Xóm "vé số"
Một con hẻm sâu hun hút với dãy nhà trọ bình dân khoảng 10 căn liền kề, gần chợ Rạch Ông, quận 8, TP. HCM được người dân nơi đây gọi là “xóm vé số”, hay “xóm Quảng”, bởi tất cả những người ngụ cư ở dãy nhà trọ này đều hành nghề bán vé số dạo và cùng đến từ xứ Quảng
Câu nói xưa nay lưu truyền trong đời sống xã hội “Buôn có bạn, bán có phường” thật đúng với cư dân “xóm vé số”. Trong số họ, qua tìm hiểu tôi được biết, đều là người cùng xứ và không ít người còn là bà con họ hàng thân thích. Chính vì thế trong quá trình mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, họ không có sự tranh bán, giành giật khách, mà luôn giữ được tinh thần “tương thân, tương ái” của “tình làng nghĩa xóm” nơi xứ người.
Theo bà Nguyễn Thị Thơm, quê huyện Đức Phổ (Quảng Nghĩa), năm nay ngoài 50 tuổi, đã có hơn 8 năm mưu sinh ở Sài Gòn bằng nghề bán vé số dạo cho biết, cư dân “xóm vé số” chúng tôi có khoảng hơn 60 chị em, độ tuổi từ 35 tới 65, đều dân Đức Phổ và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
Bà Thơm chia sẻ, là những người cùng khổ, cùng xứ nên họ cũng rất dễ dàng thỏa thuận giao ước với nhau về “lãnh địa” hành nghề vừa thấu tình, vừa đạt lý và dù chỉ bằng miệng, nhưng họ rất tôn trọng nhau, không bao giờ vi phạm. Giao ước cụ thể đó là, với những ai còn trẻ, khỏe, có phương tiện di chuyển bằng xe đạp sẽ hành nghề ở những địa bàn xa hơn như các quận: 5, 6, Bình Tân, Bình Chánh và dành phần ưu tiên cho những ai lớn tuổi, sức khỏe kém, không có xe đạp hành nghề ở các quận gần nơi cư trú như các quận: 8, 7, 1, 3.
Một ngày của cư dân “xóm vé số” bắt đầu thức giấc từ mờ sáng, rồi họ tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm với những đường phố như đã được lập trình, mặc định sẵn trong đầu và chỉ trở về xóm trọ khi đêm đã về khuya. Ngày mưa cũng như ngày nắng, đối với họ không có khái niệm ngày nghỉ cuối tuần, hay nghỉ lễ (chỉ khi vì ốm đau, bệnh tật không thể bước ra đường mới chịu nằm yên; hoặc chỉ nghỉ ít ngày khi phải về quê chịu tang, đưa tiễn những người thân lần cuối).
Cuộc mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo ở Sài Gòn tuy nhọc nhằn, cực khổ như thế, nhưng với họ đây thực sự vẫn là một nghề tạo cho họ có cơ hội về thu nhập để vươn lên thoát nghèo và thực hiện được ước mơ, hy vọng trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học nơi quê nhà.
Chị Phan Thị Ngọc, quê Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) mới ngoài 40 tuổi, dáng người nhỏ mảnh khảnh, gương mặt sạm nắng vẻ khắc khổ, nhìn già hơn nhiều so với tuổi. Bằng chất giọng rặt âm sắc xứ Quảng chị chia sẻ, ở ngoài quê chị có 2 sào ruộng, quanh năm cặm cụi cày cấy gieo trồng, gặt hái “bán mặt cho đất, bán lung cho trời” may mắn lắm cũng chỉ giải quyết được đủ gạo ăn, còn tiền học phí cho các con thì bó tay, nhiều khi cứ phải vay mượn “giật gấu vá vai”, nên không thoát được cảnh nghèo túng. Muốn có đồng ra đồng vào lo cho con cái ăn học nên người thì không thể cứ bám lấy ruộng đồng được. Năm 2008, sau nhiều đêm suy tính, bàn bạc rồi được chồng đồng thuận, chị quyết định theo những người cùng làng, cùng xứ vào Sài Gòn hành nghề bán vé số đạo từ đó tới giờ cũng đã tròn 10 năm.
Chị kể, nhóm đồng hương chúng tôi gồm 5 chị em cùng thuê một phòng xây dựng khép kín, rộng khoảng 15 mét vuông, với mỗi tháng 2 triệu đồng, chia đều 400.000 đ/người/ tháng. Phòng trọ chủ yếu để trú ngủ qua đêm, ngày 3 bữa ăn uống đều “cơm hàng cháo chợ” qua quýt cho xong bữa, chi tiêu hết sức tằn tiện, để dành dụm tiền giử về quê.
Cũng như nhiều nhóm bán vé số dạo khác từ miền Trung vào hành nghề, nhóm của chị cũng chủ yếu bán vé số xổ đài TP. HCM. Chị giải thích, vé số TP. HCM so với vé số xổ ở các đài khác trong khu vực phía Nam, được nhiều khách lựa chọn mua hơn, nên hàng ngày, nếu may mắn, không gặp trời mưa gió, nhóm của chị mỗi người cũng bán được từ 250 đến 300 tờ. có chị bán uy tín nhiều năm, tạo được những mối khách ruột, bán được khoảng 400 tờ mỗi ngày. Tính ra mỗi tờ vé số có lời 1.000 đồng, mỗi ngày nếu bán được 300 tờ vé số, thì có lời 300.000 đồng/ ngày, một tháng thụ nhập khoảng 9 triệu đồng, trừ tất tật mọi sinh hoạt phí thì còn tiết kiệm lận lưng được khoảng 6 triệu đồng/ tháng, đó là một khoản tiền ở quê có nằm mơ cũng không bao giờ có được.
Nghề bán vé số dạo, lâu nay, vói cái nhìn và quan niệm chung của cộng đồng xã hội vẫn được coi là nghề dành cho những thân phận nghèo khó, không có việc làm, không có vốn làm ăn, thiếu may mắn, khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ.
Nhưng qua trò chuyện với cư dân “xóm vé số”, tôi lại thấy đây thật sự là một nghề giải quyết việc làm thiết thực cho nhiều lứa tuổi, thành phần với thu nhập khá cao, ổn định không chỉ tự lo được cho bản thân mà còn giúp cho gia đình họ ở quê nghèo xứ Quảng nhanh chóng thoát nghèo, con cái được nâng bước tới trường học hành tử tế.
Bản chất và cũng là một phẩm chất đáng trân quý của người dân xứ Quảng nói chung, phụ nữ xứ Quảng nói riêng là cần cù, chịu khó, chịu khổ, chi tiêu tằn tiện để dành thực hiện ước mơ của đời mình, đó là tạo dựng được ngôi nhà tơm tất, con cái học hành thành đạt hy vọng có một tương lai tương sáng hơn trong cuộc sống.
Tâm Lương