Đàn ông bán vé số dạo gia tăng
Trước đây lực lượng bán vé số dạo phần lớn là phụ nữ nhiều lứa tuổi, nhưng những năm gần đây ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh, số lượng đàn ông hành nghề bán vé số dạo ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến hiện tượng này, trong đó có nguyên nhân vì mất việc làm ở các xí nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh ở các khu công nghiệp.
Tìm kế sinh nhai.
Kể từ sau đại dịch Covid – 19 đến nay, sự phục hồi và phát triển kinh tế ở các tỉnh, thànhphía Nam tuy đã ổn định, nhưng vẫn còn không ít các xí nghiệp, nhà máy, công ty sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Hai năm gần đây, nhiều đơn hàng của một số nhà sản xuất, kinh doanh bị cắt giảm, kéo theo hệ lụy phải cắt giảm, giãn việc của người lao động. Theo thông tin của thị trường lao động, quý 1/2023 số lao động mất việc làm, giãn việc, thất nghiệp gia tăng đáng lo ngại, nhất là TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm ở TP. HCM giảm o,4 %, Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 2,6 %, Bình Phước giảm gần 4,0 %. Trong quý 1/ 2023 tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ với khoảng 2,64 % (tương đương gần 263.000 người), tiếp theo là miền Đông Nam Bộ với khoảng 2,63 % (tương đương 220.000 người).
Trước đây những người đàn ông bán vé số dạo chủ yếu là người khuyết tận (chân, tay), khiếm thị, người già cô đơn.
Mất việc làm, giãn việc, thất nghiệp không còn nguồn thu nhập nên nhiều người đành chấp nhận đi bán vé số để mưu sinh, như giải pháp tình thế. Trong số đó không ít người đàn ông là trụ cột gia đình, họ phải lo toan gánh vác trách nhiệm từ cái ăn, cái mặc đến chuyện học hành của con cái. Ông Mã Tài Phúc, 65 tuổi có thâm niên hơn 25 năm làm chủ đại lý vé số cấp 2, trên đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5 (TP. HCM) cho biết: “Trước đây những người đàn ông đến đại lý tôi đăng ký lấy vé số đi bán dạo không nhiều, họ chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo cô đơn không nơi nương tựa. Nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, số người đàn ông lấy vé số đi bán dạo ngày một tăng, trong đó có nhiều người đàn ông lành lặn khỏe mạnh, tuổi trung niên, thậm chí cả thanh niên”.
Có dịp trò chuyện với một số người đàn ông bán vé số dạo ở khu vực quận 8, TP. HCM chúng tôi được biết, đối với những người lao động nghèo không tích lũy, không có vốn liếng để buôn bán nhỏ, khi mất việc làm, mất nguồi thu nhập để duy trì trang trải cuộc sống gia đình, thì bán vé số dạo là lựa chọn rất phù hợp. Chia sẻ về sự lựa chọn của mình, anh Phạm Văn Hòa, 43 tuổi, quê huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết: “Năm 2010 tôi rời quê nhà lên tỉnh Bình Phước làm thợ mộc tại một cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, nhưng từ năm 2021, sau đợt dịch Covid – 19 kéo dài, cơ sở mất nhiều đơn hàng, nên buộc phải cho công nhân nghỉ bớt. Tôi mất việc làm, không có vốn để buôn bán, không còn nguồn thu nhập, là trụ cột gia đình, không còn lựa chọn nào khác, đành chọn nghề bán vé số dạo. Theo tôi, đối với nhiều người nghèo lâm vào hoàn cảnh giống tôi, dù đàn ông hay phụ nữa thì nghề bán vé số dạo vẫn là nghề có thể giải quyết được những khó khăn về kinh tế trước mắt. Hơn nữa đây là nghề không đòi hỏi phải có nhiều tiền vốn, không đòi hỏi nhiều điều kiện, chỉ cần có giấy căn cước công dân và từ 1 triệu – 2 triệu đồng là đủ lãnh từ 100 – 200 tờ vé số đi bán mỗi ngày, nếu không có vốn thì lấy thiếu đại lý rồi thanh toán sau. Nhờ vé số mà những người không may bị mất việc làm thất nghiệp như tôi có được cơ hội kiếm tiền mỗi ngày để ổn định ngay cuộc sống”.
