Nhọc nhằn mưu sinh đời vé số
Những đôi chân tàn tật ngồi trên những chiếc xe lăn, chống những chiếc nạng gỗ, nhiều người ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng hằng ngày vẫn len lỏi trên các con đường nắng gắt, mưa gió bán từng tờ vé số kiếm tiền lo cuộc mưu sinh. Dù có thể khiếm khuyết về hình thể, nhưng còn chút sức lực cuối đời, những người bán vé số từ các tỉnh thành tụ về TP HCM vẫn tự mình làm ra đồng tiền một cách chính đáng.
Nhưng ác thay, những đối tượng sức dài vai rộng lại nhẫn tâm cướp đi miếng cơm của họ chỉ với suy nghĩ đơn giản rằng bắt nạt những người thân cô thế cô vậy thật dễ quá?
Chứng kiến cảnh cụ Nguyễn Thị Bắc năm nay đã 74 tuổi, quê quán Ninh Thuận ngồi mân mê cuốn sổ dò bên chiếc xe đạp cũ tại Công an quận Thủ Đức khiến ai cũng phải chạnh lòng. Mặc dù hai đối tượng cướp 215 tờ vé số của cụ đã bị Công an quận Thủ Đức bắt giữ nhưng số vé số mà chúng cướp được của cụ đã bị đem bán hết nên cụ cũng chẳng còn vốn để buôn bán.
Sinh ra tại vùng đất khô cằn Ninh Thuận, chồng chết, đứa con trai duy nhất cũng sớm ra đi để lại cho cụ Bắc người con dâu và 4 đứa cháu nội. Thương con dâu một nách 4 con, làm thuê cuốc mướn nhưng miếng ăn cũng chẳng đủ đắp vào miệng, cụ Bắc thân già còm cõi lặn lội vào TP HCM làm công cho một gia đình ở Thủ Đức. Rồi tuổi cao sức yếu, làm được vài năm người ta không mướn cụ Bắc nữa. Gom được chút vốn, mua chiếc xe đạp, hằng ngày cụ Bắc rong ruổi khắp các con đường trên địa bàn quận Thủ Đức bán vé số nuôi thân già, dành dụm tiền gửi về quê lo cho các cháu. Ai ngờ, những đối tượng lành lặn, mạnh khỏe lại ra tay cướp đi miếng cơm của cụ mà chẳng thèm đoái hoài đến những đứa trẻ nheo nhóc ở chốn quê nghèo…
Cụ Bắc kể, chiều 19/8, cụ đạp xe bán vé số trên xa lộ Hà Nội, đoạn thuộc phường Trường Thọ, Thủ Đức thì hai đối tượng áp sát giật mất 215 tờ vé số mệnh giá 10 ngàn/ tờ. Cụ Bắc ú ớ kêu cứu nhưng bọn chúng đã mất hút trên đường. Nhiều người chứng kiến cám cảnh cho cụ nhưng cũng chỉ giúp được vài đồng. Ông chủ đại lý vé số thương tình cho cụ Bắc lãnh vé gối đầu để cụ có vốn tiếp tục đi bán…
Những người bán vé số đa phần là người nghèo khổ, già cả và tàn tật. |
Một cán bộ Công an quận Thủ Đức cho biết, hai đối tượng cướp vé số của cụ Bắc vừa bị bắt là Đỗ Hà Nhựt và Đặng Ngọc Thành, hơn 30 tuổi cùng ngụ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Ngoài cướp vé số của cụ Bắc, hai tên này còn thực hiện thêm 4 vụ cướp vé số khác. Sau khi cướp xong, chúng đem bán cho Nguyễn Kông Thành để lấy tiền tiêu xài. Tên Thành mới 18 tuổi, quê quán Phú Yên, là chủ một đại lý vé số ở quận Bình Thạnh. Đa phần nạn nhân của hai đối tượng này là người bán vé số già cả, tàn tật…
"Trước giờ chỉ nghe cướp dây chuyền, giỏ xách, điện thoại, xe máy ngoài đường chứ chuyện cướp vé số, mà cướp vé số của người già, người tàn tật thời gian gần đây thì quả thật bọn này mất nhân tính quá!" - anh Tạ Đình Tuyên ngụ ở quận 6 cho hay.
Thủ đoạn của bọn chúng thường là giả vờ mua vé số để vừa quan sát và cũng là để xem lượng vé số còn bao nhiêu để cướp. Trong một lần đi giao hàng trên đường Trường Sa đoạn thuộc phường 12, quận 3 anh chứng kiến cảnh một ông cụ cụt tay bị hai đối tượng cướp mất 180 tờ vé số ngồi khóc thảm thiết.
