Từ làm thuê thành ông chủ nhờ trúng số
“Khôn ngoan không bằng may mắn”, câu nói này thật đúng với hoàn cảnh của ông Năm Hiệp - vốn là một thợ nhuộm vải, làm thuê cho một cơ sở dệt ở làng dệt Bảy Hiền. Có hơn 20 năm làm nghề, nhưng số tiền ông kiếm được cũng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống của vợ con, dù ăn tiêu rất tằn tiện. Nhưng rồi Thần Tài đã “gõ cửa” bằng 2 tờ vé số trúng giải nhất, trị giá tổng cộng 60 triệu đồng vào năm 2013. Số tiền này đã làm thay đổi cuộc đời, biến ông từ thân phận người làm thuê thành ông chủ.
Nhớ lại cái khoảnh khắc trúng số hơn 5 năm trước, ông Năm Hiệp không giấu được cảm xúc vui mừng khó diễn đạt hết bằng lời. Ông còn nhớ như in buổi sáng sớm hôm ấy, đang nhâm nhi ly cà phê ở quán cóc quen thuộc, để chuẩn bị vào ca làm việc như thường lệ hàng ngày, thì xuất hiện một phụ nữ tới bên bàn mời ông mua vé số.
Lúc này ông Năm Hiệp mới chợt nhớ trong túi có 2 tờ vé số của “đài” TP. HCM, bèn rút ra dò; nhìn vào bảng thông báo kết quả xổ số, ông không dám tin vào mắt mình. Ông dò đi dò lại những con số trong 2 tờ vé số vẫn thấy hoàn toàn trùng khớp với những con số trong bảng kết quả. Niềm vui trong ông vỡ òa, những con số như nhảy múa.
Ông đã may mắn trúng giải nhất 2 tờ vé số với mỗi tờ trị giá giải thưởng 30 triệu đồng, tổng cộng chỉ 60 triệu đồng. Với một người thợ làm thuê như ông thì đây là một món tiền lớn, có nằm mơ ông cũng không sở hữu nổi.
Hồi tưởng lại vận may 5 năm trước, ông Năm Hiệp không thể nào quên cái buổi chiều mưa tầm tã ấy… Một ông lão bán vé số dạo vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi đến trước cơ sở dệt mà ông đang làm việc, nài nỉ ông mua. Là người làm thuê ăn lương, không có mấy khi dư tiền trong túi, nhưng thấy đã sắp tới giờ xổ, mà trong tay ông lão còn có cả xấp vé, nên ông tặc lưỡi rút một tờ 20.000 đồng ra mua 2 tờ vé số. Không ai ngờ cái xấp vé số của ông lão bị ế chiều hôm ấy có tới 5 tờ trúng độc đắc và hàng chục tờ trúng giải nhất và các giải khác.
Lĩnh thưởng về, việc đầu tiên ông Năm Hiệp tìm bằng được ông lão bán vé số dạo nghèo khổ ở khu vực Bảy Hiền để lì xì, coi như chia sẻ chút lộc trời.
Biết cầm tiền sẽ “miệng ăn núi lở”, ông tận dụng ngay cơ hội này để lo chuyện làm ăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán kỹ, ông quyết định mở lò làm bánh mì đem bỏ mối quanh khu vực chợ Tân Bình và Bảy Hiền.
Song, với số tiền trúng thưởng 60 triệu đồng, nếu dồn tất vào việc mua loại lò nướng bánh mì đời mới thì không những chưa đủ, mà còn thiếu vốn mua nguyên liệu để sản xuất. Trong “cái khó, ló cái khôn”, sau khi khảo sát giá cả trên thị trường, ông đã lựa chọn phương án mua lò nướng bánh mì Việt Nam dòng 10 khay, do Viễn Đông sản xuất, đã qua sử dụng, giá chỉ 25 triệu đồng; số tiền còn lại dùng vào việc mua nguyên liệu.
Chỉ một tháng sau ngày trúng số, từ một người thợ nhuộm làm thuê, ông đã trở thành chủ một lò bánh mì. Thoạt đầu, ông chỉ dám thuê một nhân công vừa trông coi lò nướng, vừa làm kỹ thuật pha chế, nhào bột bánh; sản xuất được mẻ nào, ông cho vợ con đem bỏ mối hết vèo mẻ ấy. Cứ vậy, dần dà nhiều người bán bánh mì xung quanh khu vực chợ Tân Bình, Bảy Hiền, chợ Ông Tạ, chợ Phạm Văn Hai thấy chất lượng bánh ngon, giá cả hợp lý nên tìm đến đặt hàng ngày một đông và ổn định về số lượng. Một năm sau, ông tuyển thêm vài nhân công và mua tăng cường thêm 1 lò nướng nữa, hiện đại hơn, với 16 khay, cũng đã qua sử dụng với giá chỉ hơn 30 triệu đồng để mở rộng sản xuất.
Đến nay, cơ sở của ông đã có hơn 10 nhân công, vài lò nướng và không chỉ sản xuất các loại bánh mì, mà còn có thêm nhiều dòng sản phẩm bánh nổi tiếng khác như bánh bông lan, bánh pizza, bánh donut, bánh cupcake…Thương hiệu bánh các loại của ông hiện đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, với số lượng tiêu thụ ổn định, nguồn thu nhập tăng một cách bền vững, nuôi 3 con ăn học thành đạt và giấc mơ nhà lầu, xe hơi đã thành hiện thực.
Ông từng chia sẻ với những người làm công của mình, nhiều năm trong thân phận người làm thuê, ông rất hiểu thế nào là giá trị của người được làm chủ. Ông thú thực, trúng số cũng chả khác gì “con dao hai lưỡi”, không khéo bị “đứt tay”. Bởi vì với người biết sử dụng đồng tiền ấy vào việc làm ăn kinh doanh, buôn bán thì đồng tiền sẽ vô cùng có ý nghĩa và nó sinh sôi nảy nở. Nhưng với những ai chỉ biết tiêu xài hoang phí thì rồi tay trắng lại hoàn trắng tay. Vấn đề là phải biết tận dụng vận may, bởi nó sẽ không bao giờ đến với ta lần nữa.
Ông nhớ lại, sau sự kiện “lộc trời ban” ấy, khu vực Bảy Hiền có một số người, sau một đêm ngủ dậy bỗng dưng trở thành tỷ phú, triệu phú; họ tiêu tiền không run tay nhưng rốt cuộc “của thiên, trả địa” – họ vẫn nghèo khó như xưa.
Tâm Lương