Chuyện những người bán vé số dành tiền làm từ thiện
Đa số những người nghèo hành nghề bán vé số dạo là vì mưu sinh, nhưng cũng có trường hợp không phải vì mưu sinh mà là để có tiền làm từ thiện. Bà Nguyễn Thị Thanh, 78 tuổi, ngụ tổ 10, khu phố 8, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang và ông Đoàn Văn Thái, 67 tuổi ngụ hẻm đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 (TP. HCM) là những người như thế, họ không giàu có về tiền bạc, nhưng rất giàu lòng nhân ái.
Lá rách đùm lá rách hơn.
Nói đến bà Nguyễn Thị Thanh bán vé số, hầu như những người dân, nhất là những người chủ quán ăn, quán nhậu, quán cà phê và buôn bán ở khu vực chợ thị trấn Kiên Lương ai cũng biết. Bởi nhiều năm qua hình ảnh bà với sấp vé số trên tay ngày mưa cũng như ngày nắng luôn rong ruổi trên những con đường, ngõ ngách ở Kiên Lương đã trở nên rất quen thuộc. Nhiều người dân nơi đây khi biết bà đi bán vé số dạo không phải vì mưu sinh, mà là để dành tiền làm từ thiện thì rất trân quý và thường mua vé số ủng hộ, nên mỗi ngày bà cũng bán được khoảng 200 – 250 tờ vé số truyền thống, ít khi bị ế.
Bà Nguyễn Thị Thanh hỗ trợ gạo cho người nghèo ở Kiên Giang
Nói về cuộc sống của mình bà chia sẻ: "Tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong từ năm 1965, đã quen với những gian khổ ác liệt nơi chiến trường, nên những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh tôi luôn tự lực vươn lên. Ngày người chồng lâm trọng bệnh rồi mất, khi mới 33 tuổi để nuôi hai con khôn lớn, tôi đã phải bươn chải qua rất nhiều công việc khác nhau. Đến lúc hai con đã có gia đình riêng, nhưng cuộc sống các con cũng không được khá giả nên tôi vẫn tự lo cho bản thân và luôn nghĩ còn sức khỏe thì cứ lao động”.
Năm 2017, bà tham gia Hội cựu Thanh niên Xung phong huyện Kiên Lương. Nhờ nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội nên bà được tạo điều kiện vay vốn 5 triệu đồng. Từ số tiền này, ban đầu bà nhận mỗi ngày từ 150-200 tờ vé số truyền thống đi bán dạo kiếm lời mỗi ngày được 150.000-200.000 đồng/ngày, tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Số tiền tuy ít, nhưng nhu cầu chi tiêu của bà cũng không nhiều, nên một phần bà tích lũy để trả lãi cho Hội, một phần để dành phòng khi đau ốm và làm từ thiện. Năm nay, dù sức khỏe đã giảm sút rất nhiều so với những năm trước, lại mang nhiều chứng bệnh trong người, nhưng bà vẫn lấy vé số đi bán bà không chấp nhận số phận nghèo khó mà luôn vươn lên. “Bây giờ các con thấy tôi tuổi cao, sức yếu muốn tôi ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng tôi nghĩ muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, lá rách ít đùm lá rách nhiều thì chỉ có cách đi bán vé số mới có tiền” – Bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Nói về bà Nguyễn Thị Thanh, ông Lê Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết: "Hội Chữ thập đỏ huyện thường xuyên nhận được những phần đóng góp từ cô Thanh ủng hộ cho bếp cơm cháo từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương. Đây thật sự là một trong những tấm gương biết vượt lên số phận và có tấm lòng nhân ái cao cả. Hội chúng tôi rất trân trọng và biết ơn những tấm gương như thế"
Kiếm tiền làm từ thiện
Sinh năm 1956, ông Đoàn Văn Thái ngụ ở hẻm đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 nay đã bước sang tuổi 67, nhưng hàng ngày vẫn lấy 500 tờ vé số đi bán dạo để có tiền làm từ thiện. Mỗi ngày, bắt đầu từ 6 h 30 sáng bất kể mùa khô hay mùa mưa ông đều ngồi trên chiếc xe gắn máy có tấm biển gắn trước xe ghi dòng chữ: “Đoàn Văn Thái, P 5, Q 11 bán vé số để giúp đỡ người nghèo”. Nhờ tấm biển độc đáo này, ông chạy xe tới đâu hầu như đều có người mua vé số ủng hộ. Nhiều người cho biết, mua vé số với ông Thái cũng là cách thông qua ông ấy để giúp người nghèo vậy. Ông ấy bỏ công bỏ sức ra giúp người khác, mình không có thời gian, điều kiện nên phụ giúp một ít bằng việc mỗi ngày mua vài tờ vé số. Chạy lòng vòng khoảng 5 tiếng, tới 11 giờ trưa, khi xấp vé số trên tay đã vơi đi hơn một nửa, thì ông Thái chạy vào bãi giử xe, rồi đi vào chợ mua thực phẩm để về nhà nấu ăn. Ngày nào cũng vậy, ông không chỉ lo việc đi bán vé số mà còn phải lo cả công việc nội nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, bởi vợ ông bị thấp khớp nặng không thể đi ra ngoài, cũng không làm được việc gì. Ăn xong bữa cơm trưa, nghỉ ngơi một chút ông lại tiếp tục chạy xe đi bán, tầm hơn 3 g chiều là ông bán hết 500 tờ vé số.
