TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

“Vé số… chiều xổ” nơi phố núi Đà Lạt

Nổi tiếng là thành phố ngàn hoa thơ mộng, mỗi năm, Đà Lạt thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ lượng du khách đông đảo quanh năm, nên những người hành nghề bán vé số dạo nơi đây cũng có cơ hội tiếp cận, mời chào và tiêu thụ được lượng vé số nhiều hơn.

Tôi lên Đà Lạt vào đúng mùa mưa, những cơn mưa Đà Lạt thật dai dẳng và lạnh. Thời tiết này rất lý tưởng để thưởng thức cà phê, hay nhâm nhi những ly vang Đà Lạt và thả hồn nhìn ngắm những ngôi biệt thự thấp thoáng dưới rừng thông trong mờ mờ mưa bay.

Song, đối với những người hành nghề bán vé số dạo mưu sinh thì ngược lại, tâm trạng họ thật nặng nề, âu lo vì sợ lặp lại điệp khúc ế vé mỗi ngày. Dù vậy, nhưng những người bán vé số dạo nơi thành phố ngàn hoa này vẫn giữ được sự hồn nhiên, thật thà, thân thiện, không chụp giật, tranh giành khách lẫn nhau, như cá tính vốn có của người Đà Lạt.

Những ngày ở đây, qua quan sát và tiếp xúc, tôi nhận ra rằng, người bán vé số dạo ở đâu cũng đều có chung số phận là nghèo khó, khuyết tật, sức khỏe yếu, già cả không nơi nương tựa… Cũng giống TP. HCM, phần lớn những người bán vé số dạo ở Đà Lạt đều đến từ các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn những người được sinh ra và lớn lên ở TP. Đà Lạt, hầu như rất ít người chọn nghề này.

Những người bán vé số dạo ở Đà Lạt

Tôi cũng nhận thấy, trong quá trình hành nghề, nhất là những người có thâm niên bán vé số dạo lâu năm ở Đà Lạt, họ có một số điểm rất khác với những người “đồng nghiệp”, và cả “đồng hương” đang hành nghề ở TP. HCM. Do thời tiết lạnh quanh năm, nên cách ăn mặc của họ (từ trẻ tới già, cả đàn ông lẫn phụ nữ) đều rất tươm tất, với áo khoác bên ngoài rất lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, không ồn ào và đặc biệt không chèo kéo, dài dòng trình bày hoàn cảnh, nài nỉ để khách rủ lòng thương cảm mà mua vé số.

Giữ được phong cách như kể trên, theo ông Lê Văn Tâm, 72 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (lên Đà Lạt bán vé số dạo từ năm 2000) chia sẻ, thì có một nguyên nhân sâu xa từ cách tuyên truyền về nếp sống văn minh đô thị của TP. Đà Lạt. Ông Tâm kể, vào năm 2006, để thực hiện chương trình nếp sống văn minh đô thị, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành quyết định cấm người ăn xin, bán báo dạo, bán vé số dạo, đánh giày dạo hành nghề, đặc biệt là ở khu trung tâm Thành phố. Nhưng ngay sau đó, do không nhận được sự hưởng ứng của xã hội, quyết định này được bãi bỏ. Thay vào đó, công tác tuyên truyền về nếp sống văn minh đô thị được triển khai sâu rộng trong cộng đồng. Từ đó đến nay, ở thành phố du lịch đẹp nhất, quyến rũ nhất nước này, những đối tượng yếu thế kể trên đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng với một ý thức chấp hành thật nghiêm túc về nếp sống văn minh đô thị.

Ông Huỳnh Văn Năm, 65 tuổi, quê huyện Phù Cát (Bình Định), có thâm niên gần 20 năm bán vé số dạo ở phố núi này giải thích, tính cách người Đà Lạt trầm lặng, lịch thiệp, đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét. Vì thế, mình muốn họ quý, họ thương, họ sẵn sàng mua ủng hộ vài tờ vé số, thì cũng phải có cách giao tiếp thật lịch sự, nhỏ nhẹ trong khi chào mời. Dần dà thói quen ấy đã trở thành một nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của không chỉ những cư dân được sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, mà của cả những người chọn Đà Lạt làm nơi mưu sinh, trong đó có những người bán vé số dạo.

Tạm biệt Đà Lạt, chia tay những người bán vé số dạo, tôi thầm ước, giá như những người bán vé số dạo ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S này cũng giữ được hình ảnh thân thiện, cởi mở, và lịch sự như nơi này...

THIÊN KHANG