TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Chuyện tình ở “ xóm vé số”

Rời vùng quê vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, có không ít những câu chuyện xúc động về “xóm vé số”. Chính cuộc mưu sinh trên đường phố vốn tiềm ẩn những rủi ro, bất trắc nơi đất khách quê người, nhưng bù đắp lại là tình người, tình đồng hương của những người bán vé số lại thật sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau.

Cũng từ “xóm vé số” ấy, bắt đầu cho một câu chuyện tình đầy cảm động….

Rổ rá cạp lại

Anh Lê Văn Hùng (54 tuổi, quê huyện Hòn Đất, Kiên Giang) tình cờ gặp chị Phạm Thị Mười (45 tuổi, quê huyện Phú Tân, Kiên Giang) khi hai người cùng hành nghề bán vé số dạo và có “duyên” cùng thuê trọ trong một “xóm vé số” ở Sài Gòn.

Câu chuyện tình của anh Hùng, chị Mười khiến không ít người dù có cuộc mưu sinh ổn định, đề huề nhưng cũng phải ghen tỵ. Chị Phạm Thị Mười vui vẻ chia sẻ với chúng tôi. Cơ duyên chị quyết định rời vùng quê Phú Tân, Kiên Giang để lên Sài Gòn lập nghiệp. Đó là lúc ở dưới quê dù có hơn một công đất làm ruộng, nhưng năm được mùa thì chỉ đủ gạo ăn, thiếu thốn tiền cho con ăn học. Có lúc, chị phải đi làm thuê, làm mướn để con cái được đến trường.

Năm 2013, chồng chị đột ngột ngã bệnh qua đời, để có thể trang trải cuộc sống, chị quyết định theo những chị em cùng xứ rời quê lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Người phụ nữ khốn khổ, càng thêm nhiều lo toan khi vừa phải nuôi con ăn học ở trường Cao đẳng Sư phạm An Giang, vừa phụng dưỡng mẹ già đã 75 tuổi.

Ban đầu ở Sài Gòn, để giảm chi phí trong chi tiêu, nhóm chị Mười gồm 7 chị em đều quê huyện Phú Tân và Chợ Mới (An Giang) đã chọn thuê một nhà trọ cấp 4 ở khu vực xa trung tâm với giá rẻ. Đó là một căn phòng khoảng 15 mét vuông trong một con hẻm trên đường Phạm Hùng, thuộc xã Bình Hưng, khu vực giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và quận 8, với giá chỉ 1 triệu đồng/tháng, chia ra mỗi người góp 200.000 đồng/tháng.

Phòng liền kề với nhóm của chị Mười là nhóm đàn ông đến từ Kiên Giang gồm 6 thành viên, người ít tuổi nhất là ông Lê Văn Hùng (53 tuổi, quê huyện Hòn Đất, Kiên Giang) và cao tuổi nhất là ông Lâm Huỳnh An đã thuộc lớp người “thất thập cổ lai hy” 70 tuổi, quê huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Kể về mình, anh Lê Văn Hùng trải lòng: “Trước đây tôi làm thuê cho một chủ mỏ đá ở Hòn Sóc, HònĐất (Kiên Giang) tuy cực nhọc, nguy hiểm, nhưng thu nhập khá cao hơn 10 triệu đồng/ tháng, nuôi được 2 con gái ăn học, giờ chúng đều đã có việc làm ổn định, có gia đình riêng. Sở dĩ tôi phải giải nghệ nghề khai thác đá vốn gắn bó với mình từ thời trai trẻ là bởi một sự cố vào năm 2013…”.

Trầm ngâm giây lát, anh Hùng kể tiếp: Đó là lúc khi đang khai thác đá thì bất ngờ một tảng đá từ trên cao lăn xuống. Vụ tai nạn khiến người bạn của anh bị chết, còn anh may mắn thoát chết, nhưng bị gẫy chân phải, tuy không tàn phế, nhưng bị dị tật và bị ám ảnh mãi cho tới nay.

“Họa vô đơn chí” sau hai năm chạy chữa, tập vật lý trị liệu vừa tập tễnh đi lại được thì người vợ của anh cũng qua đời vì trọng bệnh. Sự ra đi của người vợ khiến anh suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng “đói đầu gối phải bò”,cuối năm 2015 dù chân phải dị tật, sức khỏe kém nhưng anh Hùng vẫn quyết định lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh.

