TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Nỗi niềm phụ nữ trẻ bán vé số dạo

Những năm gần đây số phụ nữ tuổi đời còn trẻ tham gia vào lực lượng bán vé số dạo gia tăng đáng kể ở các tỉnh, thành phía Nam nhất là ở những đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu)…Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chính là tình trạng các doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ ở tuổi 35 trở lên, dẫn đến nhiều phụ nữ ở độ tuổi còn sung sức này bị mất việc làm ở các khu công nghiệp.

Mặc cảm, chạnh lòng, e ngại

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển và hội nhập (tổ chức phi chính phủ của Việt Nam), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam cao, nhưng có tới 81,6 % lao động nữ chưa qua đào tạo nghề. Đây là một trong những nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động và là nhóm có nguy cơ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Ngoài ra tình trạng các doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ từ 35 tuổi trở lên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhóm phụ nữ trong khung độ tuổi này đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao bị mất việc làm, giãn việc, giảm thu nhập.

Khi mới vào nghề do còn mặc cảm, e ngại nên những người phụ nữ trẻ bán vé số dạo ở TP. HCM thường đi theo nhóm 2 người

Thời gian gần đây, số lao động bị mất việc làm, giãn việc làm chủ yếu tập trung ở các ngành dệt may (18,8 %), da giày (44,2 %). Thuộc nhóm người có nhiều vấn đề hạn chế, ít cập nhật để nâng cao kỹ năng nghề, chưa qua đào tạo nghề trước xu thế thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, nên khi mất việc làm, giãn việc làm ở doanh nghiệp này thì nhiều phụ nữ tuy tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe nhưng cũng khó có cơ hội xin được việc làm ở những doanh nghiệp khác.

Bị mất việc làm, giãn việc làm không có vốn buôn bán, cũng không thể trở về quê làm nông nghiệp, nhiều phụ nữ đành chấp nhận đi bán vé số dạo mưu sinh. Trong thời gian đầu, cầm xấp vé số đi chào mời khách hàng trong các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu tâm trạng chung của những người phụ nữ trẻ này là cảm thấy mặc cảm, chạnh lòng và rất e ngại. Qua trò chuyện với chị Thạch Thị Lâm, 32 tuổi, dân tộc Khmer, quê huyện Cầu Kè (Trà Vinh) tôi được biết, chị từng gắn bó 10 năm với một doanh nghiệp dệt may ở khu công nghiệp Tân Mỹ (Bình Dương). Trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề, nên công việc của chị chủ yếu là ủi và đóng gói sản phẩm (một công việc phổ thông), với mức lương thỏa thuận 6, 5 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 kéo dài, doanh nghiệp bị cắt giảm hợp đồng đơn hàng, chị tuy chưa đến tuổi 35, nhưng vẫn buộc phải thôi việc.

Hầu hết những người phụ nữ trẻ, khỏe mạnh hành nghề bán vé số dạo hiện nay là những công nhân ở các khu công nghiệp các tỉnh, thành như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh..bị mất việc làm trong vòng 2 năm trở lại đây.

“Ở quê tuy có hai công đất ruộng (2000 mét vuông), nhưng đã có chồng lo liệu, hơn nữa làm ruộng cũng chỉ để giải quyết cái ăn thôi, tiền chi tiêu, nhất là tiền học của hai đứa con (tiểu học và trung học cơ sở) trước đây đều nhờ vào đồng lương của tôi gửi về (dù chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng ở quê cũng tạm ổn). Nên khi nhận được thông báo phải thôi việc, tôi rất sốc, cảm thấy hụt hẫng, lo lắng, bế tắc. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, nhờ có sự chỉ dẫn của một người chị cùng xứ hành nghề bán vé số dạo lâu năm ở khu vực Bình Chánh (TP. HCM), tôi đã đến một đại lý cấp 2 ở khu Trung Sơn (Bình Chánh) lấy vé số đi bán. Cùng đợt mất việc làm như tôi có 20 chị em người trẻ nhất là 32 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 37 tuổi, trong đó có 6 chị em chọn nghề bán vé số mưu sinh. Ngày đầu còn mặc cảm, e ngại chào mời khách, tôi chỉ dám lấy 100 tờ vé số truyền thống, rồi theo chị đạp xe lòng vòng qua các con đường ở khu Trung Sơn (Bình Chánh) và một số tuyến đường có nhiều quán cà phê, quán ăn, quán nhậu trên đường Âu Dương Lân, Tạ Quang Bửu, Cao Lỗ (quận 8) để bán. Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm đó, dù đã rất vất vả, cực nhọc mời chào, nhưng sắp tới giờ xổ vẫn còn dư gần 10 tờ, đành đem về trả lại cho đại lý. Vạn sự khởi đầu nan, được chủ đại lý và người chị đồng hương động viên, những ngày sau đó tôi cố gắng đạp xe sang địa bàn quận 5 để mời chào khách, nên cũng tiêu thụ được nhiều hơn, mừng nhất là không còn vé dư. Bây giờ mỗi lần tôi lấy 350 - 400 vé, bán từ buổi tối hôm trước, tới tầm 2 chiều hôm sau là hết vé, nhờ đó mà thu nhập cũng ổn định, khoảng 7 triệu đồng – 7,5 triệu đồng/ tháng. Sau khi trừ mọi chi phí sinh hoạt ăn, ở mỗi tháng cũng gửi về quê cho chồng lo cho các con ăn học được 6 triệu đồng, cao hơn hồi làm công nhân” – Chị Thạch Thị Lâm chia sẻ.

