TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Đà Lạt vé số dạo đắt khách

Đà Lạt - thành phố ngàn hoa thơ mộng, bốn mùa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới du lịch, nghỉ dưỡng với hàng triệu lượt người mỗi năm. Nhờ du khách đông đúc quanh năm, nên từ lâu những người hành nghề bán vé số dạo cũng có cơ hội "ăn nên làm ra" so với nhiều thành phố du lịch khác.

1 – Lịch sự khi mời khách

Đà Lạt mùa này đã bớt mưa, khí trời se lạnh. Vào dịp cuối tuần, lượng khách đông gấp nhiều lần so với ngày thường. Họ không chỉ tụ tập ở những điểm du lịch nổi tiếng, mà còn hiện diện đông đảo ở các quán ăn, quán cà phê khu vực trung tâm thành phố, nhất là phố đi bộ và chợ đêm Đà Lạt. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho những người bán vé số dạo tiếp cận với du khách để mời chào vé số.

Qua quan sát và tiếp xúc, tôi nhận ra rằng, những người bán vé số ở thành phố ngàn hoa này có nhiều điểm khá giống nhau về cách tiếp cận và mời mọc du khách. Đó là lịch sự, nhẹ nhàng, không xô bồ chộp giật tranh giành khách lẫn nhau. Một điểm khác cũng gây thiện cảm ở du khách, đó là do thời tiết lành lạnh quanh năm, nên cách ăn mặc của họ (từ trẻ tới già, cả đàn ông lẫn phụ nữ) đều tươm tất, với áo khoác bên ngoài rất lịch sự.

Những người bán vé số dạo ở TP. Đà Lạt lịch sự trong tiếp cận mời chào khách

Ông Phạm Văn An, 65 tuổi, quê huyện Tây Sơn (Bình Định) đến Đà Lạt bán vé số dạo từ năm 2002 chia sẻ, sự lịch sự, văn minh của người Đà Lạt thực ra là có "truyền thống" từ nhiều đời nay. Có lẽ từ những người Pháp đầu tiên đến xây dựng thành phố, những công dân đầu tiên khai phá các thung lũng để tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của Đà Lạt xưa, cho tới những thế hệ gần đây... Ông An kể, vào năm 2006, để thực hiện chương trình nếp sống văn minh đô thị, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành quyết định cấm người ăn xin, bán báo dạo, bán vé số dạo, đánh giày dạo hành nghề, đặc biệt là ở khu trung tâm thành phố. Nhưng ngay sau đó, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của cả cộng đồng xã hội, nên bãi bỏ, những pa nô, băng rôn với dòng chữ phản cảm như: “Hãy nói không với người bán vé số dạo, người đánh giày dạo, người ăn xin” được gỡ xuống. Thay vào quyết định phản cảm ấy là công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong cộng đồng về nếp sống văn minh đô thị để cùng chung tay thực hiện. Từ đó đến nay, ở thành phố du lịch đẹp nhất, quyến rũ nhất nước này những đối tượng yếu thế kể trên đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng với một ý thức chấp hành thật nghiêm, thật lịch sự về nếp sống văn minh đô thị.

“Tính cánh người Đà Lạt trầm lặng, lịch thiệp, đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét. Vì thế mình muốn họ quý, họ thương, họ sẵn sàng mua ủng hộ vài tờ vé số, thì cũng phải có cách giao tiếp thật lịch sự, nhỏ nhẹ trong khi chào mời. Dần dà thói quen ấy, đã trở thành một nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của không chỉ những cư dân được sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, mà của cả những người tạm cư, ngụ cư tới đây hành nghề mưu sinh, trong đó có những người bán vé số dạo” – Ông An chia sẻ

Những người bán vé số dạo ở TP. Đà Lạt lịch sự trong tiếp cận mời chào khách

2 - Ấm áp tình đồng hương nơi đất khách.

Cũng như số phận của bao người hành nghề bán vé số dạo ở các đô thị khác, những người bán vé số dạo ở Đà Lạt cũng đều xuất thân từ hoàn cảnh nghèo (không có vốn liếng, không có việc làm), khuyết tật, sức khỏe yếu, già cả không nơi nương tựa…Trò chuyện với một chị tên Văn Thị Nhung, 45 tuổi, quê xứ Huế tôi được biết phần lớn những người bán vé số dạo ở Đà Lạt đều đến từ các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, còn những người được sinh ra và lớn lên ở TP. Đà Lạt, rất ít người chọn nghề bán vé số dạo để mưu sinh. Chị Nhung cho biết thêm, sở dĩ chị chọn Đà Lạt để hành nghề bán vé số dạo là vì ở đây có nhiều đồng hương lập nghiệp sinh sống từ trước và sau 1975 rất đông. Những người cùng cảnh với chị đến từ các tỉnh như: Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…cũng vậy, người cùng xứ với họ sinh sống ở Đà Lạt không ít, nên hành nghề ở đây họ cảm thấy tự tin vì nhận được sự đồng cảm và chia sẻ nghĩa tình của đồng hương.

Nhiều người chọn những tuyến đường đông người qua lại để bày bàn vé số bán cố định ở vỉa hè

Theo chị, những người dân Đà Lạt chỉ cần nhận ra giọng người cùng xứ thôi là họ đã có cảm tình, thân thiện, cảm thông rồi, nên việc họ mua vài tấm vé số để ủng hộ người đồng hương là chuyện thường ngày. Nhờ vậy mà những người hành nghề vé số dạo vừa có thu nhập khá ổn định vừa ấm lòng nơi đất khách. “Nếu thời tiết không bị ảnh hưởng mưa gió, mỗi ngày tôi chỉ đạp xe theo những tuyến đường gần khu trung tâm của thành phố nơi có nhiều quán cà phê, quán ăn, nhà hàng cũng bán được từ 300 - 350 tờ vé số, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng gần 10 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí ăn uống, ở trọ thì cũng còn dư khoảng 8 triệu đồng để gửi về quê nuôi mẹ già và các con ăn học” – Chị Văn Thị Nhung cho biết.

Tạm biệt Đà Lạt tôi thầm ước giá như những người bán vé số dạo ở bất cứ đâu trên đất nước mình (nhất là những thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Hà Nội…) cũng giữ được hình ảnh thân thiện, cởi mở, lịch sự như nơi đây thì thật dễ thương, thật ấm áp...

Tâm Lương

0