TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Bán vé số dạo - cứu cánh của người lao động thất nghiệp

Bình Dương là nơi thu hút số lượng lớn người lao động đến từ các địa phương trong cả nước đến làm việc tại các khu công nghiệp. Gần đây, do tình hình việc làm ở nhiều nơi khó khăn, hàng chục ngàn lao động phải giãn việc, thậm chí bị cho nghỉ việc, đời sống hết sức chật vật. Nhiều người đã tìm đến "nghề" bán vé số dạo như một "cứu cánh"...

“Đói đầu gối phải bò”

Mất việc luôn là một "bi kịch" đối với mọi người. Nhất là với lực lượng lao động phổ thông, "mồ hôi ráo thì cũng... hết tiền", bị mất việc khiến gia đình hàng chục ngàn người rơi vào cảnh đói ăn, thiếu mặc. Nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Qúy Mão (2023) đang tới gần, cảnh hàng chục ngàn người buộc phải rời nhà máy vì thiếu việc làm thực sự là một điều hết sức xót xa.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng và 240.000 lao động phải giảm giờ làm, giảm thu nhập. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất tính đến tháng 9/2022 đã có 70.000 người. Trong số đó, người lao động ở khối dệt may, da giày và sản xuất đồ gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất, đa phần là nữ.

Người lao động bị mất việc làm ở các khu công nghiệp Bình Dương nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp

Mất việc làm, không có tích lũy, không có vốn để xoay xở buôn bán, nhiều người đã phải "hồi hương" dù biết rằng việc làm ở quê nhà là bấp bênh, thu nhập thấp. Một số người "may mắn" hơn tìm được các công việc bán thời gian như phụ bán quán, giúp việc nhà - dù công việc không ổn định, tính chất công việc khá nặng nhọc nhưng đổi lại, họ vẫn có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống.

Trong bối cảnh không nhiều lựa chọn, nhiều người đã tìm đến "nghề" bán vé số dạo. Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo một số người hành nghề bán vé số dạo ở Bình Dương cho biết, trong vòng hai tháng trở lại đây, số lượng người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tăng đáng kể.

Những người phụ nữ đang bán vé số dạo, có người từng là công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương

"Làm việc gì chính đáng để có đồng tiền nuôi sống bản thân và gia đình đều đáng quý. Tôi nghĩ đi bán vé số dạo cũng chẳng khác những công việc khác. Ít nhất, công việc này cũng giúp tôi và gia đình vượt qua thời khắc khó khăn này" - chị Lê Thị Hồng, 38 tuổi, quê huyện Long Phú (Sóc Trăng), người từng có thâm niên 9 năm làm công nhân ở Bình Dương, vừa bị mất việc, chia sẻ.

"Cứu cánh" cho người thất nghiệp

Chị Hồng làm công nhân cho một doanh nghiệp dệt may ở Khu công nghiệp Khánh Bình. Những năm qua, dù với mức lương chỉ 6 triệu đồng/tháng, chị vẫn cố gắng chi tiêu tằn tiện để gia đình 3 người có cuộc sống khá ổn định. Nhưng gần đây, nhà máy thiếu việc làm nên chị cùng hàng trăm đồng nghiệp khác bị sa thải.

Sau một tháng đi tìm việc, kể cả chấp nhận làm phụ hồ mà vẫn không có nơi nào nhận, cuối cùng chị và một số bạn nữ khác quyết định gia nhập vào đội quân bán vé số dạo.

“Khi mới vào nghề, những ngày đầu nhận xấp vé số 200 tờ từ một đại lý cấp 2 đi mời mọc khách từ quán cà phê, quán ăn, quán nhậu, cũng rất ái ngại, mắc cỡ, mặc cảm, tủi thân nhưng được chị chủ đại lý an ủi động viên, nên dần dần cũng quen. Đây là nghề tự do, ít vốn liếng (thậm chí không cần có vốn, vì được các chủ đại lý cho trả sau), không bị áp lực về thời gian, tuổi tác, tay nghề, sức khỏe. Những người bán dạo vé số, nếu khéo mời mọc, tạo được thiện cảm và uy tín với nhiều khách ruột, có thể bán được từ 400 – 450 tờ vé số/ ngày, có lời 1000 đồng/tờ vé, trừ tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt cũng tiết kiệm được khoảng 6 triệu – 6,5 triệu đồng/ tháng, so với ở quê đây là số tiền lớn. Với tôi đúng là trong cái rủi lại có cái may. Tuy mất việc làm ở doanh nghiệp, nhưng lại may mắn có thu nhập nhờ bán vé số dạo. Nghề bán vé số dạo tuy có vất vả hơn làm công nhân, nhưng thu nhập tính ra cao hơn nhiều so với lương công nhân, nên hiện tôi cảm thấy bằng lòng với nghề này”, chị Lê Thị Hồng chia sẻ.

Những người phụ nữ đang bán vé số dạo, có người từng là công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương

Qua tìm hiểu cúng tôi nhận thấy rất nhiều người lao động (cả nữ và nam) sau khi mất việc làm đã chuyển sang hành nghề bán vé số dạo như giải pháp giải quyết khó khăn tạm thời. Nhưng, sau một thời gian hành nghề thấy có thu nhập ổn định, không thua kém gì lương công nhân, lại tự do về giờ giấc (tuy có hơi cực vì phải di chuyển nhiều ngoài đường phố), nên nhiều người đã tính đến chuyện gắn bó lâu dài với nghề.

Chị Thạch Thị Mơ, quê huyện Cầu Kè (Trà Vinh) từng là công nhân có thâm niên hơn 10 năm làm ở công ty giày da xuất khẩu khu công nghiệp Sóng Thần là một trong những người như thế.

Theo chị Mơ, tình hình việc làm khó khăn chưa biết khi nào mới được cải thiện. trong khi đi bán vé số dù mới "nhập môn" nhưng đã dần quen việc, có cả “khách ruột”, nên thu nhập khá ổn định, với mức bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn dư vài ba triệu gửi về quê cho chồng lo các con ăn học. “Nếu về quê với hai công đất vừa trồng lúa, vừa trồng màu và nuôi thêm đôi bò, khéo xoay xở lắm cũng chỉ đủ ăn, không dư mà lại rất cực. Hơn hai tháng đi bán vé số dạo với các chị em cùng cảnh mất việc làm, thu nhập ổn định và tăng dần tôi rất vui và quyết định gắn bó với nghề luôn” - chị Mơ chia sẻ.

Những người phụ nữ đang bán vé số dạo, có người từng là công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương

Với nhiều lao động thất nghiệp, nghề bán vé số dạo đã trở thành một chỗ dựa - không chỉ giúp họ vượt qua thời khắc đầy khó khăn mà còn có thể trở thành một công việc ổn định, lâu dài. Họ đến với "nghề" này trong "thế chẳng đặng đừng", nhưng không ít người đã tìm thấy trong công việc bình dị hằng ngày của mình nhiều điều để thương, để nhớ...

Tâm Lương

0