“Thế rồi như có sự sắp đặt của số phận, định mệnh tôi đã gặp Mười ở xóm trọ. Một hôm bất ngờ tôi bị trúng gió, trong khi anh em cùng phòng đều đã đi bán vé số từ sáng sớm, đang lo lắng không biết cậy nhờ ai cạo gió và mua thuốc uống, thì tôi thấy Mười đi ngang qua cửa sổ, đành đánh tiếng nhờ vả.

Mười không chỉ cạo gió, mua thuốc, mua hủ tiếu cho tôi ăn sáng mà còn nhiệt tình bán giùm tôi xấp vé số còn khoảng hơn 200 tờ. Từ đó, chúng tôi càng mến nhau rồi bén duyên nhau, đến với nhau, nương tựa vào nhau cùng chia sẻ, chăm sóc nhau những năm tháng còn lại trên cõi đời, với tôi đó là hạnh phúc trời cho”, anh Hùng xúc động chia sẻ.

Góp gạo thổi cơm chung

Cùng chung hoàn cảnh éo le, cùng mất đi một nửa, vừa phải tha hương mưu sinh, anh Hùng và chị Mười từ hai người hàng xóm nơi đất khách, đã trở thành “một cặp”, cùng câu chuyện tình cảm động.

Người đến trước chỉ dẫn người đến sau, từ việc lấy vé số ở đại lý cho đến những lộ trình tiếp cận khách hàng, cách mời chào sao cho hiệu quả. Hai người cứ thế hỗ trợ, giúp đỡ nhau, chia ngọt sẻ bùi nơi “xóm vé số”. Chính những điều tương đồng về hoàn cảnh, số phận ấy đã khiến họ xích lại gần nhau hơn. Và rồi “lửa gần rơm lâu ngày đã bén”, chị Mười và anh Hùng đã nên duyên vợ chồng vào dịp Tết năm Đinh Dậu (2017).

Hàng ngày anh Hùng và chị Mười cùng các thành viên trong xóm trọ chia thành 4 tốp, với những lộ trình khác nhau để tránh trùng lắp khi mời chào khách. Để tránh những rủi ro bất trắc trên đường phố (như lừa đảo, cướp giật vé số), trong 4 tốp đều có một thành viên là đàn ông đi cùng. Nhóm chị Mười (gồm anh Hùng và 2 thành viên nữ khác) theo lộ trình chính từ đường Phạm Hùng vượt qua cầu Chánh Hưng, cầu Nguyễn Tri Phương rồi tỏa đi các con đường buôn bán sầm uất của quận 5, quận 6 rồi vượt qua cầu chữ Y về quận 8 và khu đô thị Trung Sơn (Bình Chánh).

Dù vậy, chị Mười chia sẻ công việc có vất vả, mệt mỏi vì phải đap xe lòng vòng liên tục mỗi ngày nhưng bù lại thu nhập của các chị khá ổn định. Bình quân thu nhập mỗi người được 4 -5 triệu đồng/tháng cao hơn nhiều so với làm ruộng dưới quê. Hiện thu nhập của hai vợ chồng anh Hùng, chị Mười cộng lại mỗi tháng bình quân được 10 triệu đồng, trừ tiền thuê phòng trọ và ăn uống tằn tiện thì cũng dư được khoảng 4 triệu đồng lận lưng.

Anh Hùng chia sẻ với chúng tôi, mỗi ngày anh đạp xe đi bán vé số từ tờ mờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Sau khi nghỉ ngơi ăn vội bữa cơm chiều xong, anh và chị lại tiếp tục đi bán ở những con đường tập trung nhiều quán nhậu về đêm như Cao Lỗ, Tạ Quang Bửu, Phạm Thế Hiển, Dương Bá Trạc (quận 8) cho tới tận đêm khuya. Cứ thế theo thời gian cặp vợ chồng đã quen việc, quen địa bàn, quen nhiều khách hàng ruột nên thu nhập cũng nhờ đó mà ổn định.

Hai thân phận bén vé số dạo và duyên phận “rổ rá cạp lại” đã viết lên một câu chuyện tình đầy viên mãn, hạnh phúc lúc tuổi xế chiều. Ở “xóm vé số”, câu chuyện của anh Hùng, chị Mười cũng đã giúp nhiều hoàn cảnh éo le, khốn khó khác có thêm động lực để yêu thương, đùm bọc, sẻ chia và quyết trí mưu sinh nơi đất khách quê người.

Tâm Lương