TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều

Hàng ngày, trên những con phố, khu chợ, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn phải oằn mình mưu sinh. Hoàn cảnh khó khăn, họ không ngại nắng mưa, làm đủ mọi công việc mong kiếm được dăm ba đồng trang trải cuộc sống.

Bà Phụng với một góc nhỏ bán hành tỏi

Bà Phụng với một góc nhỏ bán hành tỏi

Sáng bán hành tỏi… tối lượm ve chai

7 giờ sáng, chợ Kênh 19/5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đã nhộn nhịp kẻ bán người mua. Giữa khung cảnh tấp nập ấy, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cụ già lom khom, loay hoay với mớ hành, bao tỏi, bịch ớt…Đó là bà Phạm Thị Ngọc Phụng, 75 tuổi, quê ở Mộc Hóa, Long An. Cha mẹ mất sớm, không có anh chị em, bà vất vả làm ruộng thuê kiếm sống qua ngày.

Mấy chục năm bươn chải, tuổi già sức yếu, không còn đủ khả năng làm ruộng, bà theo người quen vào Sài Gòn bán rau…ven lề đường cặp theo chợ Kênh 19/5. Nhưng được một thời gian, người ta không cho bán lòng lề đường. Những tiểu thương trong chợ thương hoàn cảnh nên hỏi xin cho bà thuê một góc nhỏ ngồi bán với giá 50 nghìn đồng một ngày. Vốn liếng không có, gian hàng của bà chỉ với bao hành, mớ tỏi, bịch ớt….

Hàng ngày, bà thức dậy từ 2 giờ sáng đạp xe ra chợ Bà Quẹo lấy hàng, đến 5 giờ thì trở về dọn hàng ra bán. Bán hết hàng sớm thì về phòng trọ nghỉ ngơi. Chiều tối, bà lại lang thang khắp các ngả đường, con hẻm để lượm ve chai. Khổ cực, vất vả đến vậy nhưng số tiền bà kiếm được đôi lúc không đủ chi tiêu. Lắm khi ngày chỉ dám ăn hai bữa cơm mắm.

Bà Phụng tâm sự: “Mỗi tháng, sau khi trừ tiền thuê chỗ bán, tiền lời được khoảng 1,5 triệu, bà phải trả tiền nhà trọ 700 nghìn, số còn lại phải chắt chiu, ăn uống khổ cực qua ngày. Chưa kể lúc trái gió trở trời, đau ốm lại không có tiền thuốc thang. Vì vậy bà phải đi lượm ve chai bán, kiếm thêm ít tiền đề phòng đau ốm, bệnh tật”.

Bán “giấc mơ triệu phú”

Một hoàn cảnh khác còn khó khăn hơn bà Phụng, đó là cụ Nguyễn Thị Lục (Hòa Vang, Phú Yên). Dù đã bước sang tuổi 90, lưng còng, mắt mờ, chân yếu nhưng ngày ngày cụ phải chống gậy, rong ruổi khắp các nẻo đường bán vé số.

Cụ có 8 người con, một người con trai chẳng may qua đời, người con dâu bỏ đi để lại đứa cháu nội 8 tuổi. Không nơi nương tựa, hai bà cháu sống bám vào những người con của bà. Thương cảnh cháu nội bị ghét bỏ, đối xử tệ bạc, bà dắt theo đứa cháu rời quê, vào Sài Gòn kiếm sống. Hiện hai bà cháu trú ngụ tại nhà người quen là chủ đại lý vé số ở đường Chấn Hưng quận Tân Bình.

Bà Lục chống gậy đi bán vé số

Bà Lục chống gậy đi bán vé số

Mỗi ngày, hai bà cháu đi bán từ sáng sớm đến tận khuya. Nhiều người thương hoàn cảnh nên mua giúp. Nhưng theo lời bà thì với số tiền lời ít ỏi, hai bà cháu chỉ đủ sống lay lắt qua ngày: “Bà già rồi, chân tay yếu lắm, không còn đi đứng nhanh nhẹn được nữa. Chưa kể nhiều hôm trở trời, chân tay đau nhức, phải mua thuốc giảm đau uống, cắn răng mà đi bán. Nhưng thương nhất thằng cháu, còn nhỏ vậy mà phải lang thang suốt ngày, không được học hành”.

Bà bị thấp khớp nặng, hai bàn chân sưng vù, tím đỏ, tay yếu, run run, chống gậy nhưng không đủ lực, bước đi loạng choạng. Vậy mà, những bước chân nặng nề ấy vẫn phải rong ruổi khắp các ngả đường mưu sinh.

