TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Vé số dạo ở miền quê

Ở khu vực miền Tây Nam bộ, số người bán vé số dạo ngày càng gia tăng, trẻ hóa và không chỉ hành nghề ở các thị xã, thành phố mà còn ở cả các phố huyện, thôn quê.

Những người bán vé số ở miền quê, phố huyện (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Bán vé số dạo mưu sinh từ lâu đã thực sự là một trong những “cần câu cơm” của người nghèo ở các vùng thôn quê. Đa phần những người bán vé số dạo hiện nay chủ yếu xuất thân từ những làng quê nghèo. Nhiều người trong số họ vì thiếu đất sản xuất, không có tay nghề, không có vốn làm ăn, nên đã rời làng quê lên các đô thị để mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Đó thường là những người tuổi tác chưa cao lắm, còn sức khỏe, không bị tàn tật nặng, có người trông giữ nhà nên có điều kiện để đi xa. Nhưng cũng có không ít người do hoàn cảnh, do điều kiện sức khỏe không cho phép, do không ai chăm lo ruộng vườn nhà cửa, nên họ đành chấp nhận hành nghề bán vé số dạo quanh quẩn ở vùng thôn quê hoặc đi xa nhất là các thị trấn phố huyện. Để đỡ tốn khoản chi phí nghỉ trọ, nhiều người mỗi ngày chỉ tranh thủ thời gian bán vé số từ sáng sớm tới trước 4 giờ chiều, rồi lại theo các chuyến xe buýt, hoặc xe lam trở về nhà. Ngày này qua tháng nọ, dù trời mưa, hay nắng thì cuộc bươn chải mưu sinh của họ như đã được lập trình không thay đổi (trừ khi bị đau bệnh).

Ông Lâm Hoàng Hà, 70 tuổi, quê ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, qua hơn 10 năm gắn bó với nghề bán vé số dạo ông nhận ra rằng bán vé số ở vùng thôn quê và phố huyện tuy số lượng tiêu thụ vé có ít hơn ở các thị xã, thành phố lớn, nhưng lại tiết kiệm được khoản tiền ở trọ. Nên theo ông Lâm Hoàng Hà, nếu tính chi ly ra thì những người bán vé số ở vùng thôn quê, phố huyện vẫn có thu nhập và cuộc sống ổn định. Bởi lẽ riêng khoản tiền thuê phòng trọ (giá rẻ nhất, ở đông người) mỗi tháng cũng phải mất vài trăm ngàn đồng, tính ra một năm cũng vài triệu đồng. Một khoản tiền như thế ở thôn quê mua sắm được nhiều thứ và không phải ai cũng dễ dàng kiếm được. “ Vì hoàn cảnh phải chăm sóc bà vợ bị tai nạn liệt nửa người, nên tôi đành bán vé số ở quê. Mỗi ngày tôi bắt đầu ra khỏi nhà từ 6 h 30, đạp xe lòng vòng qua các thôn ấp rồi ra chợ trung tâm xã Tân Đông, điểm cuối của hành trình là tới thị trấn Tân Hòa, tới 4 h chiều thì từ thị trấn Tân Hòa trở về nhà. Hành trình này hơn 10 năm nay vẫn thế không thay đổi, nên cũng có khá nhiều khách hàng quen biết mua vé ủng hộ, thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 250.000 đồng, chỉ tốn mỗi một bữa trưa từ 15.000 đ – 20.000 đ (tùy bữa) ở ngoài thị trấn Tân Hòa. Nhờ vậy mà tôi không chỉ lo cho vợ chữa bệnh, cho con ăn học mà giờ còn phụ thêm cho con gái nuôi cháu hai cháu ngoại còn nhỏ” – Ông Lâm Hoàng Hà chia sẻ.

Thu nhập cao và ổn định hơn làm mướn.

