé số. Hồi đó, Sài Gòn chưa có nhiều người bán vé số dạo như bây giờ, nên việc buôn bán của ông An ở cái xóm nghèo này khá thuận lợi. Một thời gian sau, người ta thấy ông An đưa một số người đồng hương về sống cùng, cho mượn vốn lấy vé số về đi bán, cho sống tạm trong căn nhà trọ của mình. Ban đầu mọi người còn đi xa lấy vé số từ các đại lý. Thấy vậy, ông An mở một đại lý nhỏ để các đồng hương của mình tiện lấy vé đi bán.

Dần dà, số người Phú Yên tụ về con hẻm này, sống cùng với đại lý vé số nhỏ của ông An lên tới vài chục. Họ cùng sinh hoạt, làm việc, giúp đỡ nhau cùng vượt qua cảnh nghèo giữa thành phố hoa lệ này… Rồi trong số những người nghèo khó lần tìm đến Sài Gòn để kiếm sống qua ngày lại xuất hiện một số người giỏi làm ăn và “có số may”, trở thành các đại lý – ban đầu là đại lý nhỏ, sau thành đại lý lớn. Tính đến giờ có tới cả chục đại lý với những ông bà chủ đều quê Phú Yên, tập trung trong con hẻm nhỏ này.

Hàng trăm người đồng hương cùng sống trong xóm nhỏ, cùng chia sẻ vui buồn, cùng đồng cam cộng khổ với nhau, chẳng khác nào một đại gia đình.

" XÓM NẪU" MÙA GIÁP TẾT

Chúng tôi trở lại con hẻm vào những ngày cuối năm, khi mọi người đều hối hả với công việc, khi cái Tết đang đến ngày một gần. Trải qua một năm đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-19, hẳn ai cũng muốn cố gắng "gỡ gạc" lại những tổn thất đã qua, để có được một cái Tết ấm cúng, đủ đầy ít ra thì cũng được như những năm trước.

Tầm 4 giờ chiều, con hẻm vốn vắng vẻ bỗng trở nên náo nhiệt khi từng đoàn người lũ lượt đổ về. Đây là giờ họ trả vé ế, nhận vé mới của ngày hôm sau để tranh thủ đi bán vào buổi tối. Chúng tôi thấy rõ những tâm trạng khác nhau: Những người vừa bán được gần hết vé vui mừng hồ hởi, còn những người đến giờ này vẫn nặng trĩu xấp vé trên tay thì lộ rõ vẻ bồn chồn, sốt ruột. "Năm nay làm ăn thất bát, cuối năm vẫn chưa dành dụm được bao nhiêu tiền, nên ai cũng phải ráng "cày" để đến Tết còn có tiền để mua sắm, để giúp đỡ gia đình ngoài quê. Biết bao nhiêu người trông ngóng vô những đồng bạc lẻ bán vé số này đó chú ơi", một phụ nữ tầm 60 tuổi nói với chúng tôi.

Ở xóm này, nhiều người biết ông Trần Văn Soạn, quê ở thị xã Sông Cầu, bởi ông có hoàn cảnh rất éo le. Vợ mất sớm, mình ông nuôi 2 người con đến tuổi trưởng thành. Con gái đi lấy chồng xa, còn con trai lấy vợ sống cùng ông. Anh con trai chắt chiu mua được chiếc máy xới để làm ruộng và cày xới đất thuê cho bà con nông dân quanh vùng. Không may, hai vợ chồng con trai một ngày đánh xe ra đồng gặp tai nạn lật xe qua đời, chỉ còn 3 đứa cháu nội mồ côi, hoàn toàn nương tựa vào ông.

Càng ngày càng lớn tuổi, một mình ông không nuôi nổi cháu, đành để đứa cháu lớn nghỉ học khi vừa 12 tuổi, phụ ông đi làm thêm đủ thứ nghề. Hơn 10 năm trước, ông theo người hàng xóm vào Sài Gòn, hành nghề bán vé số, gắn bó với con hẻm này suốt từ bấy đến giờ. "Năm nay tui 64 tuổi rồi, ngày càng già yếu, đi lại chậm chạp, không biết còn đi bán được bao lâu nữa. Mấy năm trước, cứ Tết về là tui lại mua sắm quần áo, sách vở cho tụi nhỏ. Năm nay khó khăn quá, đến cuối năm mới để dành được có mấy triệu. Hôm nay tui đi bán từ sáng sớm đến giờ cũng chỉ được hơn trăm tờ. Mấy bữa giờ thấy mệt trong người mà cứ nghĩ đến mấy đứa cháu ở nhà lại không dám mua thuốc uống, vì tính ra mỗi cữ thuốc là bằng một bữa ăn của cháu...", ông bỏ lửng câu nói, nước mắt ứa ra.