Chiếc xe gắn bảng bán số làm từ thiện của ông Đoàn Văn Thái
Ông Thái chia sẻ: “Trước đây tôi làm nghề gói bánh chưng, bánh giò bỏ mối và làm thêm nghề sửa điện gia dụng thu nhập cũng ổn định. Nhưng từ khi người con trai duy nhất bị bệnh mất năm 2012, tôi buồn rầu nên bỏ hết công việc đang làm. Căn nhà nhỏ có hơn 50 mét vuông, nhưng vì chỉ còn hai vợ chồng già ở nên tôi quyết định ngăn ra 3 phòng cho thuê, chừa lại một phòng nhỏ phía sau để ở. Tiền cho thuê phòng mỗi tháng được 5 triệu đồng, tôi giữ một ít để chi tiêu ăn uống cho hai vợ chồng, còn lại tôi lấy làm vốn để đi bán vé số vừa cho khuây khỏa bớt đi nỗi buồn mất con, vừa có tiền giúp những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi bắt đầu lấy vé số đi bán dạo từ tháng 11/2016, thời gian đầu, mỗi ngày tôi chỉ lấy từ 150 - 200 tờ rồi đi bộ khắp các ngả đường có quán cà phê, quán ăn, quán nhậu và vô trong chợ chào mời khách. Gần đây do tuổi cao, đi bộ mệt lại không bán được nhiều vé, nên tôi chuyển sang chạy xe gắn máy và tăng số lượng vé lên 500 tờ/ngày. Nhiều người biết tôi bán vé số để giúp người nghèo, nên mua ủng hộ, không ngày nào tôi bán ế, mà nếu có ế cũng không lo vì đại lý sẽ nhận lại. Tất cả tiền bán vé số và một phần tiền cho thuê phòng tôi gom lại rồi tìm hiểu xem ai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì hỗ trợ giúp đỡ họ”.
Ông Đoàn Văn Thái đi bán vé số trong ngày vía Thần Tài
Qua chia sẻ của ông, chúng tôi được biết, tính đến nay ông đã giúp được hơn 30 người, trong đó có chị Lan Anh đang ở trọ tại phường 10, quận 3, TP.HCM. Chị Lan Anh bị bỏng toàn thân do bình ga nổ khi đang nấu ăn, phải trải qua hơn 30 ca phẫu thuật cắt ghép, tái tạo da trong 5 năm liền, nên sức khỏe yếu, không làm được việc nặng. Nhưng hàng ngày chị vẫn phải bế đứa con gái đi bán vé số dạo mưu sinh và một lần từng bị ngất giữa đường vì kiệt sức. Biết được hoàn cảnh thật thương tâm ấy, ông Thái đã đem tiền đến giúp và động viên chị vượt qua những ngày gian khó. “Thấy tôi già rồi mà còn đội nắng mưa đi bán vé số để giúp người dưng nhiều người cảm phục, nhưng cũng có người cho là tôi khùng. Thôi họ nói họ nghe, kệ họ vì tôi nghĩ chờ giàu có hay trúng số độc đắc mới làm từ thiện thì tới bao giờ. Nên muốn làm từ thiện thì mình phải tự đi kiếm tiền mới có tiền mà làm từ thiện được” – Ông Thái chia sẻ vậy.
Tâm Lương