Bà Trương Thị Mười, 65 tuổi, quê xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cũng là một người có thâm niên hơn 10 năm hành nghề bán vé số dạo ở thôn quê và phố huyện thị trấn Vĩnh Bình. Theo bà Trương Thị Mười, bán vé số ở thôn quê dù thu nhận thấp hơn những người “đồng nghiệp” ở các thành phố lớn. Nhưng vẫn ổn định và thu nhập cũng cao hơn làm thuê, làm mướn ở quê. Nếu biết chào mời khéo, tạo được mối quan hệ tốt, gặp tháng có nhiều đám (đám thôi nôi, đám ăn hỏi, đám cưới, đám giỗ, thậm chí đám hiếu hay chỉ đám ăn nhậu bình thường) thì lượng vé tiêu thụ cũng không kém ở thành phố lớn. Hiện nay cuộc sống ở các vùng thôn quê của huyện Gò Công Tây nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung đã được nâng cao, từ các thôn ấp đến các khu phố của thị trấn đều có quán ăn, quán nhậu, quán cà phê…nên cơ hội mời chào khánh mua vé số cũng rất thuận tiện cho người bán vé số dạo. Chính vì thế, những năm gần đây, do không có điều kiện đi xa tới những thành phố lớn như TP. Mỹ Tho, TP. Cần Thơ, TP. HCM mà nhiều người hành nghề bán vé số dạo đã kiên nhẫn bán trụ ở vùng thôn quê hay phố huyện, nhưng vẫn có thu nhập và cuộc sống ổn định.

Những người bán vé số ở miền quê, phố huyện (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Bà Trương Thị Mười kể: “Người miền Tây Nam Bộ có thói quen đi đám, nhất là đám giỗ hay đám tang (hiếu) rất hay mua vé số vì tin vào sự phù hộ độ trì của người đã khuất. Ngày nào đi bán vé số mà gặp những đám này thì coi như “cháy vé” sớm. Không biết có sự linh thiêng hay không, nhưng hơn 10 năm hành nghề, tôi đã vài lần chứng kiến có người trúng số khi mua ở đám giỗ, đám hiếu (tuy không lớn). Nhưng cứ một đồn mười, mười đồn trăm…riết rồi thành một quan niệm về tâm linh khiến nhiều người khi đi đám giỗ, đám hiếu rất hay mua vé số, thấy có người bán vé số là họ mừng lắm, sẵn sàng mua từ 5 – 10 tờ, thậm chí cả lốc. Do hành nghề lâu năm, do quan hệ quen biết, nên tôi nhớ rất nhiều ngày giỗ của rất nhiều người trong vùng, khi tới ngày giỗ đó tôi bao giờ cũng lấy số lượng vé nhiều hơn ngày thường khoảng từ 100 – 150 tờ, nhưng đều bán hết. Nhờ đó mà mỗi tháng bình quân tôi cũng có thu nhập từ 6 triệu đồng – 7 triệu đồng, không những đủ trang trải cuộc sống bản thân, mà còn phụ giúp cho con trai và con dâu nuôi cháu ăn học”.

Ông Phạm Huy Ngọc, 73 tuổi quê xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa (Long An) cho biết: “Tui bắt đầu đi bán vé số từ năm 2013 tới giờ, từng nhiều năm bán ở các quận trung tâm thành phố. Mấy năm trước còn khỏe, những ngày lễ, Tết tui còn đi tới tận đền Bến Dược (Củ Chi) để bán, dịp ấy đông khách, có ngày kiếm được vài ba trăm tiền lời. Giờ già cả, đạp xe đi xa không nổi nữa, nên chỉ quanh quẩn ở khu vực phố huyện thôi. Có lẽ đây là điểm dừng chân cuối cùng rồi, không thể đi đâu hơn ở đây nữa. Mỗi ngày túc tắc cũng được hơn trăm tờ, đủ trang trải cho bản thân, không phải nhờ vả con cái là may rồi, vì ở quê chúng nó làm nông cũng nghèo quá’’. Theo ông, hầu hết những người nghèo từ miền Bắc, miền Trung, hay miền Tây Nam bộ khi dấn bước vào nghề bán vé số mưu sinh, đều tìm tới những quận trung tâm của TP. HCM , nên càng ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt hơn. Trong khi, những quán nhậu, quán ăn, quán cà phê, khu vui chơi giải trí ở các xã, phố huyện đang ngày càng đua nhau mọc lên, thu hút một lượng khách rất lớn, đó chính là cơ hội tiềm năng cho người bán vé số dạo ở vùng thôn quê, phố huyện.

Những người bán vé số ở miền quê, phố huyện (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Tâm Lương