TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Khắc khoải vé số dạo… thời “Cô Vy”

Dịch bệnh do nCoV (hay còn gọi là Covid-19) gây ra và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nghề bán vé số dạo ở TP. HCM đang chịu tác động tiêu cực, suy giảm đáng kể về số lượng vé tiêu thụ, khiến thu nhập của người hành nghề sa sút mạnh so với trước đây.

Ở TP. HCM, ngay khi báo chí đưa tin có 2 trường hợp bệnh nhân người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì người dân bắt đầu lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh này. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho những ngày đầu năm mới Canh Tý, các khu vui chơi giải trí nổi tiếng của TP. HCM như Đường hoa Nguyện Huệ, Hội hoa xuân Tao Đàn… số lượng khách du xuân giảm hẳn so với mọi năm. Đồng thời, nhiều người dân TP. HCM cũng bỏ dần thói quen ăn uống ngoài quán, nên nhiều quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu càng trở nên vắng vẻ sau đợt “cao điểm” xử phạt vi phạm nồng độ cồn hồi trước Tết.

Tất cả những tác động ấy đã khiến cho tình trạng tiêu thụ vé số và thu nhập của người bán vé số dạo từ sau Tết Nguyên đán tới nay giảm mạnh.

Người bán vé số dạo đối mặt với ế ẩm trong mùa dịch bệnh hoành hành

Trò chuyện với tôi, ông Huỳnh Văn Năm, 58 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi vẻ buồn rầu cho biết, đối với những người bán vé số dạo, thực khách trong các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, hay những người hành hương đến chùa chiền trong tháng đầu năm là đối tượng chính để tiếp cận mời mua vé số. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đã khiến cho các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu ngày càng vắng khách, trong khi các lễ hội đều “đóng cửa”, không nhiều người đi lễ chùa đầu năm, khiến những người bán vé số dạo như chúng tôi cũng ế ẩm lao đao.

Mọi người đều ngại tiếp xúc với người lạ khiến việc chào mời mua vé số gặp nhiều khó khăn

Ông Nam, nói: “Trước đây vào độ này, mỗi ngày tôi chỉ một vòng từ các con đường như Cao Lỗ, Âu Dương Lân, Dương Bá Trạc, Đặng Chất, Phạm Thế Hiển, Tạ Quang Bửu (quận 8) qua tới khu đô thị mới Trung Sơn (Bình Chánh), chào mời khách trong khoảng 35 – 40 quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu là đã bán xong xấp vé 300 tờ, thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Nhưng hiện nay, mỗi ngày đạp xe lòng vòng từ quận 8, khu Trung Sơn, vượt cầu Chữ Y sang quận 5, bước vào 60 – 70 quán, thậm chí có ngày cả trăm quán từ cà phê giải khát, đến ăn nhậu mà bán chưa được phân nửa xấp vé số trên tay, cuối ngày đành đem trả lại cho đại lý”.

Bà Lâm Thị Sen, 60 tuổi, quê huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ qua tấm khẩu trang vải bịt gần kín mặt: “Tôi đã bán vé số ở đất Sài Gòn này hơn 10 năm, nhưng chưa có năm nào thấy cảnh quán xá lại vắng vắng vẻ, thê lương như hiện nay. Quán xá mà đìu hiu vậy, thì những người bán vé số dạo như tui cũng rầu rĩ lắm, bởi khách đâu mà chào mời mua vé số. Từ sau Tết, cứ hy vọng vào ngày Vía Thần Tài (10/ tháng Giêng âm lịch) và Rằm tháng Giêng (15/ tháng giêng âm lịch) khách thập phương đi lễ chùa đông sẽ bán được vé, nhưng ai dè chùa cũng vắng, thế là ôm cả 100 tờ vé ế về trả cho đại lý, buồn nẫu ruột. Đang thời dịch bệnh, nhiều người hạn chế ra đường để phòng dịch bệnh, thì những người bán vé số dạo vẫn phải tất bật mưu sinh trên đường phố một cách đầy mạo hiểm, rủi ro”.

Hàng quán vắng vẻ, các lễ hội đầu năm cũng không tổ chức, khiến cho tình hình tiêu thụ vé số gặp vô vàn thách thức

Bà Phan Thị Huê, 74 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cùng người con gái út bị khuyết tật khèo tay lên đây bán vé số từ năm 2000. Bà nói: “Mùa dịch bệnh, nghề bán vé số dạo cực lắm cậu ạ! Mỗi ngày cầm xấp vé đi bán không chỉ phấp phỏng lo ế vì quán nào cũng vắng khách, mà còn sợ nhất là không may bị lây nhiễm virus mà phải nằm viện, phải cách ly thì lấy tiền đâu mà ăn uống, chữa trị bệnh cho bản thân mình và tiền đâu gửi về quê lo cho người thân!”.

Lời bộc bạch của bà Huê gợi lại những hình ảnh mà tôi thường bắt gặp vào những ngày qua, trên những con đường đầy nắng gió của mùa khô phương Nam. Đó là những đôi chân của người bán vé số vẫn lầm lũi kiên nhẫn bước và hướng tới những quán ăn, quán nhậu, quán cà phê thưa thớt thực khách, với hy vọng xấp vé số trên tay vơi bớt dần càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, ngay trong ngày Vía Thần Tài tháng Giêng Canh Tý, tại quán nhậu số 111 ngay vòng xoay đường Dương Bá Trạc (quận 8), tôi thực sự bị ám ảnh bởi hình ảnh một phụ nữ với chân trái bị dị tật bước tới bàn chúng tôi gồm 3 thực khách, cũng là bàn duy nhất trong quán. Vuốt gương mặt ướt đẫm mồ hôi, với chất giọng Nam bộ vùng Miệt Thứ chân chất dễ thương, chị mời những thực khách trong quán nhậu mua vé bằng cách ngâm nga những ca từ nghe thật cám cảnh, xúc động: “Xấp vé số vẫn dày, trên đôi tay hao gầy/ Em lang thang lo toan đếm bước thời gian/ Những ánh mắt hững hờ, quay nhanh đi không ngoái nhìn/ Xin ai mua dùm em ?/ Ai mua dùm em cho vơi bớt âu lo/ Cuộc đời thật quá mênh mông/ Đôi chân em tật nguyền/ Biết em có tìm được chút ánh sáng cho đời em…”.

Được một người bạn tôi mua 5 tờ, gương mặt chị rạng ngời hẳn lên. Dẫu “bão Cô Vy” đang gây bất an đối với mọi người, nhưng tôi tin tình người nơi thành phố hơn mười triệu dân này luôn tràn đầy nhân ái bao dung đối với những người bán vé số dạo thời dịch cúm virus Corana.

Tâm Lương

0