Vé số nâng bước đời nghệ sĩ tuổi xế chiều
Sài Gòn là nơi hội tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu cải lương, với nhiều tên tuổi một thời vang bóng. Trong số họ, rất nhiều người thành danh và có cuộc sống sung túc, đủ đầy mãn nguyện. Nhưng cũng có những nghệ sĩ khi rời ánh đèn sân khấu đã và đang sống những năm tháng hết sức khó khăn, thiếu thốn, cô đơn ở tuổi xế chiều. Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân, năm nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đang phải vất vả mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo là một số phận như thế.
Vang bóng một thời
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân, tên thật là Đào Thị Thanh Xuân, sinh năm 1952, tại Sài Gòn (TP. HCM) sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Chính vì thế ngay từ nhỏ Trang Thanh Xuân đã được học ca và diễn xuất rất bài bản. Năm 1972, mới tròn tuổi 20, Trang Thanh Xuân đã là đào chính đầy quyến rũ trong nhiều vở diễn ở các đoàn Thái Dương, Việt Nam Minh Vương, Phương Bình... Gương mặt khả ái và giọng ca ngọt ngào truyền cảm của nữ nghệ sĩ Trang Thanh Xuân được đông đảo khán giả của sân khấu cải lương rất hâm mộ. Trong những năm đỉnh cao của sự nghiệp, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân đã đi biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn, nhỏ khác nhau ở khắp nơi. Thậm chí có những tờ báo còn đánh giá độ nổi tiếng của nghệ sĩ Trang Thanh Xuân chỉ đứng sau các nghệ sĩ "hạng A" như Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân thời trẻ
Một trong những vai diễn xuất sắc để lại ấn tượng khó phai trong lòng công chúng yêu nghệ thuật sân khấu cải lương của Trang Thanh Xuân chính là Bạch Thanh Nga trong vở “Máu nhuộn sân chùa” (diễn chung với Vũ Linh, Minh Tâm). Đây là vai diễn để đời và làm nên danh tiếng nghệ sĩ Trang Thanh Xuân thời vàng son trên sân khấu cải lương. Sau năm 1975, nhiều đoàn hát lâm vào cảnh khó khăn trong hoạt động biểu diễn, Trang Thanh Xuân cùng với nhiều nghệ sĩ khác phải phiêu dạt về những gánh hát tỉnh lẻ để được đắm mình trong ánh đèn sân khấu và mưu sinh.
Tuổi xế chiều cô đơn, bệnh tật
Biểu diễn ở tỉnh lẻ tiền cát xê rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, trong khi đó ba má lại bệnh tật phải chạy chữa tốn kém, nên Trang Thanh Xuân sớm lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Không còn cách nào khác gia đình đành phải bán căn nhà ở quận 3 là tài sản duy nhất đáng giá thời ấy để lo chữa bệnh cho ba má. Từ đó bà phải đi ở nhà thuê, cuộc sống đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.
Cuộc sống vất vả lại phải lo cho ba má, khiến nghệ sĩ Trang Thanh Xuân và cả em gái - nghệ sĩ Trang Thanh Đào không dám nghĩ tới chuyện chồng con. “Họa vô đơn chí”, năm 1986 nghệ sĩ Trang Thanh Xuân phát hiện mình bị bệnh tim đành phải giã từ ánh đèn sân khấu. Từ đó, bà mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, kể cả bán bắp luộc, bánh chuối chiên để lo cho bản thân và ba má. Sau khi ba má qua đời và người em trai cũng đi lấy vợ thì Trang Thanh Xuân cùng Trang Thanh Đào tìm đến khu chợ Rạch Ông, quận 8 để hành nghề bán vé số từ đó đến nay.
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân hàng ngày đi bộ bán vé số ở khu vực chợ Rạch Ông, quận 8 (TP.HCM).
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân kể: “Tôi bị bệnh tim nên mỗi lần hát, đánh trống ầm ầm là tôi bị mệt, hát không nổi, nên không thể lên sân khấu được nữa, đành ngậm ngùi chia tay giải nghệ. Ban đầu tôi đi bán bắp luộc nhưng bưng không nổi, lại chuyển sang bán chè chuối, bánh chuối chiên, nhưng ế quá nên quyết định đi bán vé số nhẹ nhàng hơn, phù hợp sức khỏe hơn. Lúc mới giải nghệ, chấp nhận đi bán vé số cứ thấy trên ti vi ở các quán cà phê, quán nhậu hát cải lương là tôi buồn, ngậm ngùi nhớ tới những vai diễn từng thể hiện trong các vở nổi tiếng một thời: “Máu nhuộn sân chùa”, “Đường rừng, “Hoa sơn thần nữ”, “Nắng thu về ngõ trúc”…Đặc biệt là vai Bạch Thanh Nga, trong “Máu nhuộm sân chùa”, một vai diễn tôi được khán giả thời đó rất ái mộ”.
Đã 36 năm giọng ca “Máu nhuộm sân chùa” xuân sắc nổi danh một thời mưu sinh bằng nghề bán vé số. Người dân ở khu vực chợ Rạch Ông (quận 8, TP.HCM) đã quen với hình ảnh của hai chị em nghệ sĩ Trang Thanh Xuân và Trang Thanh Đào mỗi ngày cầm sấp vé số trên tay đi khắp chợ mời chào. Nhiều người mê cải lương từng hâm mộ giọng ca và gương mặt khả ái một thời của nghệ sĩ Trang Thanh Xuân luôn sẵn sàng mua ủng hộ vài tờ vé số khi bà mời chào. Đặc biệt các chị em tiểu thương trong chợ là những người tích cực mua vé số ủng hộ nghệ sĩ Trang Thanh Xuân và Trang Thanh Đào nhiều nhất. Nhờ đó mà nguồn thu nhập từ bán vé số của hai chị em nghệ sĩ cũng khá ổn định (nếu không gặp mưa gió) trung bình mỗi ngày hai chị em cũng được từ 200.000 đ – 250.000 đ.
“Mỗi ngày tôi bán được khoảng từ 100 – 150 tờ, còn Đào bán được ít hơn vì bệnh quá, không đi xa được. Những ngày mưa gió thì rầu lắm, bán ế có khi chỉ được vài chục tờ. Hai chị em nấu nồi cơm rồi ra chợ mua khoảng hơn 10.000 đ tiền thức ăn cho qua bữa. Số tiền kiếm được vừa phải trang trải cuộc sống, trả tiền phòng trọ (1,7 triệu/tháng), vừa phải mua thuốc chữa bệnh. Mỗi ngày tôi đi bộ ra chợ bán phải bó chân lại mới đi được, vì bị thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch, nếu không bó thì chân sưng lên, đau lắm, đi không nổi" – Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân chia sẻ.
Thiên Khang.
0