Khi chúng tôi hỏi về những người con, bà lặng im. Ánh mắt buồn, đăm chiêu theo dòng xe trên phố. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt bà như những vết cắt đau đớn của cuộc đời mà bà phải gánh chịu. Đôi mắt bà đỏ hoe, bà khẽ gật đầu chào rồi lặng lẽ bước đi. Bóng hai bà cháu liêu xiêu trên đường. Thỉnh thoảng, bà với tay, vỗ vỗ lên vai đứa cháu trai, có lẽ đó là động lực, là nguồn sống của bà.

Những vòng xe nhọc nhằn

Cũng ở cái tuổi “xưa nay hiếm” như bà Lục, ông Lê Văn Có cũng phải ngày ngày vất vả mưu sinh với chiếc xích lô hơn 40 năm nay. Trước giải phóng, ông làm tài xế xe tải cho một công ty tư nhân, chuyên chở hàng từ Sài Gòn đi Đà Nẵng. Thời ấy, ông một tay nuôi cả năm người con. Sau giải phóng, công ty giải thể, không xin được chỗ làm, ông chuyển sang nghề đạp xích lô.

Ông Lê Văn Có ngồi đăm chiêu bên chiếc xích lô

Ông Lê Văn Có ngồi đăm chiêu bên chiếc xích lô

Cuộc sống ngày càng khó khăn, những người con lần lượt rời bỏ ông, đi tha phương kiếm sống. Kể từ đó, ông bắt đầu cuộc sống đơn độc. Cuộc mưu sinh mỗi ngày một khó hơn, lại thêm tuổi cao bệnh tật, thuốc thang. Đến tháng không trả nổi tiền phòng trọ, ông chính thức trở thành một người vô gia cư.

Tuy vất vả, nhọc nhằn, nhưng số tiền kiếm được từ những cuốc xe quá ít ỏi. Buổi sáng ông đậu xe trước cổng chợ Đa Kao. Khách của ông là mấy bà nội trợ, nhà gần chợ. Sau buổi chợ, đồ đạc lềnh kềnh, mấy bà phải gọi xích lô chở về cho đỡ nặng. Mỗi cuốc xe vỏn vẹn 10 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày ông chạy được 3 cuốc xe.

Ngoài những khách mối như vậy thì ông chẳng có thêm nguồn thu nhập nào khác. Bởi như ông tâm sự: “Bây giờ người ta toàn đi xe ôm cho nhanh, đặc biệt là đội ngũ xe ôm giá rẻ đầy rẫy, chẳng ai dại gì lên xích lô ngồi tốn thời gian. Xích lô ngày nay chỉ dùng để chở hàng, nhưng họ cũng chẳng dám gọi tôi vì sợ chở không nổi, xảy ra chuyện dọc đường”.

Chiếc xích lô là phương tiện kiếm sống, đồng thời là căn nhà nhỏ để ông tá túc 30 năm nay. Mặc dù lệnh cấm xe đã có từ lâu nhưng đối với ông, không có chiếc xe đồng nghĩa vào đến đường cùng, không có phương tiện mưu sinh, không có nơi tá túc những đêm mưa gió.

“Ngôi nhà” trong những lúc mưa gió của ông Có.

“Ngôi nhà” trong những lúc mưa gió của ông Có.

Quanh khu chợ Đa Kao không có ai không biết ông. Họ đã quá quen với hình ảnh ông lão gầy gòm một mình lủi thủi với chiếc xích lô. Nhiều người nói rằng: “ Cứ mỗi lần đi ngang qua ngã tư Trần Quang Khải – Nguyễn Huy Tự (nơi ông đậu xe nghỉ ban đêm) đều phải liếc mắt nhìn xem ông cụ còn ở đó không? Bởi họ lo những đêm trái gió trở trời, lo cho tấm thân già, sức tàn lực kiệt phải sống vất vả, không chốn nương thân.

Những số phận chung nỗi niềm

Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở một điểm ai cũng nghèo, cái nghèo đeo đẳng. Lẽ ra ở vào tuổi của họ, khi sức khỏe đã yếu phải được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu. Vậy mà họ phải lao động vất vả để trang trải cuộc sống cuối đời.

Ai rồi cũng đến lúc già yếu, đau ốm, bệnh tật. Có những người hạnh phúc, được con cháu lo lắng, chăm sóc, an nhàn. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều phận đời kém may mắn, đơn độc, vất vả vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Dù khổ cực, đơn độc nhưng họ vẫn không buông xuôi. Họ luôn hy vọng có sức khỏe để lao động, tồn tại.

Hơn ai hết, họ mong ước có một gia đình, một nơi để nương tựa. Nhưng đó là một mơ ước xa vời, không thể. Phía sau mỗi phận đời neo đơn, khốn khổ ấy là một câu chuyện được giấu kín. Họ không oán than cuộc đời, không trách hờn gì đối với trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ của những người con. Bởi thế, khi được hỏi về người thân, con cái, câu trả lời từ họ chỉ là những khoảng lặng, những cái lắc đầu, những ánh nhìn đăm chiêu vào khoảng không vô tận.

Đào Phong