TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

NGHỆ SĨ VỚI XỔ SỐ KIẾN THIÊT

Từ người nghệ sĩ đầu tiên...

Có lẽ người nghệ sĩ đầu tiên đề cập và gắn bó với Xổ số kiến thiết là “Quái kiệt” Trần Văn Trạch. Ông sinh năm 1924 tại làng Đông Hòa, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Sinh ra trong một dòng tộc nổi tiếng có truyền thống về cổ nhạc và là em ruột của GS.TS Trần Văn Khê nên ngay từ thời niên thiếu Trần Văn Trạch đã rất giỏi về nghề cầm ca. Ông đánh đờn kìm và đờn tỳ bà rất sành lại ca vọng cổ “mùi” không thua gì kép Năm Nghĩa (tức Lư Hòa Nghĩa, chồng bà bầu Thơ, chủ nhân đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga, ông Nghĩa nổi tiếng từ thập niên 1930). Tuy nhiên, dù xuất thân ở môi trường cổ nhạc nhưng Trần Văn Trạch lại thích hát tân nhạc hơn. Ông có một lối hát mộc, đúng giọng miền Nam, phát âm không màu mè nên rất dễ làm xúc động người nghe...

Ông Trần Văn Trạch

Người đầu tiên phát hiện ra kỹ năng “hài hước” trong chất giọng mộc mạc của Trần Văn Trạch là nhạc sĩ Lê Thương (tác giả của 3 bản Hòn vọng phu nổi tiếng). Dạo ấy, Thế chiến thứ 2 vừa mới chấm dứt, nhạc sĩ Lê Thương lấy cảm hứng từ thời cuộc để viết những bản nhạc hài hước dành riêng cho Trần Văn Trạch hát (kiểu “đo ni, đóng tấc”), đó là các bản: Hòa bình 1948 (nhái tiếng bom nổ, súng bắn...), Liên Hiệp Quốc (nhái tiếng Nga, Mỹ, Tàu...), Một bản nhạc khác đã “góp phần” đưa cả ông Lê Thương (người sáng tác) và Trần Văn Trạch (người hát) vào bót Catinat ở mấy ngày cho muỗi đốt là bài Làng báo Sài Gòn (năm 1949)... Một thời gian sau, do thiếu bài bản (mang tính chất hài hước) nên Trần Văn Trạch đã tự mình sáng tác cho mình hát. Ông thường sử dụng âm giai thất cung với những câu nhạc dễ nhớ, được lặp đi lặp lại. Về tiết tấu, ông thường sử dụng nhạc “giựt” (điệu Stwis, Swing...) để tạo sự vui nhộn. Đó là các bản : Anh phu xích lô (1951), Chuyến xe lửa ngày Mùng 5 (1952), Cái Tê-lê-phôn, Cái đồng hồ đeo tay, Anh chàng thất nghiệp, Cây viết máy... Trong số các bản nhạc vui nhộn này, có bài Xổ số kiến thiết quốc gia (1952) là nổi tiếng hơn cả. Bài hát có những ca từ như sau:

Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, xây đắp muôn người, được nên cửa nhà... Tô điểm giang san, qua bao lầm than, ta thề kiến thiết, trong giấc mộng vàng... Triệu phú đến nơi, năm – mười đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi... Mua số quốc gia, giúp đồng bào ta, ấy là thiên chức, của người Việt Nam... Mua số mau lên, xổ số gần đến... Mua số mau lên, xổ số gần đến..”.

Bài hát này được Quái kiệt Trần Văn Trạch hát đều đặn mỗi tuần (vào chiều Thứ ba, trước giờ xổ số) tại rạp Norodom (sau là rạp Quốc Thanh),ròng rã suốt 23 năm...