Thu nhập cao hơn làm thuê
Ông Lý Tùng Bá, 68 tuổi, ngụ ở hẻm đường Phan Văn Trị, phường 2, quận 5 một người bán vé số dạo lâu năm ở khu vực giáp ranh giữa quận 5 và quận 8 chia sẻ: “Qua hơn 10 năm gắn bó với nghề, tôi thấy bán vé số khỏe hơn việc đi kiếm việc làm thuê, làm mướn vừa cực, vừa bấp bênh. Đàn ông bán vé số nếu chào mời khôn khéo tạo được nhiều mối quen thì coi như ấm. Ở TP. HCM, nhất là khu vực quận 5, tập trung nhiều cửa hiệu buôn bán của người Hoa, việc bán được một “cây” vé số mỗi ngày không phải khó. Nếu mối quen là đại gia, hoặc những người mê “chơi vé số” thì số khách hàng này là đối tượng tiêu thụ vé số truyền thống với số lượng lớn. Nên việc họ bỏ ra vài triệu đồng mua vài “cây” vé số rồi chia đều cho anh em bạn bè trong bàn nhậu, bàn cà phê là chuyện rất bình thường trong giới làm ăn ở quận 5 (Chợ Lớn). Thông thường, một tờ vé số bán ra, người bán dạo sẽ được từ 1.100 đồng – 1.200 đồng/tờ nếu lấy của đại lý cấp 1, còn đại lý cấp 2, hoặc cấp 3 chi hoa hồng thấp hơn một chút”.
Hiện nay số người đàn ông bán vé số dạo gia tăng và rất nhiều người độ tuổi còn trẻ, khỏe mạnh.
Theo lãnh đạo của một số Công ty TNHH MTV XSKT các tỉnh,thành phía Nam cho biết, từ 1/4/2021 mỗi công ty phát hành 11 triệu tờ vé số, tương đương 110 tỷ đồng/kỳ (trước đó là 10 triệu vé, tương đương 100 tỷ đồng/kỳ/công ty XSKT). Dù vậy nhưng nguồn “cung” không đủ “cầu”. Đa số công ty XSKT khu vực miền Nam có tỷ lệ tiêu thụ từ 97 % - 99 % - một con số cao nhất từ trước tới nay, với tỷ lệ vé tồn được trả lại rất thấp. Có hiện tượng này là do ảnh hưởng Covid – 19 nhiều xí nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, giảm việc làm, nên khiến lực lượng bán vé số dạo có sự gia tăng, trong đó số đàn ông tăng đáng kể so với trước đây. Đàn ông tham gia vào lực lượng bán vé số dạo (dù ở độ tuổi nào) cũng có lợi thế về sức khỏe hơn những người phụ, vì thế địa bàn hoạt động của họ rộng hơn, nhờ đó cũng tiêu thụ được lượng vé nhiều hơn. Họ là những người phát hành chủ lực cho hoạt động kinh danh vé số truyền thống, góp phần giúp cho nhiều tỉnh, thành tăng tỷ lệ phát hành bình quân gần 99 %, đạt 104 % kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Văn Hưng, 46 tuổi, ngụ đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 chia sẻ: “Tôi gắn bó với cơ sở sản xuất giày thể thao xuất khẩu ở quận 5 gần 20 năm, nhưng sau đợt dịch Covid – 19, đơn hàng giảm, nên ông chủ cho thôi việc, đành chấp nhận ra đường bán vé số dạo. Dù có những khó nhọc và bươn chải với nghề, thế nhưng nhờ sự chung tay của các đại lý, công việc bán vé số dạo ngày càng thuận lợi hơn trước. Có nhiều người lĩnh vài trăm tờ vé số từ đại lý vào chiều hôm trước, bán thêm buổi tối tới sáng hôm sau đã hết sạch. Nhờ vậy thời gian còn lại nửa ngày họ vẫn có thể làm thêm nhiều công việc khác nhau, như sửa xe đạp, xe gắn máy, bán trái cây để tăng thêm thu nhập. Có thể nói, nghề bán vé số dạo tuy có lúc thăng, lúc trầm, có vui, có buồn nhưng vẫn là nghề đem đến cơ hội cho những người nghèo “cần câu cơm” ổn định”.
Tâm Lương