Nhọc nhằn vé số dạo mùa khô nắng nóng
Ở khu vực Nam bộ nói chung và TP. HCM nói riêng, mùa khô nắng nóng kéo dài từ tháng 11 dương lịch (DL) năm trước tới hết tháng 4 DL năm sau, trong đó từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4 DL là cao điểm của mùa khô nắng nóng, với nhiệt độ thường xuyên từ 36 – 38 độ C. Đây là mùa gây ra nhiều khó khăn, bất lợi cho những người nghề bán vé số dạo, nhất là những người già, những người sức khỏe yếu.
Thà dầm mưa còn hơn dãi nắng.
Đã hành nghề bán vé số dạo mưu sinh, ai cũng đều xác định dù nắng hay mưa vẫn phải rong ruổi trên từng cây số mới có thể chào mời được khách mua vé số. Mỗi mùa đều có những khó khăn, bất lợi riêng, bởi họ đa số là những người già, những người khuyết tật hay sức khỏe suy yếu dễ bị bệnh khi gặp phải thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa lạnh. Năm nay từ giữa tháng 2/ 2023 ở TP. HCM thời tiết đã bắt đầu nắng nóng, với nhiệt độ ngoài trời tăng cao từ 37 – 38 độc C. Trời nắng nóng từ sáng tới chiều, trong khi nhiều người sống trong ngôi nhà có máy lạnh mát rượi, hay thư giãn ở những quán ăn, quán nhậu, quán cà phê thật thanh thản và lãng mạn, thì những người bán vé số dạo vẫn phải tất bật mưu sinh trên đường phố dưới cái nắng chang chang nóng bức.
Mùa khô nắng nóng, nhiều người thường dựng ô, kê bàn ở vỉa hè để bán vé số tuy tiêu thụ được ít hơn đi bán dạo, nhưng đỡ mệt nhọc
Một buổi trưa đang thời điểm nắng gắt, ngồi trong một quán nhậu ở ngã tư đường đường Âu Dương Lân và Tạ Quang Bửu, phường 2, quận 8, tôi bắt gặp một cụ bà tầm 70 tuổi vẻ rất mệt mỏi bước vào. Nhìn tấm thân già nua áo ướt đẫm mồ hôi với đôi tay gầy guộc cầm xấp vé số run run của bà cụ, tôi không khỏi chạnh lòng. Sau khi mua giúp bà 2 tờ vé số, tôi bắt chuyện thì được bà cho biết tên Phạm Thị Tám, 74 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre lên TP. HCM bán vé số từ năm 2007. Bà nói: “Hành nghề bán vé số, tuổi già như tôi thì mùa mưa hay mùa khô cũng đều cực. Mùa mưa, nhất là khi những cơn mưa bất chợt ập xuống vào buổi chiều, không chỉ phấp phỏng lo ế vé vì vắng khách, mà còn sợ nhất là đường xá ngập lụt, xe cộ tắc nghẽ, không cách nào đi tới đại lý để trả lại số vé dư theo đúng giờ quy định, đành phải ôm luôn coi như cả ngày ấy, thậm chí cả những ngày sau đó đều công cốc. Nhưng tôi có tiền sử bệnh cao huyết áp và tim mạch, nên việc lội bộ dầm mưa đi bán vé số vẫn không đáng ngại, thà dầm mưa còn hơn dãi nắng, huyết áp tăng cao rất sợ đột quỵ, đổ bệnh nằm một chỗ thì khốn khổ. Bạn tôi có mấy bà từng bị rồi, giờ có người nằm một chỗ, có người ngồi xe lăn”. Lời bộc bạch của bà Tám gợi cho tôi những hình ảnh mà tôi thường bắt gặp vào những ngày nắng nóng, trên những con đường không một bóng cây che mát là những đôi chân của người bán vé số vẫn lầm lũi kiên nhẫn bước tới những quán ăn, quán nhậu, quán cà phê… với hy vọng xấp vé số trên tay vơi bớt dần càng sớm càng tốt. Nhiều phụ nữ, ngoài đeo khẩu trang còn dùng khăn che kín mặt, chỉ chừa đôi mắt để nhìn trông giống như một ninja trên đường phố.
