Thăng trầm nghề bán vé số dạo
Là một bộ phận không nhỏ, góp lên sự thành công trong ngành kinh doanh vé số, những người bán vé số dạo thời gian qua đã không quản ngại khó khăn, trải qua nhiều thăng trầm để mưu sinh và vươn lên thoát nghèo nhờ công việc giản dị, mà cao quý.
Văn hóa “mua vé số”
Có dịp tận mắt chứng kiến một ngày lao động của một người bán vé số dạo, chúng tôi không khỏi xúc động về những khó nhọc “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” của họ. Đối với nghề bán vé số dạo, không rõ từ bao giờ đã trở thành một trong những “cần câu cơm” của không ít người nghèo, hơn nữa còn là một phần của văn hóa thành thị tới nông thôn.
Những người bán vé số dạo được các đại lý phân phối một số lượng vé trong khả năng của mình, không lấy quá nhiều để bị tồn lãng phí.
Anh M.H (37 tuổi, ngụ TP HCM) là một người có kinh nghiệm trong giới kinh doanh xổ số kiết thiết, chia sẻ với chúng tôi: ở đô hội Sài Gòn từ lâu được ví là “thủ phú vé số”. Anh chia sẻ, một chủ đại lý vé số cấp 1 có hơn 30 năm trong nghề thậm chí tự hào nói rằng, nhờ vé số mà những người yếu thế có thêm cơ hội thứ hai để đổi đời. Nhờ đó, tờ vé số tự nhiên, bình dị đi vào mỗi nhà, mỗi người và đã trở nên rất quen thuộc với người dân Nam bộ.
Tờ vé số với những người cơ cực không chỉ là niềm hy vọng mà đã trở thành món quà tinh thần trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Có cô bán vé số dạo, nay đã ở vào ngũ tuần hồ hởi kể, trong những lúc cà phê, hay cuộc nhậu rất nhiều người có thói quen mua vé số tặng nhau vài tờ lấy hên. Nhiều khách hàng chia sẻ với cô rằng, không nói “mua vé số” mà là “chơi vé số” như thú vui chơi sinh vật cảnh vậy (cười).
Không hẳn là những người giàu, khá giả, đại gia mới “chơi vé số”, hiện nay nhiều người nghèo cũng rất đam mê “chơi vé số” với hy vọng trúng số để đổi đời. Một thị trường đầy tiềm năng như thế, sôi động như thế, nên dù vé số phát hành tăng số lượng, nhưng nhiều đại lý vẫn không đủ vé cung ứng cho khách hàng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Minh Tú, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty XSKT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ 1/4/2021 mỗi công ty XSKT khu vực miền Nam phát hành 11 triệu tờ vé số, tương đương 110 tỷ đồng/kỳ, trước đó là 10 triệu vé, tương đương 100 tỷ đồng/kỳ/công ty XSKT.
Dù vậy, ông Tú cũng cho biết hiện nay, nguồn “cung” không đủ “cầu”. Chỉ tính riêng trong quý I vừa qua, đa số công ty XSKT khu vực miền Nam có tỷ lệ tiêu thụ cao từ 97 % - 99 %, cao nhất từ trước tới nay, tỷ lệ vé tồn được trả lại rất thấp. Có hiện tượng này là do ảnh hưởng Covid – 19 nhiều xí nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất thu hẹp quy mô sản xuất, kinh daonh, giảm việc làm, nên khiến lực lượng bán vé số dạo có sự gia tăng.
Trước thực tế ấy, các công XSKT phía Nam đều cố gắng tạo mọi cơ hội, điều kiện tốt nhất để đảm bảo các đại lý có vé phân phối cho người bán dạo. Bởi vì chính những người bán vé số dạo là những người phát hành chủ lực cho hoạt động kinh doanh xổ số tăng đều trong những năm qua. Chính họ đã góp phần giúp cho nhiều tỉnh, thành tăng tỷ lệ phát hành so với bán ra bình quân gần 99 %, đạt 104 % kế hoạch năm.
Cho đến nay, không có công ty XSKT phía Nam nào quy định việc không cho trả lại vé tồn, nhưng do số lượng vé số “cung” không đủ “cầu”, nên các đại lý đề ra quy định để tự điều chỉnh lượng vé giữa những người bán dạo cho phù hợp thực tế, lấy số lượng vé trong khả năng tiêu thụ của mình, tránh tình trạng người ôm nhiều không bán hết đem trả, còn người cần vé bán lại không có.