Ở xóm này đa số đều là người già, có nhiều người tàn tật - người thì cụt chân, người hỏng mắt, có người bị mất cả 2 cánh tay... Nhưng họ vẫn là nguồn sống, là người nuôi dưỡng hy vọng cho những mảnh đời đang mong ngóng ở quê. Họ sống bằng cái nghề "bán vận may" cho mọi người, còn bản thân thì chấp nhận gánh chịu mọi cay cực...

"Gần Tết luôn là lúc mà bọn tui phải làm việc nhiều hơn, phải lo nghĩ nhiều hơn. Mỗi ngày bán ít một chút là lại thấy lo, cả đêm không ngủ được. Những năm trước, mùa giáp Tết người ta mua vé số nhiều hơn, dẫu có mệt nhưng bù lại là thu nhập khá nên mình cũng thấy như khỏe ra. Còn năm nay, nghe nói dịch bệnh khiến người ta thất nghiệp nhiều lắm, vé số cũng khó bán hơn. Nhưng rồi lại nghĩ, người ta khó thì mình cũng khó, đều là khó chung với nhau. Nên lại ráng đi thật nhiều, mời chào thật nhiều, bán được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, chứ cứ lo nghĩ hoài cũng chẳng được gì", bà Khoát - người phụ nữ bị cụt chân, nói với chúng tôi mà như tự an ủi chính mình.

GIẤC MƠ GIỮA ĐỜI THỰC

Hỏi những người bán vé số ở đây, họ đang mơ ước điều gì? Hầu như tất cả đều nói rằng, họ chỉ mơ ngày nào cũng bán được thật nhiều vé số, và càng có nhiều người trúng số thì họ càng mừng. "Nhiều người trúng số thì người bán như tui cũng được hưởng chút lộc. Hơn nữa, việc có nhiều người trúng số sẽ kích thích những người khác "chăm" mua vé số hơn", bà Khoát chia sẻ.

Có lần, chúng tôi hỏi một người phụ nữ tàn tật bán vé số, tại sao không "mơ" chính mình được trúng độc đắc để nhanh chóng "đổi đời"? chị cười buồn: "Mỗi người đều có một số mạng. Như tui mà số may mắn thì đã chẳng phải vất vả như vầy. Biết là mình không được tốt số nên mơ làm gì cái chuyện viển vông đó. Thôi thì cứ an phận làm công việc của mình, mỗi ngày kiếm ít tiền gom góp nuôi con ăn học là vui rồi".

Với những người ở "xóm nẫu" này, những năm trước cũng có những người từng mơ đến những chuyện to tát, như làm nhà, mua đất ở quê, mở tiệm kinh doanh... Đó là những năm nghề bán vé số "hưng thịnh", chuyện mỗi ngày một người bán dăm ba trăm tờ là bình thường. Còn năm nay, những giấc mơ ấy trở nên giản dị, nhỏ bé hơn, khi cuộc sống lâm vào cảnh "thóc cao gạo kém". Như ông Soạn, ông chỉ mơ từ giờ đến giáp Tết luôn có được sức khỏe để đi bán đều mỗi ngày, và chuyến xe Tết về quê thăm con cháu được suôn sẻ. Bà Khoát thì mơ có ít tiền mang về quê đủ để lì xì cho lũ cháu. Những người khác cũng chỉ dám mơ có đủ sức lực, không bị cướp hay lừa đảo, để sang năm còn có cơ hội làm cật lực, mong "bù lỗ" cho năm thất bát vừa qua...

"Nghe nói trên thế giới, người ta có thuốc ngừa Covid rồi. Việt Nam mình cũng có. Nếu dịch không còn nữa, thì hẳn năm tới công việc của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn. Khi đó mới dám nghĩ tới chuyện có "của ăn của để", mơ về những điều to tát hơn", ông Lanh, hơn 70 tuổi, quê huyện Sông Hinh, bày tỏ.

Vẫn biết chẳng ai đánh thuế những giấc mơ, nhưng những người bán vé số ở hẻm 214 Nguyễn Trãi luôn có suy nghĩ rất thực tế. Cuộc sống bôn ba vất vả dạy họ rằng, hãy biết giới hạn những ước mơ của mình, để còn có thể vui sống với cái nghề đầy cay cực của mình...

Thien Khang