Người bán vé dạo lại ế vì…Covid – 19
Những ngày này, khi TP HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, thêm một lần nữa nhiều người mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo lại lâm vào hoàn cảnh ế ẩm, thất thu, ngặt nghèo vì Covid – 19…
Lẻ loi vé số dạo
Ghi nhận của chúng tôi từ thời điểm dịch bùng phát ở Gò Vấp, việc, những người hành nghề vé số dạo ở đây bắt đầu thực hiện theo chủ trương giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Đặc biệt, khi chính quyền thông báo tạm ngưng hoạt động những quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, quán bar, karaoke và khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, không tụ tập đông người thì cũng là lúc nghề bán vé số dạo ế ẩm nhất.
Mệt mỏi buồn rầu vì vé ế
Khi không còn cơ hội mời chào khách hàng, người bán vé số dạo thực sự lẻ loi, bơ vơ trên đường phố. Chị Hoa, 54 tuổi, một người bán vé số dạo khu vực phường 5, quận Gò Vấp chia sẻ, trước đây chị trông chờ vào số lượng thực khách ở các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu, nhà hàng…nhưng nay các quán đóng cửa, lượng khách này cũng mất đi. Thêm vào đó, từ trước khi bùng phát dịch Covid – 19 lần thứ 4, nhiều người dân TP HCM cũng bắt đầu bỏ thói quen uống cà phê, ăn sáng ở ngoài quán, vốn dĩ cuộc mưu sinh đã khó khăn hơn.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Tám, 62 tuổi, quê huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chia sẻ thêm: “Từ trước tới giờ, đối với những người hành nghề bán vé số dạo ở Sài Gòn cũng như nhiều tỉnh, thành khác ở Nam bộ, tiêu thụ được vé số với số lượng lớn chủ yếu là nhờ vào những thực khách trong các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu bình dân. Những thực khách này mới là đối tượng chính để những người bán vé số dạo mời chào và tiêu thụ vé số, còn khách vãng lai ngoài đường, nơi bến xe, bến tàu rất ít, không đáng kể”.
Dù vậy, cũng theo bà Tám thì hiện nay các quán đều đã tạm ngưng hoạt động, hoặc chỉ bán mang về khiến những người bán vé số dạo gặp nhiều khó khăn mưu sinh. Họ không còn biết mời chào ai mua vé số để có thu nhập mà sống đắp đổi lây lất qua ngày chờ hết mùa dịch.
Tất bật lẻ loi trên phố vắng giữa trời nắng nóng mà xấp vé số trên tay còn quá nửa
Lá lành đùm lá rách
Một lần gặp bà Huỳnh Thị Tươi, 60 tuổi, quê huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cầm xấp vé số ước tính còn khoảng hơn 50 tờ, đang đi nhanh về phía đại lý để kịp giờ trả lại vé thừa không bán hết. Dù đeo khẩu trang, nhưng nhìn vào đôi mắt của bà, chúng tôi cảm nhận được sự lo âu, mệt mỏi và thấm đẫm nỗi buồn thất vọng.
Buồn rầu, thất vọng vì sắp tới giờ xổ mà bàn vé chưa vơi được bao nhiêu
Đợi bà Tươi trả xong số vé cũ, nhận thêm vé mới (vé mở thưởng vào chiều ngày mai) từ đại lý trên đường Đặng Chất, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện. Vẫn gương mặt đầy thất vọng, bà cho biết: “Từ hôm thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, những người bán vé số dạo lại bị ế ẩm, lao đao. Nên tôi cũng như nhiều người khác chỉ dám lấy từ đại lý với số lượng chỉ bằng 1/2 so với trước đây. Những người trẻ khỏe, có sức đi thì nhận từ 150 – 200 tờ, còn già yếu như tụi tôi chỉ lấy có 100 tờ, có hôm còn không bán hết. Tiền bán vé số không đủ chi, rất may là được chủ đại lý cho nợ để trang trải cuộc sống, qua đợt dịch thanh toán dần”.
Bà Lâm Thị Phương, 63 tuổi, quê huyện Đức Phổ ( Quảng Ngãi) từng có thâm niên hơn 10 năm hành nghề ở khu vực quận 8 và khu Trung Sơn (Bình Chánh) buồn rầu nói:“Nhiều người cùng xứ với tôi, khi nghe tin giãn cách xã hội đã tính đến chuyện trở về quê, vì vé số bán ế không đủ trang trải tiền ăn, tiền thuê phòng trọ. Nhưng khổ nỗi bây giờ chúng tôi cũng bị coi là người đang sống ở trong vùng có dịch, nếu trở về cũng có thể bị cách ly. Rất may chủ nhà trọ, chủ quán cơm tháng bình dân vừa giảm tiền trọ, tiền ăn vừa cho nợ tiền để tạo điều kiện cho chúng tôi an tâm hành nghề, nên chúng tôi rang trụ lại ở thành phố để đi bán rong lượm thêm bạc cắc, cơm cháo qua ngày, đợi hết dịch”.
Trước đây người bán vé số dạo chủ yếu mời chào khách ở các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu, nhà hàng bình dân, nhưng bây giờ phải tích cực mời chào cả khách vãng lai ngoài đường phố. (chỉ mang tính minh họa)
“Những người bán vé số dạo như chúng tôi rất cảm động và biết ơn tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách của những người chủ nhà trọ, quán cơm, thùng bánh mì, shop quần áo không đồng đã tiếp sức cho chúng tôi thêm tự tin vượt qua những đợt dịch giã”, bà Lâm Thị Phương chia sẻ.
Trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của người bán vé số dạo, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa. Trong khi nhiều người dân thực hiện nghiêm yêu cầu của các cấp chính quyền hạn chế ra đường, sống bình an bên người thân trong ngôi nhà của mình để phòng dịch bệnh, thì những người bán vé số dạo vẫn phải tất bật mưu sinh trên đường phố một cách đầy mạo hiểm, đầy rủi ro, với những nguy cơ bị lây nhiễm khó tránh khỏi.
Tâm Lương