TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Cha bán vé số nuôi con ăn học, trở thành giám đốc

“Dù con tôi đã khôn lớn nên người, đã trở thành giám đốc hẳn hoi, nhưng tôi vẫn quyết không phụ cái nghề bán vé số này. Bởi nhờ nó mà gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay”, ông Hai Liên vừa giơ xấp vé số lên, vừa “tuyên bố” với giọng hùng hồn.

Sau hơn 4 tháng vắng bóng khi nhiều tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi gặp lại người đàn ông bán vé số trước giờ vẫn thường đi qua khu phố. Cứ ngỡ ông đã theo dòng người về quê "trốn dịch" mấy tháng trước, nên khi thấy ông vẫn rắn rỏi và vui vẻ như ngày nào, với xấp vé số trên tay và nụ cười thường trực trên môi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng...

Đã gần 15 năm nay, nhiều người dân ở phường An Phú, TP. Thủ Đức, TPHCM đã quen với hình ảnh một người đàn ông cao, gầy, nước da rám nắng, ngày ngày đạp xe rảo quanh các con đường, cần mẫn và ân cần mời chào mọi người mua vé số. Giọng nói rặt chất quê miền Trung chân chất, thiệt thà, lại tỏ ra rất “biết chuyện”, nên ai cũng thương, cũng mến.

Ông là Đào Văn Liên (thường gọi là Hai Liên), năm nay 65 tuổi, quê ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. So với tuổi thì gương mặt và phong cách của ông trẻ hơn nhiều. “Mặc dù công việc luôn vất vả, phải suốt ngày đội nắng dầm mưa, nhưng cuộc sống của tôi vẫn rất vui, rất mãn nguyện, vì có những đứa con học hành đến nơi đến chốn, khôn lớn nên người”, ông tâm sự.

Vợ chồng ông có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Người con gái lớn đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Quy Nhơn được hơn 10 năm, hiện đang là giáo viên ở huyện Tây Sơn, cô con gái thứ hai lấy chồng ở Cam Ranh, làm ăn khấm khá. Tuy nhiên, niềm tự hào lớn nhất của ông là cậu con trai tên Đào Tường Lân, sinh năm 1984. Lân học giỏi từ nhỏ, nên lớn lên quyết chí vào TPHCM lập nghiệp. Cậu bắt đầu với việc thi đậu vào trường ĐH Bách khoa TPHCM – Khoa Xây dựng. Sau khi tốt nghiệp, cậu được nhận vào làm tại một công ty con thuộc Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng. Nhờ thông minh, năng động, cộng với đức tính cần cù, chịu khó của người Bình Định, mà chỉ sau vài năm làm việc, lân đã lần lượt đảm nhiệm các vị trí quản lý và hiện là giám đốc công ty.

“Năm thằng Lân vô học ở Sài Gòn thì vợ chồng tôi cũng đi theo, bán vé số kiếm tiền đóng học phí, mua sách vở cho nó. Hai vợ chồng mỗi tháng kiếm được 7-8 triệu, tiêu pha dè sẻn hết một phần ba, còn lại dành cho con hết. Hồi đó, cứ đến Tết là cả gia đình lại kéo nhau về quê, cực mà vui”, ông hồ hởi kể.

Giờ, Lân đã vững vàng trong nghề nghiệp, thu nhập cao, tháng nào cũng “viện trợ” cho cha mẹ 6 triệu đồng. Nhưng, “tiền nó đưa thì vợ chồng tôi cũng nhận, để đó sau này nó lấy vợ sẽ đưa lại để nó mua sắm đồ đạc. Giờ bà xã đã về quê, làm 6 sào ruộng và nuôi gà, túc tắc cũng đủ sống, tôi ở trong này bán vé số tháng nào cũng kiếm được 6-7 triệu sau khi trừ chi phí, tiêu pha, ở quê mà có thu nhập như vầy là “khủng” lắm rồi, đâu cần tới tiền của con nữa”, ông cho biết.

Ông Hai Liên nói rằng, “sứ mệnh cao cả nhất” của vợ chồng ông là làm tất cả những gì có thể để nuôi con cái ăn học nên người. Nghề bán vé số chính là lựa chọn của vợ chồng ông – vì “chúng tôi đều chỉ xuất thân từ nông dân, ngoài nghề nông chẳng có nghề gì khác. Hơn nữa, bán vé số là công việc tuy có cực nhọc thật, nhưng được giao tiếp với nhiều người, cũng thấy vui. Vì vậy mà gần 15 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ thấy chán”. Mặc dù vậy, sau khi cô con gái út tốt nghiệp trường ĐH Công nghệ - Hutech cách đây gần 4 năm, sau đó có việc làm ổn định tại một công ty bất động sản, thì vợ ông về quê để trông nom nhà cửa.

Đợt cao điểm dịch Covid-19 vừa qua, trong khi rất nhiều đồng nghiệp và đồng hương của ông đã lũ lượt rời Sài Gòn để về quê "tránh dịch" chưa hẹn ngày trở lại, thì ông Hai Liên vẫn kiên trì "bám trụ". Ông cho biết điều kiện của ông "dễ thở" hơn những đồng nghiệp khác, khi có cậu con trai "ăn nên làm ra", mặc dù phải nghỉ bán vé số hơn 4 tháng trời nhưng cuộc sống vẫn không bị thiếu thốn. "Chỉ buồn là những tháng ngày ấy, mình không được làm công việc quen thuộc của mình. Cảm thấy nhớ những con đường, nhớ những người khách quen, nhớ nhiều thứ lắm..." - ông Hai Liên tâm sự.

Không còn bị áp lực quá lớn về tài chính, nhưng ông Hai Liên vẫn tự “đặt chỉ tiêu” cho mình là mỗi ngày phải bán được ít nhất 300 tờ vé số. “Ngày nào cũng đạp xe rảo rảo, tối về tính lại dễ cũng đến cả trăm cây số. Vậy mà vẫn chưa thấy mệt mỏi. Có lẽ vì tôi đã chọn đúng nghề, và tôi muốn tiếp tục làm cái công việc này cho đến khi nào không còn đạp xe nổi nữa mới thôi”, ông Hai Liên cười rất tươi trước khi chia tay.

Nhìn dáng ngồi trên chiếc xe đạp với mái đầu ngẩng cao, chúng tôi hiểu được niềm tự hào của ông – con người đã xây đắp sự thành công cho con cái từ những tờ vé số đẫm mồ hôi…

0