Cụ Bắc - một nạn nhân của vụ cướp vé số ở Thủ Đức. |
Ông cụ 70 tuổi, tên Nguyễn Bán, quê Quảng Nam cho biết, mắt mờ, tay cụt nên khi hai thanh niên đi xe gắn máy tấp vào hỏi mua, ông Bán chìa xấp vé số ra để hai thanh niên lựa số nhưng không ngờ hai thanh niên này tăng ga bỏ chạy.
"Nghe đâu mắt mờ, thân thể khiếm khuyết nhưng hằng ngày cụ vẫn phải đi cả chục cây số bán vé số gửi tiền về quê nuôi cháu. Bà con mỗi người giúp một ít nhưng cũng chỉ là ban đầu. Ai cũng lo ngại các đối tượng lợi dụng cụ mắt mờ mà ra tay cướp tiếp", anh Tuyên bức xúc.
Những ngày qua chúng tôi tiếp xúc với nhiều người già, tàn tật bán vé số trên các tuyến đường ở TP HCM, đa phần người nào cũng từng là nạn nhân của bọn cướp, trong đó có cụ Phạm Thị Cỏn năm nay đã 83 tuổi, quê quán Tiên Lãng, Hải Phòng. Thuê căn nhà trọ ở Bình Dương sống một mình, hằng ngày cụ Cỏn bắt xe buýt lên TP HCM và buôn bán tại khu vực đường Nguyễn Trãi, quận 1.
"Tôi bán vé số mấy chục năm nay nên không nhớ đã bao nhiêu lần bị cướp. Cứ mỗi lần bị cướp là coi như cụt vốn, thường thì vào dịp tết là bị cướp nhiều nhất!" - cụ Cỏn cho hay. Dịp tết người mua vé số thường hào phóng vì có sẵn tiền nên người bán cũng lấy nhiều hơn ngày thường nên người già, người tàn tật bán vé số trở thành điểm ngắm của các đối tượng. Vì tuổi già, sức yếu nên khi bị cướp không thể chống trả, có la lên thì chỉ ú ớ khiến mọi người xung quanh không hiểu chuyện gì xảy ra nên không truy đuổi theo cướp.
"Hàng chục năm bán vé số tôi cũng rút được nhiều kinh nghiệm chú à! Bây giờ cứ thấy thanh niên gọi mua vé số mà máy xe vẫn nổ là tôi nhất quyết không bán, chỉ khi nào dừng xe, tắt máy, nhìn mặt của người mua tôi mới đưa vé số ra nhưng cũng chỉ đưa mỗi số một tờ!" - cụ Cỏn chia sẻ.
Cụ Cỏn chia sẻ kinh nghiệm bán vé số mà không bị cướp. |
Bà Linh 57 tuổi, quê quán Phú Yên với đôi chân bị teo cơ, di chuyển đường xa bằng xe lăn còn mời chào khách thì chống đôi nạng gỗ. Bà Linh kể rằng mình bị teo cơ từ bé nên không có chồng con gì. Ngoài quê kiếm được vài ngàn đã khó nên bà bắt xe vào Sài Gòn bán vé số, tằn tiện lo hai bữa cho mình và gửi tiền về quê nuôi cha già cùng một đứa em cũng bị tật như mình.
"Hôm đi bán trên đường Nguyễn Chí Thanh, một người đàn ông khoảng 50 tuổi dừng xe lại mua. Tôi ngồi trên xe lăn đưa vé số để khách tìm số thì bất ngờ ông ta tăng ga bỏ chạy cùng cọc vé số hơn 60 tờ. Tôi níu lại thì bị mất đà ngã từ trên xe lăn xuống đường trầy xước khắp người!".
Không chỉ bị cướp mà nhiều người già, người tàn tật bán vé số trở thành nạn nhân lừa đảo của bọn bất lương. Biết rõ nạn nhân không thể phản ứng nhanh lẹ nên các đối tượng liên tục nhắm vào họ để lừa đảo. Ông Nguyễn Văn Lơi tuổi đã gần 70, quê An Giang, bán vé số trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân cho hay, một lần ông đang đẩy xe lăn đi bán thì có hai thanh niên tấp vào mua vé số.