... đến các nghệ sĩ đương đại:

Cách đây gần 30 năm, vào những buổi trưa chúng tôi thường ngồi tán gẫu bên những ly bia ở Quán Nghệ sĩ (số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3 TP.HCM). Khách ở đây đa phần là những văn nghệ sĩ Sài Gòn, họ ngồi theo nhóm (chơi thân với nhau). Ngoài ra, ở đây còn tập trung một đội quân bán hàng rong và bán vé số khá là hùng hậu. Đã thành thói quen, dân nhậu ở đây thường mua vé số, trước là “lấy hên” cho mình sau là mua tặng bạn bè, mỗi người vài tấm gọi là “thơm thảo” (nếu hên, trúng – dù là giải nhỏ nhất cho đến to nhất, thì đều “vui vẻ cả làng” và tiếp tục...cứ y vậy !).

Có lần NSƯT Thế Hiển gọi điện thông báo với bạn bè (trong đó có người viết) là anh trúng 40 triệu đồng (thời điểm cách đây 10 năm). Trong đời, chẳng dám mơ ước cao xa, chỉ “trúng chừng nớ” đủ để hú hí anh cùng chung vui. Vậy là anh em kéo nhau la cà hết quán này đến quán khác. Vui hết biết!... Cũng từ đội quân bán vé số ở Quán Nghệ sĩ (81 Trần Quốc Thảo) đã tạo cảm hứng cho anh Thế Hiển sáng tác bài Điều có thật:

Nhạc sĩ Thế Hiển

Em bé lang thang bán vé số. Trên phố em qua từng ngày... Trưa hè rát bỏng bàn chân... Bán hết may mắn cho người... Chiều nay quán rượu đông vui. Người vui, vui giữa cơn say. Bàn tay bé bỏng thơ ngây. Xót xa vé số còn đầy... May mắn cho ai trúng vé số. Còn em số phận không may”.

Nhạc sĩ Nguyên Chấn Phong cũng đã sáng tác bài hát “Thằng bé bán vé số”:“Cầm tờ vé số trên tay, em ngược xuôi qua con phố đông người. Hạt mưa rơi làm ướt áo em rồi, vẫn cười tươi chào mời từng người mua. Tuổi học trò em mang kiếp mưu sinh. Phải đành trường xa thầy cô, bạn bè. Cố kiếm tiền mai này được đến lớp... Thằng bán vé số vẫn không bán đi tương lai. Tự nhiên nơi khóe mi giọt nước mắt tuôn trào giấc. Tôi thật lòng xin chúc, số phận không nghiệt ngã, để em có tiền ước mơ đời em và sống tốt giữa phong ba cuộc đời”.

Vào Google, chúng tôi tìm được 19 bài hát có liên quan đến “tờ vé số”. Đó là các tác phẩm: Xấp vé số chiều mưa (của Nguyễn Hoài Anh), Mồ côi (Thành Công), Vé số (Minh Vy), Vé số chiều (Tuấn Khương), Đứa bé mồ côi (Tường Quân), Những đứa trẻ đường phố (Khánh Đơn), Ước mơ cho một ngày mai (MTV Band), Mùa xuân trao yêu thương (Tô Vũ Hoàng), Ba ơi, đừng nhậu nữa (Trường Nguyên), Tối nay con ngủ đâu (?), Thấy tết lớn-mừng tết lớn (?), Ba nén hương trầm (?), Nhà con ở đâu ? (?), Người mù (?)...

Nhìn chung, các tác giả (nhạc sĩ) đương đại đều tập trung khai thác vào hoàn cảnh của những người bán vé số mà phần đông thuộc tầng lớp lao động, nghèo khổ, những mảnh đời bất hạnh. Đồng thời các tác giả cũng có chung tâm trạng chia sẻ những khó khăn mà người bán vé số gặp phải trong cuộc sống và mong ước một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai cho những người đang phải “chịu thương, chịu khó” mỗi ngày để “đem bán may mắn” cho người khác.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì phải nhìn nhận: Đội ngũ anh chị em bán vé số chính là “cánh tay nối dài” của các Công ty Xổ số khắp các tỉnh thành để đưa “tờ vé số may mắn” đến với những người “hữu duyên”. Đó là 2 chủ thể “tương tác” lẫn nhau và không thể thiếu.

Hy vọng rằng, một nămQuý Mão đầy an vui và nhiều may mắn đến với các Công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam,các văn nghệ sĩ, đội ngũ đại lý và anh chị em bán vé số khắp mọi miền đất nước.

Thiên Khang