TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Nỗi niềm tuổi già với nghề bán vé số dạo…

Từ lâu bán vé số dạo đã trở thành một nghề được nhiều người già, nhất là những người già nghèo, cô đơn không nơi nương tựa ở Sài Gòn – TP. HCM lựa chọn để mưu sinh. Đối với họ chính những những tờ vé số “ích nước, lợi nhà” thực sự là nguồn thu nhập, niềm vui và sự tự chủ trong cuộc sống bản thân ở tuổi xế chiều.

Theo thống kê của các ngành chức năng gần đây cho thấy, hiện nay ở Sài Gòn (TP. HCM) có 500.000 người cao tuổi, trong đó có không ít người cao tuổi đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Đa phần trong số họ có hoàn cảnh khá giống nhau, đó là đều không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội, không có sự chăm sóc của con cái, người thân và không có bất cứ nguồn thu nhập nào để tự lo cho cuộc sống của bản thân. Chính vì thế, những người cao tuổi này, vẫn phải tự kiếm những việc làm phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe của mình và chủ yếu là chọn nghề bán vé số dạo.

Cụ bà Lâm Thị Síu 75 tuổi quê huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đã 13 ngược xuôi bán vé số dạo ở khắp các đường phố ở các quận 5, 8 TP. HCM là một thân phận như vậy.

Theo như lời cụ Síu kể, thì trước đây ở quê cụ cũng có ruộng để cày cấy, năm được mùa tạm đủ gạo ăn. Nhưng từ năm 2005, do tuổi già, sức yếu nên phải bỏ ruộng vườn, lên thành phố sống cùng cô con gái đơn thân, ở trọ và bán trái cây gần bến xe Chợ Lớn. Nhưng được 3 năm (2008) thì người con gái lâm trọng bệnh qua đời, khiến bà rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa nơi đất khách. Để tự lo cho cuộc sống của mình, hàng ngày cụ lấy vé số với một người cùng quê làm đại lý cấp 3 ở đường Châu Văn Liêm, quận 5 đi bán dạo từ quận 5 sang quận 8 và ngược lại.

“Biết hoàn cảnh tôi tuổi già, bệnh tật, không con cái, người thân chăm sóc, chủ đại lý thương tình cho lấy thiếu để đi bán, cuối ngày trả sau. Những ngày đầu có ngày tôi đi lòng vòng từ sáng sớm, tới chiều gần giờ xổ, giò cẳng mỏi nhừ mà chỉ bán được khoảng hai chục tờ vé, còn bao nhiêu vội vã đem trả lại cho chủ đại lý, thật ái ngại, đêm nằm nghĩ ngợi nhiều lúc nước mắt cứ chảy ra. Bây giờ thì nhờ vào những khách quen ở các quán nhậu, quán cà phê, nên thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống mỗi ngày và dư chút đỉnh để phòng khi ốn đau ” – cụ Síu chia sẻ.

Nói chuyện với tôi, cụ bà Huỳnh Thị Út, 73 tuổi, quê ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, cụ là con gái duy nhất của ba má. Khi còn trẻ nhiều đám đến chạm ngõ, nhưng vì thương ba má già yếu, không ai chăm lo, nên cụ chưa thể lập gia đình. Năm 1978, ba má qua đời, khi ấy cụ đã 30 tuổi, ở quê tuổi đó là gái lỡ thì rồi, cụ đành chấp nhận lập gia đình với người đàn ông góa vợ cùng xóm. Nhưng chỉ được hơn hai năm, khi con gái chưa được một tuổi, thì người chồng lâm bệnh rồi mất, cụ ở vậy chăm lo cho người con gái, không may lại bị sốt bại liệt vào năm 4 tuổi.

Giọng cụ buồn rầu: “Gia cảnh tôi ở quê rất nghèo, ngày trước còn có sức làm nông trồng lúa cũng chỉ đủ gạo ăn, không có tiền chạy chữa cho con, nên đành mặc cho số phận, giờ thì vô phương chữa trị. Tôi còn sống thì còn ráng đi bán vé số kiếm tiền, mẹ con rau cháo có nhau”.

Cụ Út nói, năm 2008 cụ cùng với một cụ bà nữa, đều tuổi gần 60 khăn gói lặng lẽ rời quê, đón xe khách lên TP.HCM thuê phòng trọ ở khu chợ Rạch Ông, phường 2, quận 8 để hàng ngày đi bán vế số dạo, tự trang trải cuộc sống của mình.

Khi tôi hỏi rất nhiều người bán vé số ở thị trấn, thành phố dưới quê cũng có thu nhập, sao cụ phải lặn lội lên tận Sài Gòn xa lạ, không có hàng xóm láng giềng ? Cụ Út nói rằng: “ Người Sài Gòn từ lâu họ có thói quen mỗi sáng uống cà phê, đọc báo và mua vài tờ vé số. Mua vé số đối với họ không hẳn là hy vọng trúng số, mà như là làm phước giúp những người nghèo, người tàn tật, người già cô đơn như tui có thu nhập mưu sinh qua ngày. Người càng lớn tuổi càng dễ mời được khách mua, và tui biết có nhiều người không phải ham chơi vé số, nhưng khi tui mời, họ thấy mình già cả, nên thương vẫn sẵn sàng mua vài ba tờ, như cách an ủi mình vậy. Nhờ vậy mà những người già như tui cũng còn kiếm được đồng lời mỗi ngày, sau khi trả tiền phòng trọ, ăn uống tằn tiện, cũng còn dư mỗi tháng khoảng từ 1 tr - 1, 5 triệu đồng lận lưng phòng khi ốm đau bệnh tật và lo hậu sự về sau”.

Vì tuổi già, lại bệnh tật, sức khỏe kém, có những cụ già chỉ ngồi ở lề đường, với cái bàn vé số và tấm bảng ghi những dòng chữ đọc lên mủn lòng để mời chào khách qua đường.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều thân phận những người già cô đơn hành nghề bán vé số dạo ở TP. HCM lâu nay. Trong số họ, dù có nhiều nguyên do, cảnh ngộ, sự đưa đẩy của số phận với những nghiệt ngã khác nhau, nhưng có một thực tế mà ai cũng có thể nhận thấy, đó là công việc bán vé số dạo, đã giúp họ có thu nhập để sống tự chủ hơn trong những năm cuối đời. Qua tiếp xúc tôi được biết đa số những người già này đều đến từ những vùng quê nghèo, thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau Bắc, Trung, Nam đủ cả.

Tâm Lương