Vì giữa trưa mà vẫn còn hơn 100 tờ vé số, thấy khách hỏi ông Lơi mừng húm. Sau khi lật qua lật lại sấp vé số, hai thanh niên hỏi mượn sổ dò, ông Lơi vui vẻ đưa cho hai vị khách. Một thanh niên giả bộ tìm số để mua, người ngồi sau thì lấy sổ dò ra dò số và hí hửng nói trúng 15 tờ số 83 và hỏi ông Lơi có đổi số trúng không. Nhìn 15 tờ vé số đài Đồng Nai trúng số đầu 83 (giải 100 ngàn đồng), ông Lơi gật đầu đồng ý đổi. Hai thanh niên hào phóng mua cho ông Lơi 20 tờ và nhận 1,3 triệu rồi bỏ đi.
"Đổi 15 tờ cho khách lại được khách mua 20 tờ nên tôi lăn xe nhanh đến đại lý để đổi, ai dè chủ đại lý nói 15 tờ vé số trên đã trật. Tôi không tin lấy sổ ra dò thì mới tá hỏa, tờ vé dò của tôi khác với tờ vé dò của đại lý. Hai thanh niên trên lợi dụng tôi không chú ý đã tráo tờ vé dò in sẵn con số trúng vào tờ giấy dò thật", ông Lơi buồn bã nhớ lại.
Bà Linh bị tàn tật nhưng bọn bất lương vẫn không tha. |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để thực hiện hành vi lừa đảo này, các đối tượng đã lấy những tờ vé số dò rồi nhưng không trúng sau đó lấy vé dò sửa lại những con số trùng với vé số đã trật với các mệnh giá trúng thưởng nhỏ như 100, 200, 400 ngàn đồng. Thường là các đối tượng chọn thời gian cách xa khoảng 15-30 ngày rồi mới đem đi đổi để người bán không để ý kiểm tra lại. Sau khi có giấy dò vé số giả, các đối tượng tìm đến những người bán vé số dạo giả bộ hỏi mua, giả bộ mượn sổ dò sau đó đánh tráo giấy dò và lừa người bán. Với thủ đoạn này, các đối tượng dễ dàng cướp tiền triệu của những người bán vé số già cả, tàn tật.
Ngoài chiêu thức này, bọn chúng còn sử dụng chiêu làm giả vé số, cạo sửa số trúng một cách tinh vi sau đó đem đổi cho những người bán dạo. Vì già cả, tàn tật lại không có thiết bị kiểm tra nên những người bán vé số dạo thường bị mắc lừa mà ôm nợ. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Lanh, 79 tuổi, quê quán Nghệ An, tạm trú quận Bình Thạnh cho hay, có lần bà đổi 5 tờ vé số trúng giải 200 ngàn đồng cho một người đàn ông trên đường Chu Văn An.
Khi mang đến đại lý đổi, đại lý cũng đổi nhưng ngày hôm sau thì chủ đại lý kêu đến nói vé số trên là giả… "Ngay cả đại lý cũng bị lừa bởi mức độ tinh vi của các đối tượng nói chi người già cả tai ù, mắt kém như tôi?", bà Lanh phân trần.
Những nạn nhân của các đối tượng cướp giật, lừa đảo vé số phần lớn là những người nghèo khổ, tàn tật, bệnh hoạn, già cả, thiểu năng... nên dễ trở thành "con mồi" của các đối tượng. Đa phần những đối tượng cướp vé số hay lừa đảo vé số giả bị bắt trong thời gian qua là những thanh niên khỏe mạnh, chây lười lao động nhưng lại muốn có tiền tiêu xài, trong đó có nhiều đối tượng nghiện hút, lên cơn đói thuốc nên làm liều.
Các đối tượng cướp vé số bị bắt trong thời gian gần đây. |
"Có cung thì có cầu", việc những đại lý biết rõ những tờ vé số trên là do các đối tượng cướp của người bán vé số nhưng vẫn thu lại để kiếm tiền chênh lệch đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng cướp giật vé số của người bán dạo? Vì vậy, nếu các đại lý không ham lợi nhuận thu mua những tờ vé số cướp được thì không đối tượng nào dại gì đi cướp vé số. Chỉ tội những người lao động nghèo khổ, chỉ vì cuộc sống mưu sinh nên dù tuổi cao, tật nguyền nhưng họ vẫn phải kiếm sống bằng nghề bán vé số nhưng cũng không được yên ổn bởi những hành động "mất nhân tính" của các đối tượng. Có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn, để đem lại sự yên tâm hơn cho những cuộc mưu sinh đầy vất vả ấy.
Mạnh Đức