TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Một ngày ở xóm vé số Khmer

Quận 8, Sài Gòn (TP. HCM) từ lâu là nơi sinh sống của nhiều người Khmer họ chủ yếu đến từ các tỉnh tỉnh miền Tây: Trà Vinh, Sóc Trăng và An Giang. Hàng ngày, những người Khmer (cả nữ giới và nam giới) nơi đây chủ yếu sống bằng các nghề lao động phổ thông như giúp việc nhà, công nhân vệ sinh môi trường, thợ hồ, buôn bán hàng rong và bán vé số dạo…Trong đó, bán vé số dạo được nhiều người lựa chọn và hành nghề từ hàng chục năm qua, nên người dân thường gọi là “xóm vé số Khmer”.

Vất vả đi sớm về khuya

Ở Sài Gòn (TP. HCM) đồng bào Khmer sống tập trung nhiều ở khu vực vùng ven và ngoại thành như: Bình Chánh, Bình Tân, quận 8…Tại địa bàn quận 8, đồng bào Khmer không sống tập trung theo phum, sóc như ở dưới miền Tây Nam Bộ mà ở xen kẽ với người Hoa, Kinh, Chăm. Do người Khmer, nhất là nhóm người Khmer nghèo có trình độ học vấn và chuyên môn tay nghề khiêm tốn (không cao) nên họ chủ yếu mưu sinh bằng những nghề lao động phổ thông. Trong đó, bán vé số dạo là một trong những nghề mưu sinh mà nhóm người Khmer nghèo lựa chọn khá đông. Theo một số người Khmer nghèo, do không có tiền làm vốn để buôn bán, kể cả buôn bán hàng tạp hóa nhỏ, hàng rong trên đường phố, nên bán vé số dạo đã thu hút họ lựa chọn nhiều hơn những nghề khác. Bởi chỉ có hành nghề bán vé số dạo là không cần vốn đầu tư, cứ có chứng minh nhân dân (căn cước công dân hiện nay) đầy đủ là có thể đăng ký với các đại lý cấp 2, 3 lấy vé số thiếu gối đầu, cuối ngày thanh toán, nếu vé cũ không bán hết thì trả lại, lấy vé mới theo đúng giờ quy định.

Người phụ nữ Khmer đang mời chào khách mua vé số ở khu Chợ Miên (Lê Hồng Phong, quận 10)

Bà Thạch Thị Son, 50 tuổi, nhà ở phường 2, quận 8 cho biết, quê gốc của bà thời ông nội vốn ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), nhưng do ở quê nghèo, thiếu đất làm nông, lại chiến tranh bất ổn nên đã phiêu bạt lên Sài Gòn sinh sống từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bà lớn lên ở quận 8, do không được học hành nhiều, chỉ thoát mù chữ, khi lập gia đình, bên bố mẹ chồng cũng nghèo, chồng làm thợ hồ thu nhập cũng không cao, nên bà đã chọn nghề bán vé số để mưu sinh từ 30 năm nay. Theo bà, so với nghề giúp việc gia đình, thì bán vé số dạo thu nhập thiếu ổn định (ngày cao, ngày thấp), nhưng lại tự do thoải mái hơn về thời gian, nếu chịu khó thức khuya và dậy sớm để đi mời chào khách mỗi ngày thì thu nhập cũng được từ 250.000 đ – 350.000 đ (thậm chí người bán lâu năm có nhiều khách ruột, thu nhập 400.000 đ/ngày).

“Tôi thường thức dậy vào tầm 5 giờ sáng, sau khi làm một số việc như dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa sáng, pha cà phê cho chồng, thì 6 giờ sáng là ra khỏi nhà bắt đầu một ngày bán vé số dạo và chỉ trở về nhà khoảng 11 h khuya khi các quán ăn, quán nhậu đã đóng cửa. Đây cũng là nghề đi sớm, về khuya, bởi từ sáng tới tầm hơn 3 giờ chiều là lo bán hết số vé trong ngày, còn từ 5 h chiều bắt đầu bán vé của ngày hôm sau. Nhóm chúng tôi có hơn 10 người chủ yếu là phụ nữ (tuổi tác khác nhau, cao nhất là 68 tuổi, trẻ nhất mới ngoài 20 tuổi), chọn địa bàn hành nghề ở các tuyến đường khu vực quận 8 và khu Chợ Miên, hay còn gọi là Chợ Nam Vang, Chợ Cămphuchia thuộc hẻm 374/51 đường Lê Hồng Phong, quận 10. Đây là khu chợ quần tụ sinh sống và buôn bán sầm uất, hình thành khoảng hơn 20 năm nay của những người gốc Cămpuchia và những người Việt kiều hồi hương sau biến cố của chính quyền Lon Non (1970). Đều là người gốc gác Cămpuchia, hoặc người Việt nhưng từng sinh sống lâu đời ở Cămpuchia và nói tiếng Khmer, nên việc giao tiếp mời chào khách rất thuận lợi, dễ đồng cảm. Chính vì thế, bán vé số ở đây không phải mời chào nhiều, cứ tới các sạp hàng là các ông, các bà tiểu thương ai cũng mua vài ba tờ, như một cách ủng hộ cho đồng bào của mình một cách thiết thực nhất. Nhờ đó mà nhóm chúng tôi không ngày bị dư vé, thu nhập ổ định, mỗi tháng mỗi người cũng kiếm được từ 300.000 đ – 350.000 đồng tiền lời” – Bà Thạch Thị Son chia sẻ.

