TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Tết của những người bán vé số dạo

Những ngày cuối năm, khi hầu hết những người đi làm ăn xa xứ đều rục rịch trở về quê đón Tết với gia đình, thì ở TP.HCM còn rất nhiều người bán vé số dạo vẫn miệt mài đi khắp hang cùng ngõ hẻm mời mọc khách từng tờ vé số, với hy vọng người mua sẽ nhiều hơn, hào phóng hơn, giúp cho họ có thu nhập nhiều hơn những ngày thường.

Những năm gần đây, vào dịp xuân về Tết đến, các công ty XSKT khu vực miền Nam đều tăng phát hành vé số truyền thống, với 4 kỳ xổ, gồm 1 kỳ trước Tết và 3 kỳ sau Tết. Đây là dịp cho người bán vé số dạo tranh thủ thời gian 3 ngày Tết bán vé số để tăng thêm thu nhập.

Theo kinh nghiệm bán hàng nhiều năm, họ thấy những người mua vé số vào dịp này với tâm lý cầu may, nên thường chi tiền rất mạnh tay, có khi mua cả vài xê- ri với hàng chục tờ trong ngày Tết là chuyện khá phổ biến. Do đó, những người bán vé số dạo, nhất là những người quê ở các tỉnh miền Trung Nam bộ thường không về quê ăn Tết, mặc dù những năm gần đây TP. HCM đều có chương trình hỗ trợ xe và vé xe về quê đón Tết dành cho người bán vé số dạo.

Trò chuyện với tôi, bà Nguyễn Thị Độ, 65 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, tỉnh Phú Yên, hiện trú tại đường Âu Dương Lân, quận 8, cho biết, 10 năm nay cả 3 mẹ con bà đều đón Tết xa quê. Suốt 3 ngày Tết, cả 3 mẹ con đều ăn uống qua quýt ngoài hàng quán, rồi dành thời gian để đi bán vé số kiếm thêm thu nhập. Theo bà Độ, nếu cả 3 mẹ con cùng về quê ăn Tết sẽ tốn tiền triệu, trong khi cơ hội kiếm tiền vào dịp Tết có thể cao gấp 3, thậm gấp 4 lần những ngày thường, nên suy đi tính lại không về vẫn lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, 58 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi chia sẻ, gia đình ông rời làng quê vào TP.HCM từ năm 2008 đến nay cũng chưa một lần về quê ăn Tết. Hàng ngày, ông Tâm đi bán vé số dạo, còn vợ ông 56 tuổi thì bán hàng rong, con gái lớn 20 tuổi học cao đẳng, con trai út 18 tuổi học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3. Ông Tâm nói: “Năm nào cũng vậy, cứ ngày đưa ông Táo về trời là tôi có mặt ở quê để tảo mộ ông bà, cha mẹ cho tươm tất, rồi lại quay vô Thành phố tiếp tục bán vé số suốt trong dịp Tết. Ngày Tết ai cũng cầu mong Thần Tài gõ cửa, nên bán được lắm, chịu khó chút cũng kiếm được một ít, bù vào những tháng mưa gió ế ẩm”.

Bà Lê Thị Ánh, 63 tuổi, quê Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cũng đã có 4 năm ăn Tết nơi xứ người. Bà cho biết, ngày thường mải đi bán từ sáng sớm tới đêm khuya mới trở về phòng trọ, mỏi nhừ đôi chân, mệt lả người, rồi lăn ra ngủ một mạch tới sáng, nên không có cảm giác buồn. Nhưng những ngày giáp Tết, khi thấy chủ nhà bắt đầu quét dọn, trang hoàng nhà cửa, gia đình sum họp, nói cười vui vẻ và ăn uống linh đình, trong khi mình vẫn thui thủi đi bán vé số, mới thật sự thấy chạnh lòng. Nhưng mà, “Nếu mua vé tàu xe, quà cáp về ăn cái Tết ở quê cũng tốn tiền triệu. Số tiền ấy, nếu biết chi tiêu tằn tiện cũng đủ trang trải gần tháng trời, thấy xót ruột, so đi tính lại thấy ở lại đi bán vẫn lợi hơn. Bởi ngày Tết không chỉ người mua vé số nhiều hơn, mà khi gặp những khách hàng quen, nhất là những người từng trúng thưởng khi mua vé số với mình, họ nhớ mặt vừa mua ủng hộ, vừa lì xì mừng tuổi năm mới, nên sau vụ Tết cũng có thêm đôi ba triệu”.

Qua trò chuyện tôi nhận thấy, có nhiều lý do, hoàn cảnh khiến người bán vé số dạo không muốn trở về quê ăn Tết, dù rất nhớ người thân, họ hàng, láng giềng trong cái thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới. Suy cho cùng cũng là vì còn nghèo và vì đồng tiền kiếm được đối với họ thật khó, nên buộc họ phải cân nhắc suy tính, lựa chọn để làm sao vừa tiết kiệm được tiền, vừa tăng thêm thu nhập trong những ngày Tết đến.

Tâm Lương