TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Sài Gòn - Đất lành của người bán vé số

Sài Gòn vốn được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, nơi phồn hoa đô hội, tưởng như rất khó thích hợp cho thân phận những người nghèo khổ. Nhưng không phải vậy, đối với những người bán vé số dạo, nơi đây lại là miền đất lành đã cho họ cơ hội tốt để mưu sinh và đổi đời.

Sài Gòn hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, trong số khoảng trên 10 triệu dân, có ít nhất gần 4 triệu là người nhập cư, trong đó có khoảng 80% là tìm kiếm cơ hội về việc làm. Được biết, rất nhiều người trong số họ vì không có tay nghề, tuổi cao sức yếu, khuyết tật… nên đã chọn nghề bán vé số dạo để mưu sinh.

Bánh mỳ miễn phí

Trò chuyện với tôi, ông Phan Hải, chủ đại lý vé số cấp 2 ở đường Phan Sào Nam, quận Tân Bình cho biết, để có một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, bản thân ông hơn 20 năm về trước cũng khởi nghiệp từ nghề bán vé số dạo. Ông nhận xét, Sài Gòn hào hiệp, bao dung thu nạp hàng triệu người từ khắp nơi đến sinh sống, lập nghiệp. Nơi đây, những số phận nghèo khổ, nhưng chăm chỉ, dám dấn thân (từ lượm ve chai, bán hàng rong, bán vé số dạo…) luôn có cơ hội về việc làm để mưu sinh và vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, đã có không ít người khởi nghiệp từ nghề bán vé số dạo nay đã trở thành những ông bà chủ đại lý vé số cấp 1, cấp 2 của các công ty xổ số kiến thiết phía Nam, ăn nên làm ra.

Trà đá miễn phí

Những người bán vé số dạo mà tôi có dịp tiếp xúc. trò chuyện cũng đều cho rằng, nhịp sống Sài Gòn tuy hối hả, bộn bề, nhưng người dân nơi đây lại có rất nhiều việc làm đầy ắp tình tương thân tương ái, đúng nghĩa “lá lành đùm lá rách”.

Từ lâu trên đường phố đã xuất hiện những bình nước trà đá, thùng bánh mì, nồi cháo thịt bằm, tủ áo quần, tiệm sửa chữa giày dép, tủ thuốc Tây… được đề thêm dòng chữ “ từ thiện - miễn phí”. Thật ấm áp nghĩa tình đối với những mảnh đời tha hương cầu thực.

Quần áo miễn phí

Bà Phạm Thị Thu, 60 tuổi, quê huyện Hoài Nhơn (Bình Định), tuy mới có 3 năm hành nghề bán vé số dạo ở Sài Gòn, nhưng đã trở thành vị khách quen ở hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, bởi mỗi khi trái gió trở trời, bị bệnh bà thường đến đây lấy thuốc tại thùng thuốc Tây miễn phí đặt ngay đầu hẻm.

Bà Thu nói, những người bán vé số dạo ở Sài Gòn bây giờ, dù nghèo túng cũng không còn lo đói khát và thiếu mặc, vì những thùng bánh mì, những nồi cháo thịt bằm, những bình nước trà đá, những tủ quần, áo từ thiện miễn phí được đặt rất nhiều trên đường phố. Tất cả đều được các cá nhân, hộ gia đình hay một mạnh thường quân nào đó để ngay trên vỉa hè, sát mép đường, ai đi ngang qua, có nhu cầu cứ việc lấy.

Ông Lê Văn Thái, 63 tuổi, quê huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bộc bạch, 6 năm bán vé số ở Sài Gòn, thường ngày ông chỉ dám ăn sáng 1 đĩa cơm tấm 15.000 đồng, hay một ổ bánh mì trứng ốp la 12.000 đồng, nhưng nhiều bữa chưa bán được vé số, thì nhịn luôn tới trưa ăn một thể. Từ khi có thùng bánh mì từ thiện miễn phí ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), mỗi buổi sáng ghé lấy 1 ổ thấy ấm dạ, đúng là “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”.

Hiện mô hình bánh mì, cháo, nước trà đá, quần áo từ thiện miễn phí ngày càng được nhân rộng trên rất nhiều đường phố ở Sài Gòn. Đây thực sự là một nghĩa cử hào hiệp và nét đẹp trong văn hóa ứng xử rất đáng trân quý của người Sài Gòn đối với thân phận những người nghèo, trong đó có người bán vé số dạo. Nói một cách khác, đối với họ, Sài Gòn thực sự là miền đất lành.

Khi chúng tôi hỏi thăm, chủ nhân của thùng bánh mì từ thiện miễn phí trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (xin không nêu tên) chia sẻ: “Việc nhỏ mà, trước đây tôi cũng hay đi làm từ thiện nhiều nơi, nhưng bây giờ lớn tuổi không đi xa được, nên đặt thùng bánh mì ở trước nhà, ai đi qua có nhu cầu thì lấy, nhất là những người lao động nghèo, người bán vé số. Tôi chỉ hy vọng có thể bớt chút gánh nặng chi phí, tiếp thêm năng lượng cho mọi người trước khi bước vào ngày mưu sinh vất vả trên đường phố, vậy là tôi thỏa lòng lắm rồi”.

Tấm lòng bao dung, hào hiệp của người Sài Gòn là vậy, thật chân tình, chỉ luôn muốn được cho đi mà không cần nhận lại.

Tâm Lương