: Những người phụ nữ Khmer đang mời chào khách mua vé ở các quán nhậu bình dân khu vực quận 8

Hoàn cảnh “ba không”

Cư dân “xóm vé số Khmer”, ngoài những người sinh sống từ lâu, có hộ khẩu thường trú thì cũng có không ít người mới rời bản quán ở các tỉnh như: Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng lên ngụ cư khoảng hơn 10 năm nay. Những người ngụ cư đều là thuộc diện nghèo và có chung một hoàn cảnh “3 không”: Không có tay nghề, không có việc làm, không có vốn làm ăn. Trong số họ, có những người đàn ông khỏe mạnh, nhưng vì không có tay nghề, nên không thể kiếm được việc làm, đành chấp nhận đi bán vé số dạo mưu sinh. Trường hợp của ông Danh Thành Lâm, 50 tuổi, quê huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) là một ví dụ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Danh Thành Lâm cho biết, gia đình ông thuộc hộ Khmer nghèo, nên năm 2010 được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kiên Giang hỗ trợ xây một căn nhà Đại đoàn kết. Nhờ vậy nhà ở coi như ổn định, nhưng lại thiếu đất sản xuất, không có vốn làm kinh tế gia đình, nên cái nghèo vẫn còn đeo bám mãi. Sau nhiều đêm trăn trở suy tính, đầu năm 2013 tôi quyết định theo một số anh em cùng xứ lên TP. HCM tìm việc để làm thuê, làm mướn. Nhưng vì không có tay nghề gì, nên cũng không thể kiếm được việc làm, cuối cùng đành chấp nhận đi bán vé số dạo từ đó tới nay đã tròn 10 năm.

Ông Danh Thành Lâm kể, nhóm của anh gồm 5 người cùng quê, cùng họ Danh (người Khmer Kiên Giang hầu hết đều mang họ Danh), lên thành phố từ năm 2013. Để giảm bớt chi phí các ông thuê chung một phòng trọ ở hẻm đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, với mỗi tháng 2 triệu đồng/ tháng, chia ra mỗi người 400.000 đồng/ người/ tháng, chủ yếu để ngủ qua đêm. Hàng ngày nhóm của anh đi bán vé số từ sáng sớm tới đêm khuya mới trở về, nên khoản ăn uống đều ở ngoài quán bình dân.

Những người đàn ông Khmer đang mời chào khách ở các quán nhậu trên đường Tạ Quang Bửu, Cao Lỗ, quận 8.

Theo anh Danh Bưởi, 45 tuổi (cùng nhóm ông Danh Thành Lâm), bán vé số dạo không phải một nghề nhẹ nhàng, thậm chí rất vất vả, cực nhọc, phải có sức khỏe để có thể đạp xe (thậm chí có người đi bộ) hàng chục km mỗi ngày. Nhưng nhiều người đàn ông Khmer vẫn thích chọn nghề này, bởi so với làm thợ hồ hay vệ sinh môi trường, hốt rác, móc cống thì bán vé số dạo vẫn còn nhàn hơn, thu nhập tuy không cao lắm, nhưng ổn định. “Nhờ chịu khó bán vé số mỗi ngày, mà mỗi tháng tôi cũng tích cóp được vài ba triệu gửi về quê cho vợ trang trải trong sinh hoạt hàng ngày và đóng tiền học cho 3 đứa con. Ở một làng quê nghèo như Gò Quao (Kiên Giang), trước đây tôi có nằm mơ cũng không có được khoản tiền này trong tay” – Anh Danh Bưởi chia sẻ. Qua tiếp xúc với những người Khmer đang mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, tôi nghiệm ra rằng sự phát triển một cách bền vững của tờ vé số truyền thống đã và đang góp phần nâng bước, đổi thay số phận những người nghèo từ nông thôn đến thành thị.

Tâm Lương