Cụ bà 75 tuổi bán vé số nuôi cháu khuyết tật
Người dân trong con hẻm nhỏ đường Trần Tấn, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM, nhiều năm nay đã quen với hình ảnh cụ bà đầu tóc bạc trắng, lom khom, bán vé số dạo để nuôi thân và đứa cháu ruột bị 13 tuổi bị bại não.
Bà tên Phan Kim Xuân, đã 75 tuổi rồi, bán vé số ở đây cũng đã 20 năm. Lúc còn khỏe mạnh bà ấy bán đủ chỗ hết, hôm thì Tân Phú, bữa thì Tân Bình, ngày khác thì qua tới quận 10, quận 5. Tuy nhiên, bốn năm nay, do sức khỏe yếu nên bà chỉ ngồi bán ở đầu đường Trần Tấn, nhiều người cảm thông nên ngày nào cũng mua ủng hộ bà
Quê bà Xuân ở Bến Tre, nhà nghèo lại đông anh chị em, nên năm 20 tuổi bà đã lên Sài Gòn để mưu sinh. Sau đó, bà lập gia đình và sinh được 3 người con gái, cứ tưởng cuộc sống như vậy đã được trọn vẹn. Nhưng ai ngờ, các con lại lần lượt bỏ bà đi, “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, người mất vì bệnh , người chết vì tai nạn…
Giờ tuổi cao, sức khỏe ngày càng yếu, bà cũng đau ốm triền miên. Mới đây, bà phải nhập viện vì căn bệnh sỏi mật tái phát. Bác sĩ bảo phải phẫu thuật gấp, nhưng vì không tiền nên bà xin về nhà uống thuốc. Giờ bà cũng chỉ biết dựa vào công việc bán vé số để kiếm sống qua ngày và nuôi đứa cháu ngoại. “Bán vé số thất thường lắm, lúc được lúc không. Hôm nào có đài xổ số TP.HCM mở xổ thì thu nhập có khá hơn, còn bình thường bán được 100 tờ thì thu được 130.000-150.000 đồng. Nhiều lần đi bán bị côn đồ giựt vé số cũng không dám hô hoán vì sợ bọn chúng quay lại trả thù. Hôm đó coi như mất trắng…” - Bà Xuân kể.
Phòng trọ nằm ộp ẹp 5m2 trên căn gác cao gần 10 mét, mỗi lần đi bán Khánh Bình phải dìu bà Xuân đi chậm rãi xuống cầu thang.
Như thường lệ, mỗi ngày cứ tầm 6h sáng bà Xuân lại bắt đầu hành trình một ngày mưu sinh của mình. Thấy thương hai bà cháu, hàng xóm đã làm cho bà chiếc xe đẩy để tiện hơn trong việc đi lại.
Chiếc xe đẩy tự chế đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết trong mỗi chuyến mưu sinh của bà Xuân
Đứa cháu Khánh Bình hàng ngày theo bà bán vé số bị bệnh khiếm thính bẩm sinh, khó nói, tính khí hay nổi nóng bất thường. Còn đứa cháu khác - Tiểu Bình, đã ngoài 20 tuổi, thương cảnh ngoại tuổi cao, sức yếu nên cũng xin đi làm công ở một cơ sở sắt, tiền lương của Bình cũng không phụ giúp được gì. Cuộc sống vất vả với nhiều nỗi lo âu, đôi gánh mưu sinh nặng trĩu là thế, nhưng bà Xuân vẫn luôn giữ cho mình một tinh thần yêu đời và lạc quan. “Đến tuổi này rồi, tôi cũng không cầu mong gì ngoài sức khỏe, có sức khỏe tôi đi bán để nuôi cháu đến lớn, có tiền cho nó đi học nghề, nó mà có nghề nghiệp ổn định là tui thấy đủ rôi”. Mong ước của bà nghe thật cảm thương. Chia tay bà, chúng tôi chỉ biết chúc bà nhiều sức khỏe và mong cuộc sống của hai bà cháu sẽ bớt cơ cực hơn.
Đứa cháu Khánh Bình (13 tuổi) dìu bà bước từng bậc thang để leo xuống căn gác cao gần 10 mét
DUY QUAN