“Trẻ hóa” người bán vé số dạo ở Tây Đô
Ở Tây Đô, TP Cần Thơ nhiều năm gần đây không chỉ được biết đến là đô hội lớn nhất miền Tây Nam bộ, mà còn là nơi người hành nghề bán vé số dạo có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói, những người nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người mất việc làm ở các vùng quê ngoại thành hội tụ về mưu sinh với độ tuổi ngày càng được “trẻ hóa”.
Tây Đô - miền đất hứa
Ông Mười Hoàng, chủ một đại lý vé số hoạt động lâu năm ở Tây Đô cho chúng tôi biết, vài năm gần đây những người bán vé số dạo gia tăng hơn trước. Ngoài người địa phương, nhiều lao động yếu thế, người nghèo từ các địa phương đến Tây Đô để hành nghề bán vé số dạo. Mới đây, khi dịch Covid-19 tràn về, dù số lượng có giảm đôi chút nhưng lực lượng bán vé số dạo vẫn đông đảo và sống được với nghề.
Số người bán vé số dạo được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid – 19 năm 2020 là 3. 200 người
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ năm 2020 số lượng người bán vé số dạo trên địa bàn Tây Đô được hỗ trợ do tạm ngưng phát hành vé số do ảnh hưởng dịch Covid – 19là 3.200 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số “bề nổi” khi số lượng người bán vé số dạo trên thực tế có thể tăng gấp đôi.
Theo ông Mười Hoàng, lý do chính là do số người đến từ các địa phương khác chưa có đăng ký tạm trú hoặc số người vãng lai chưa thể thống kê đầy đủ. Chỉ riêng tại đại lý của ông Mười Hoàng đã tiếp nhận số người đăng ký tăng đột biến so với các năm trước. Cụ thể, ngoài những người già, người khuyết tật, người sức khỏe yếu đã gắn bó với đại lý bền bỉ lâu nay, còn có khá đông những người trẻ, khỏe mạnh (chủ yếu là phụ nữ) tới đại lý đăng ký lấy vé số đi bán dạo do bị mất việc làm của đợt ảnh hưởng dịch Covid – 19 hồi năm 2020.
Trước đây những người bán vé số dạo ở Tây Đô chủ yếu là người khuyết tật, người già, người yếu sức
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trịnh Thị Kim (46 tuổi, quê huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) là một trong số rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh như vậy. Trước dịch Covid–19, chị từng là công nhân gắn bó hơn 20 năm ở một công ty cổ phần chế biến thủy sản ở địa phương. Tuy công việc khá vất vả, nhưng có việc làm thường xuyên, lương trung bình được 6 – 7 triệu đồng/tháng và rất ổn định. Mặt khác, công ty lại gần nhà, không mất tiền thuê phòng trọ, nên mỗi tháng khi trừ mọi chi phí ăn uống, tiền học cho các con, chị Kim còn dành dụm được 1 – 1, 5 triệu đồng.
Gần đây, công ty thu hẹp sản xuất, giảm lao động, giảm lương nên khiến chị và nhiều người mất việc làm, nên đành rời quê lên Tây Đô gia nhập vào lực lượng bán vé số dạo.
Đối với chị Kim, nghề vé số tuy vất vả nhưng nếu nỗ lực cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy mới “vào nghề” chưa đầy một năm, nhưng chị Kim đã có thu nhập đều đặn khoảng 5, 5 – 6 triệu đồng/tháng. Nghề vé số dạo vì thế là cách mưu sinh hiệu quả nhất đối với nhiều lao động mất việc làm như chị Kim.
Qua tiếp xúc, chúng tôi ghi nhận nhiều hoàn cảnh nhiều chị em phụ nữ bán vé số dạo ở Tây Đô đã thoát nghèo hoặc có việc làm thu nhập ổn định sau khi bị mất việc làm. Họ đa số là những người phụ nữ xuất thân từ nông thôn đi làm công nhân cho các công y tư nhân, chưa qua đào tạo nghề, hoặc tay nghề thấp, lao động phổ thông đơn giản, nên khi mất việc làm ở công ty này thì rất khó có cơ hội tìm được việc làm ở công ty khác.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những người phụ nữ ở độ tuổi lao động trẻ, đến từ các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Phong Điền và một số tỉnh miền Tây Nam bộ như Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau.
Hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid – 19 nhiều phụ nữ trẻ, khỏe mất việc làm ở các doanh nghiệp cũng hành nghề bán vé số dạo mưu sinh
Thoát nghèo nhờ bán vé số dạo
Chị Lâm Thị Hường (51 tuổi, quê huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) cho biết, trước đây chị đã có 25 năm gắn bó với công ty chế biến cá ba sa xuất khẩu ở Tây Đô, với thu nhập 8 triệu đồng tháng. Nhưng từ khi dịch Covid – 19 bùng phát, nhiều đơn hàng của công ty bị hủy bỏ, nên buộc công ty phải thu hẹp sản xuất, giảm số người lao động, trong đó có chị. Tháng 6 năm 2020, sau khi nhận từ công ty một khoản tiền hỗ trợ mất việc làm, chị quyết định tham gia vào lực lượng bán vé số ở chợ Cái Răng từ đó tới nay.
“Ban đầu tôi cũng nghĩ mình chỉ tranh thủ đi bán lúc công ty tạm thời cho ngưng việc làm trong thời gian có dịch thôi, sau hết dịch sẽ trở lại công ty làm cho ổn định. Nhưng ai ngờ cho tới bây giờ công ty vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng ít, chưa biết tới bao giờ mới hoạt động bình thường trở lại như trước đây, nên tôi xác định sẽ tiếp tục hành nghề bán vé số dạo”.
Cũng theo chị Hường, hiện nay có nhiều loại hình vé số, mỗi loại đều có đối tượng riêng, nhưng tôi chỉ bán vé số truyền thống. Tiểu thương ở chợ này cũng chủ yếu mặn mà với vé số truyền thống, vì năm 2013 đã có 5 người ở chợ trúng vé đặc biệt cùng một serie, với mỗi vé có giá trị 1,5 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long.
Lực lượng tham gia bán vé số dạo ở Tây Đô đã và đang gia tăng (chỉ mang tính minh họa)
Từ đó tới nay, hầu như ngày nào các tiểu thương ở chợ Cái Răng cũng đều không quên mua vé số truyền thống, người ít thì hai, ba tờ, người nhiều thì 5 – 10 tờ, thậm chí có người mua cả vài chục tờ nên bình quân mỗi ngày tôi bán cũng có lời từ 300.000 đồng đến 400. 000 đồng/ ngày. Nhờ đó, cuộc sống đỡ thiếu hụt và mừng nhất là lo được cho các con ăn học đàng hoàng.
Qua đây có thể thấy, tuy là một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, nhưng cuộc sống của người nông dân, nhất là phụ nữ ở vùng nông của một số huyện Tây Đô vẫn đang thiếu vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, thiếu việc làm và thu nhập không ổn định.
Với những bán vé số dạo ở Tây Đô, nghề vé số luôn là điểm tựa mưu sinh của họ khi rơi vào tình trạng khó khăn nhất trong cuộc sống. Từ những người nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa đến người mất việc làm ở các vùng quê ngoại thành đều tìm đến vé số với cơ hội việc làm ổn định và thoát nghèo. Nhờ bán vé số mà hàng trăm, hàng ngàn cảnh ngộ, số phận đã và đang từng ngày được thay đổi.
Tâm Lương