Gắn bó lâu dài với nghề.

Qua trò chuyện với một số chị em trẻ đang hành nghề bán vế số dạo, tôi được biết, nhóm phụ nữ bị mất việc làm chiếm tỷ lệ cao thường là những phụ nữ có học vấn thấp, xuất thân từ vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Chị Huỳnh Thúy Liễu, 37 tuổi, quê huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) là một trong số đó. Tuy đã gắn bó gần 10 năm ở doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da xuất khẩu tại khu công nghiệp Tân Bình (TP. HCM), nhưng vì đã qua mốc tuổi 35, học vấn thấp, không có khả năng cập nhật nâng cao kỹ năng nghề, nên buộc phải thôi việc vào cuối năm 2021.

Hầu hết những người phụ nữ trẻ, khỏe mạnh hành nghề bán vé số dạo hiện nay là những công nhân ở các khu công nghiệp các tỉnh, thành như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh..bị mất việc làm trong vòng 2 năm trở lại đây.

Chị Huỳnh Thúy Liễu chia sẻ: “Cũng giống như nhiều chị em khác, trước đây tôi đã quen với cuộc sống làm công ăn lương, dù chưa cao (nghề giày da khoảng 8 triệu đồng/ tháng), nhưng ổn định. Từ khi dịch Covid – 19 bùng nổ, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, công ty bị giảm nhiều đơn hàng, buộc phải giảm lao động. Tôi thuộc nhóm lao động nữ quá tuổi 35, lại không được đào tạo nghề, học vấn thấp nên có tên trong danh sách thôi việc đợt trước Tết Nhâm Dần (2022). Mất việc vào thời điểm cái Tết đang cận kề, tôi rất buồn và vô cùng lo lắng, không còn lựa chọn nào khác, tôi nhanh chóng quyết định bỏ ra 2 tr đồng (tiền được hỗ trợ từ công ty khi mất việc) đến một đại lý vé số cấp 2, trên đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8 lấy vé số đi bán dạo. Sông có lúc người có lúc, khi đã chấp nhận rồi, tôi mới nhận ra rằng, nghề nào kiếm được đồng tiền một cách lương thiện trong sạch thì đều đáng trân trọng. Nghề nào cũng phải đổ mồ hôi xôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền. Tôi còn nhớ, khi mới vào nghề, một buổi chiều cuối tháng 12/ năm 2021, khi chỉ còn khoảng hơn nửa tiếng nữa là tới giờ mở thưởng, nhưng trong tay tôi còn gần 20 tờ vé số, mời mãi chả ai mua. Tôi đành phải nhanh chóng đạp xe về đại lý để trả lại vé dư trước giờ xổ theo quy định. Đang vội vã đạp xe trên đường Dương Bá Trạc, thì không may xe bị đứt xích, đành dắt bộ, đi được khoảng 100 mét người ướt đẫm mồ hôi, thì bất ngờ có một người đàn ông tầm 50 tuổi trong một quán nhậu bước ra, hỏi: “Cô bán từ sáng chưa hết vé à, còn bao nhiêu tôi mua tất”. Tôi mừng như người đang đuối nước vớ được cọc, cám ơn ông rối rít. Không ngờ chiều ấy mở thưởng, ông khách trúng 5 tờ giải 4 (3 tr đồng 1 tờ), tổng trị giá 15 triệu đồng của Công ty XSKT Tiền Giang. Ngay buổi tối hôm đó, ông cố tìm gặp tôi (đang bán dạo ở mấy quán nhậu trên đường Tạ Quang Bửu, phường 2, quận 8, thông báo tin vui và biếu tôi 1 triệu đồng và bỏ ra thêm 1 tr đồng để mua tiếp vé số. Từ đó ông trở thành mối ruột của tôi và nhờ ông giới thiệu mà những người bạn của ông cũng thường mua vé số với tôi mỗi ngày. Bây giờ đã quen việc và thu nhập ổn định từ 7 – 8 triệu đồng/ tháng, nên tôi và nhiều người bạn của tôi đều muốn gắn bó lâu dài với nghề. Theo tôi, phụ nữ trẻ bán vé số dạo, nhờ có sức khỏe nên địa bàn hoạt động rộng hơn, chiếm được cảm tình của khách hàng (nếu có kỹ năng chào mời), nên tiêu thụ được số lượng vé nhiều hơn, thu nhập cao và ổn định ”.

Tâm Lương