TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Xóm vé số lại tất bật sau Tết

Giống như mọi năm, từ ngày mùng 6 Tết Kỷ Hợi những người bán vé số dạo ở nhiều xóm vé số của khu vực các quận: 1, 3 và 5 (TP.HCM)… lại bắt đầu tất bật hành nghề trên từng đường phố.

Những thành viên của xóm vé số

Nằm sâu trong con hẻm trên đường Kỳ Đồng, quận 3, xóm vé số Quảng Ngãi xuất hiện từ hơn 20 năm nay, với số lượng cư dân ước tính lên tới khoảng hơn 50 người, chủ yếu đến từ các huyện nghèo như: Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà.

Trò chuyện với tôi sau những ngày về quê đoàn tụ gia đình ăn Tết Kỷ Hợi, ông Đặng Văn Ánh, 70 tuổi, quê huyện Trà Bồng cho biết, ông là một trong số 5 người cùng quê đầu tiên thuê phòng trọ ở đây để hành nghề bán vé số dạo từ năm 1997.

Khi mới chân ướt chân ráo vào TP.HCM, nhóm của ông (gồm 5 người) chung tiền thuê ngay một căn nhà cấp 4 để ở. Thấy nghề bán vé số dạo phù hợp với những người nghèo, nên sau khi đã ổn định chỗ ở và công việc, ông về quê động viên một số bà con dòng họ và vài người hàng xóm cùng vào TP.HCM đi bán vé số mưu sinh. Người vào trước kéo theo người vào sau, người vào sau rủ thêm người vào sau nữa, cứ thế chỉ một vài năm số cư dân xóm vé số này đã lên tới vài chục người.

Bữa cơm đạm bạc của những thành viên xóm vé số

Hiện nay, sau hơn 20 năm hành nghề và tích cóp được ít vốn liếng, ông đã đứng ra thuê hẳn 2 căn nhà liền kề, với giá mỗi căn là 7 triệu đồng (cả điện, nước) cho hơn 50 người đồng hương Quảng Ngãi cùng ăn ở (tính ra mỗi thành viên chỉ tốn khoảng gần 300.000 đ/người/tháng).

Hàng ngày, vợ ông là người lo cơm nước cho hơn 50 người đăng ký ăn cơm tháng tại nhà trọ. Công việc của ông Ánh từ 10 năm nay là làm đại lý cấp 2, nhận vé số từ đại lý cấp 1 về phân phối lại cho bà con bằng hình thức đầy tinh thần tương thân, tương ái. Đó là tất cả mọi người đều được ông Ánh tạo điều kiện cho đăng ký lấy vé số đi bán trước rồi thanh toán sau.

Những thành viên xóm vé số tất bật hành nghề trên phố.

Ông Ánh chia sẻ, chúng tôi vốn là những nông dân, xuất thân từ những làng quê nghèo, nên ai cũng giỏi bươn chải, kiên nhẫn chịu đựng, miễn là kiếm được tiền bằng nghề lương thiện. Chúng tôi lội bộ hàng chục km khắp ngõ ngách, đường phố từ quận 3, quận 1, sang quận 5, quận 6, thậm chí có người xuống tới huyện Bình Chánh để mời chào khách mua từng tờ vé số là chuyện thường ngày.

Bà Võ Thị Hồng, 55 tuổi, quê Tây Trà cho biết: “Nhờ ông Ánh giúp cho chỗ ăn ở, lấy vé số thiếu để đi bán, nên suốt 6 năm qua, tôi có tiền gửi về quê nuôi 2 con ăn học. Hiện con gái đầu đang học năm cuối Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi, còn con trai út đang học năm thứ nhất Trường Đại học Phạm Văn Đồng”.

Những thành viên xóm vé số tất bật hành nghề trên phố.

Hỏi về chuyện ăn Tết Kỷ Hợi vừa qua, bà Cao Thị Phượng, 58 tuổi, quê Trà Bồng bộc bạch: “Những năm gần đây, bắt đầu từ 28 tháng Chạp, mọi thành viên trong 2 căn nhà trọ đều về quê ăn Tết cùng gia đình. Tết quê tuy đơn giản, nhưng cũng đầy đủ, tươm tất, cái chính là sau một năm làm lụng kiếm tiền nơi đất khách, được trở về sum vầy gia đình, bày mâm cỗ, thắp nhang bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết là thấy rất vui vẻ và ấm lòng. Nhưng đã thành thông lệ của xóm, cứ đúng ngày mùng 5 Tết, tất cả đều có mặt đầy đủ, để sáng sớm mùng 6 Tết, sau khi ông Ánh cúng khai trương đại lý vé số xong, thì mọi người lần lượt nhận vé số rồi tất bật tỏa ra mọi ngả đường bắt đầu cuộc mưu sinh, với hy vọng một năm mới đầy may mắn, đắc thời, đắc lộc, đắc tài…”.

Trang Lương