Cô học trò bán vé số
Ra đường gặp người bán vé số, thỉnh thoảng tôi cũng mua một vài tờ giúp người già, trẻ em cùng với chút hi vọng đổi đời mong manh.
Những tấm vé số dạo đã chắp cách ước mơ cho các em học sinh được đến trường. Ảnh minh họa
Nhưng em bán vé số mà tôi mãi nhớ dù không mua giúp một tờ nào đó là Hồng. Người đen gầy, đội trên đầu chiếc mũ rộng vành đan bằng cọng lác đã chuyển sang màu nâu ngà che khuất gần nửa khuôn mặt, trên tay tập vé số, chân đi đôi dép nhựa mòn nhẵn đế, Hồng rong ruổi khắp nẻo đường quê, phố chợ. Hình ảnh ấy không thể xóa nhòa trong tôi suốt 15 năm qua. Hôm nay em đã là cô giáo THPT, một tấm gương đáng được trân trọng, ngợi khen.
Sáng chủ nhật hôm đó, trong lúc đợi vợ vào chợ mua hàng, tôi tìm một góc nhỏ bên lề đường đứng đợi. Tôi chợt giật mình vì từ xa là em học trò nhỏ thân thương. Phản xạ tự nhiên, tôi định hỏi Hồng đi đâu vậy thì nhanh như chớp em đã rẽ sang đường khác thay vì đi thẳng tới hướng tôi đang đứng. Tôi chỉ kịp lẩm bẩm trong miệng: “Hồng, em Hồng, đúng rồi”...
Trên đường về nhà, tôi băn khoăn tự hỏi vì sao một học sinh giỏi được tôi chọn làm lớp phó học tập lớp 9/4 năm học 1998-1999, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa, lại tránh mặt giáo viên chủ nhiệm. Từ hôm ấy tôi âm thầm tìm hiểu và biết được em sinh ra trong một gia đình có ba chị em, em là con cả. Cha mẹ không có nghề nghiệp, đi làm thuê mướn để kiếm sống qua ngày, cuộc sống gia đình rất vất vả và túng thiếu quanh năm, vì vậy nhiều lần em định nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Nhưng chính vì ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nghèo khó, thương cha mẹ nên em đã vượt qua mặc cảm để đi bán vé số kiếm tiền đóng học phí và phụ giúp gia đình.
Công việc bán vé số của em kéo dài suốt bốn năm ròng, sáng cắp sách đến trường học, chiều tập vé số trên tay bất kể trời nắng mưa. Ngày nắng còn ít vất vả, những hôm trời mưa là những ngày buồn nhất đối với em. Bầu trời dần tối mà tập vé số vẫn còn nguyên trên tay, em cố chịu cái lạnh vì người ướt sũng để lấy tấm áo bọc tập vé số, không thể để ướt được bởi đó là cuộc sống của em. Trời mỗi lúc mưa càng nặng hạt nhưng em vẫn cố đến từng góc nhỏ, gõ cửa từng căn nhà mong bán được vài tờ vé số để còn kịp về nhà... Ngày tháng dần trôi qua đến khi em thi đậu vào Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, chấm dứt tuổi thơ nhọc nhằn, gian khó để bước chân vào giảng đường từ tấm vé số.
Trong một dịp tình cờ gặp lại em, tôi nói vui: “Chào cô giáo bán vé số cấp III”. Em thẹn thùng nói: “Thầy tha lỗi cho em, hôm ấy thấy thầy nhưng em tránh đi nơi khác vì sợ đến lớp thầy nói em bán vé số với các bạn thì thật mắc cỡ, xấu hổ lắm”. “Không có gì xấu hổ đâu em! Thầy mới đáng xấu hổ chứ không phải em đâu, vì thầy không giúp được gì cho em lúc ấy. Nếu như hôm đó thầy nhanh miệng gọi em lại, mua giúp em vài tờ vé số thì hôm nay thầy sẽ rất vui, cô giáo bé nhỏ của thầy” - tôi nói thầm với Tạ Thị Thu Hồng.
Tôi chỉ làm được một việc là kể câu chuyện này với tất cả các lớp học sinh mà tôi chủ nhiệm với hi vọng các em ý thức được việc học tập của mình: dù cho hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng hãy vươn lên như Hồng.
NGUYỄN VĂN LỰC