1001…chuyện bán vé số dạo
Chia sẻ về công việc trong một ngày của mình, chị Thạch Thị Cúc 48 tuổi, quê huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) cho biết, nghề bán vé số đối với nhiều người nghèo là một lựa phù hợp nhất, bởi không cần nhiều vốn, không đòi hỏi nhiều điều kiện, chỉ cần có giấy CMND và từ 1 triệu – 2 triệu đồng là đủ lãnh từ 100 – 200 tờ vé số đi bán mỗi ngày (nếu bán hết, có thu nhập khoảng từ 110.000 đ – 220.000 đ/ngày), nếu không có vốn thì lấy thiếu đại lý rồi thanh toán sau.
Nhiều người bán bán vé số dạo thoát nghèo nhờ chăm chỉ với nghề.
“Qua 10 năm gắn bó với nghề, tôi thấy bán vé số khỏe hơn việc đi kiếm việc làm thuê, làm mướn vừa cực, vừa bấp bênh. Với người bán vé số nếu chào mời khôn khéo tạo được nhiều mối quen thì coi như ấm. Thông thường, một tờ vé số bán ra, người bán dạo sẽ được từ 1.100 đồng – 1.200 đồng/tờ, cũng có đại lý cấp 2, hoặc cấp 3 chi hoa hồng thấp hơn 1 chút. Nếu gặp khách “chơi vé số” thuộc loại có tiền mua nguyên một “cây” (một lốc) 100 tờ vé số thì có kiếm được từ 110.000 đ – 120.000 đ (thấp hơn cũng được 100.000 đ)”.
Cũng theo chị Cúc, việc bán được một “cây” vé số ở các tỉnh Tây Nam bộ, nhất là TP HCM không phải khó. Đó là vì, nếu là mối quen là đại gia, hoặc những người mê “chơi vé số” thì lượng khách hàng này luôn có sẵn. Dường như cái máu “công tử Bạc Liêu” từ thuở nào còn chảy trong tính cách người miền Tây, nên việc bỏ ra vài triệu đồng mua vài “cây” vé số rồi chia đều cho anh em bạn bè trong bàn nhậu, bàn cà phê là chuyện quá quen thuộc.
Có lần chị Cúc chia sẻ: “Nhiều người bán vé số, nhất là những phụ nữ trẻ trung, có chút nhan sắc, khéo chào mời mỗi sáng ra lấy từ 4 – 5 “cây” (400 – 500 tờ) rồi chỉ việc đến bàn có mối quen đang ngồi ăn sáng, uống cà phê và nếu trong bàn có người bỗng nổi cảm hứng vé số, thì một loáng bỏ túi 400 – 500 ngàn đồng là chuyện bình thường. ”.
Một số người bán vé số dạo chia sẻ với chúng tôi những lần phải vất vả đạp xe lòng vòng, nhiều khi len lỏi khắp các ngả đường, nhưng sắp tới giờ xổ trên tay vẫn còn hàng chục, có khi cả trăm tờ vé số phải trả lại cho đại lý.
Một số người bán vé số dạo dành thời gian làm thêm nhiều nghề để tăng thêm thu nhập.
Dù có những khó nhọc và bươn chải với nghề, thế nhưng nhờ sự chung tay của các đại lý, công việc bán vé số dạo ngày càng thuận lợi hơn trước. Có cô bán vé số nhiều năm khi trả vài trăm tờ vé số lĩnh từ đại lý vào chiều hôm trước, bán thêm buổi tối tới sáng hôm sau đã “sạch trơn”. Có người bán vé số dạo còn tâm tình, khi bán hết vé số, họ còn nửa ngày để làm thêm nhiều công việc khác nhau, như bán trái cây, nhận vệ sinh nhà cửa theo giờ, phụ việc ở các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu…để tăng thêm thu nhập.
Có thể nói, nghề bán vé số dạo tuy có lúc thăng, lúc trầm, có vui, có buồn nhưng vẫn là nghề đem đến cơ hội cho những người nghèo “cần câu cơm” ổn định suốt nhiều năm qua…
Tâm Lương