TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Những “người lùn” quyết vượt qua số phận

Sự khiếm khuyết về hình thể vốn bị coi là một yếu tố khiến họ không chỉ bị nhiều người kỳ thị, mà còn chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh kiếm sống. Và ở “thế dựa chân tường”, họ đã tìm thấy nguồn vui từ công việc bán vé số dạo…

Thấp lùn là một dạng bệnh lý bẩm sinh, khiến những người từ khi sinh ra đã mang hình thể “thiếu thước tấc” cảm thấy tự ti, mặc cảm với số phận không may mắn của mình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người lùn đã can đảm bỏ ngoài tai tất cả những lời dị nghị, thậm chí chọc ghẹo của miệng lưỡi thế gian mà nỗ lực mưu sinh vượt lên số phận bằng nhiều nghề khác nhau, như bán hàng rong, đánh giày, bán báo, và có lẽ nhiều nhất là hành nghề bán vé số trên đường phố.

Sở dĩ bán vé số dạo là nghề được nhiều người lùn lựa chọn nhất, bởi nó vừa phù hợp với thể trạng, sức khỏe của mình, vừa có thu nhập khá cao và ổn định.

Anh Huỳnh Văn Thắng, 45 tuổi. cao 1,1 m, quê xứ dừa Bến Tre chia sẻ: “Số phận mình đã vậy rồi có buồn chán, có cầu nguyện Trời Phật cũng chả có phép màu nào giúp được. Nên tôi đã quyết rời quê lên Sài Gòn tìm kiếm việc làm phù hợp với mình để mưu sinh. Năm 1990, khi mới đặt chân lên thành phố, tôi từng đánh giày, bán báo dạo rồi chuyển sang bơm vá xe đạp, xe gắn máy, nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất cơ cực. Năm 1995, trong một lần vá xe gắn máy cho một chị làm đại lý vé số cấp 2 là người cùng quê, tôi được chị bày vẽ cho hướng kiếm sống mới, đó là bán vé số dạo. Biết tôi không có vốn liếng gì, chị giúp đỡ bằng cách cho lấy vé số thiếu để đi bán dạo. Sau vài ngày “làm thử”, tôi thấy không những công việc phù hợp với thể trạng, sức lực của mình, mà thu nhập cũng tăng lên thấy rõ so với những nghề trước đó. Vì vậy suốt từ đó đến giờ, tôi quyết gắn bó với nghể bán vé số dạo, cảm thấy đây chính là cái nghề đã lựa chọn mình để giúp mình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

Còn theo anh Phan Văn Hà , cao 1, 2 m, quê huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh , thì nghề bán vé số không kén chọn người, chỉ cần mình siêng năng, bỏ qua mọi mặc cảm, thì đều có thể kiếm tiền được. Anh nói: “Tôi không bao giờ mặc cảm hay tự ái khi nghe người ta gọi mình là “chú lùn”. Ngược lại, tôi luôn nở nụ cười thân thiện và kiên nhẫn mời họ mua vé số để ủng hộ. Vì vậy mà chính những người thường chọc ghẹo tôi khi thấy tôi xuất hiện ở những quán nhậu trên hai con đường Cao Lỗ, Tạ Quang Bửu ở quận 8, sau này lại là những khách hàng ruột, mua cho tôi rất nhiều vé số. Nhờ đó số tiền tôi kiếm được không chỉ đủ nuôi bản thân, mà hàng tháng còn tích cóp gửi về quê phụ chị Hai nuôi mẹ già đau yếu”.

Trường hợp của chị Huỳnh Thị Thủy, 28 tuổi, cao tròn 1 m, quê huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cũng có nhiều điều đáng thương. Chị cho biết: “Năm 2011, lúc đó tôi đã 20 tuổi nhưng lùn tịt, nên rất mặc cảm về thể trạng và sắc vóc của mình. Vì quá thua kém bạn bè cùng trang lứa, nên tôi chỉ dám quanh quẩn trong nhà. Nhưng thấy gia cảnh mẹ già, cha đau bệnh, cuộc sống ngày càng khó khăn túng thiếu, nên khi được một số chị trong xóm lên Sài Gòn bán vé số dạo “rủ rê”, lại thấy mấy chị cũng có chút của ăn của để, tôi quyết định đi theo cùng làm coi sao. Ban đầu cũng rất ái ngại, phần vì mặc cảm về thân phận, phần vì công việc chưa quen, nhưng tôi đã cố gắng học hỏi, tìm cách vượt qua khó khăn, để quyết theo cái nghề này. Hơn nữa đi bán vé số, được tiếp xúc với nhiều người, nhiều cảnh ngộ cũng khiếm khuyết thiệt thòi như mình, nhưng họ vẫn giàu nghị lực vươn lên vượt qua số phận, nên tôi cảm thấy tự tin hơn, dần quen với nghề và đến giờ thì đã thực sự sống được bằng cái nghề này, tháng nào cũng có tiền gửi về phụ giúp cha mẹ”.

Hiện mỗi ngày chị Thủy lấy từ 200 – 250 tờ vé số các đài và ra khỏi phòng trọ ở đường Đặng Chất, quận 8 từ 5 h30 sáng, rong ruổi trên những con đường với tổng chiều dài mà bước chân chị trải qua mỗi ngày không dưới vài chục cây số, cho đến tận 12h khuya mới trở về. Chị cho biết, tuy có vất vả, nhưng thu nhập nói chung ổn định, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ngày có lãi từ 150.000 đ – 200.000 đ (tùy ngày).

Chính những tờ vé số nhỏ bé đã giúp nâng tầm những “người lùn”, giúp họ trở thành những người có ích. Và quan trọng hơn cả, nó giúp những người thiệt thòi về hình thể ấy trở nên tự tin, khi khẳng định một điều: Giá trị của con người không phải ở số đo chiều cao, mà ở nghị lực, khát vọng vươn lên và dám đội mặt với những thách thức nghiệt ngã của cuộc sống.

Thiên Lương