Lang thang trong nắng đếm bước thời gian
Chị Trần Ngọc Cẩm, 40 tuổi, quê huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) rời quê nhà lên TP. HCM bán vé số từ năm 2013 đến nay đã tròn 10 năm. Chị Cẩm vốn bị dị tật bẩm sinh ở chân trái, bước đi tập tễnh, nên không làm được những công việc nặng nhọc ở nông thôn. Tuy bị dị tật chân, nhưng bù lại chị Cẩm lại được trời phú cho một gương mặt ưa nhìn, phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ trong trẻo ấm áp. Chị Cẩm gây ấn tượng mạnh với tôi ngay từ lần gặp đều tiên, đó là vào tầm 3 giờ chiều cuối tháng 2 vừa rồi ở một quán nhậu trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP. HCM. Hôm ấy là một ngày nắng nóng, chị bước tập tễnh vào quán, người ướt đẫm mồ hôi và với chất giọng Nam bộ vùng miệt Thứ (Kiên Giang) chân chất dễ thương, chị mời những thực khách trong quán nhậu mua vé bằng cách ngâm nga những ca từ của ca khúc “Xấp vé số chiều nay” (không rõ tên tác giả) nghe thật cám cảnh, xúc động. “Xấp vé số vẫn dày, trên đôi tay hao gầy/ Em lang thang trong nắng đếm bước thời gian/ Những ánh mắt hững hờ, quay nhanh đi không ngoái nhìn/ Xin ai mua dùm em ?/ Ai mua dùm em cho vơi bớt âu lo/ Cuộc đời thật quá mênh mông/ Đôi chân em tật nguyền/ Biết em có tìm được chút ánh sáng cho đời em/ Ngoài trời nắng chang chang/Áo em đẫm mồ hôi/ Xấp vé số còn dày/ Những nhọc nhằn nặng trĩu đôi chân”.
Hầu hết những người phụ nữ bán vé số dạo mùa khô nắng nóng đều bịt kít mặt trông giống như những ninja trên đường phố
Khi chị Cẩm đọc xong đoạn ca từ trên, không chỉ tôi mà dường như ai trong quán nhậu hôm ấy cũng lặng người đi. Sau đó là đồng loạt những cánh tay giơ lên từ các bàn nhậu, với những giọng nói đầy xúc động “chị chọn tôi vài tờ vé số”. Dù không mấy mặn mà với trò chơi vé số, nhưng hôm ấy tôi cũng hào phóng mua liền 5 tờ, loáng cái xấp vé số trên tay chị trong chiều hôm ấy đã hết. Không nhìn được gương mặt chị (che khăn kín mặt), nhưng qua đôi mắt toát lên niềm vui và xúc động, tôi biết chị rất mừng vì sắp tới giờ mở thưởng, không còn vé dư. Qua trò chuyện tôi được biết, mỗi ngày chị Cẩm bán được từ 250 - 300 vé, ít khi bị ế. Hàng tháng trừ mọi chi phí cho bản thân, chị còn gửi về quê được hơn 4 triệu đồng phụ với chồng nuôi hai con ăn học. “Mùa khô nắng nóng, phải di chuyển gần như liên tục trên đường với người khuyết tật như tôi thật cực nhọc, lúc nào người cũng ướt đẫm mồ hôi, thậm chí có người xây xẩm mặt mày, vì say nắng. Nhưng mùa khô, quán bia, quán cà phê, giải khát thường rất đông khách, nên cũng là cơ hội tốt để chào mời tiêu thụ vé được nhiều hơn” – Chị Cẩm chia sẻ.
Người khuyết tật di chuyển trên xe lăn bán vé số mùa khô nắng nóng.
Tâm Lương