TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA HỘI ĐỒNG XỔ SỐ KIẾN THIẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Hồ chí minh
dong thap
xổ số Cà Mau
Bà Rịa _ Vũng Tàu
Bến Tre
Bạc liêu
dong nai
Cần Thơ
Sóc trăng
Tay ninh
xổ số An Giang
binh thuan
Vĩnh Long
Bình dương
Trà Vinh
long an
Bình Phước
Xổ số kiết thiết Hậu Giang
Tiền giang
kien giang
da lat

Vé số Sài Gòn thời "bình thường mới"

Trạng thái "bình thường mới" đã thiết lập ở Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam được 4 tháng. Guồng quay kinh tế - xã hội đã vận hành trong "khuôn khổ" của trạng thái này, từng bước khôi phục lại các hoạt động một cách đồng bộ. Hoạt động kinh doanh vé số truyền thống cũng không ngoại lệ...

"TÌM LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT"

Hơn 4 tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch, các ngành kinh tế đều thiệt hại nặng nề, hàng triệu người lao động rơi vào tình cảnh lao đao, khốn khó. Riêng với những người bán vé số dạo - đa phần là người già, người khuyết tật từ nhiều tỉnh đổ về Sài Gòn hành nghề kiếm sống, sự khốn khó còn lớn gấp bội phần. Bởi khoản thu nhập hằng ngày của họ thường chỉ đủ nuôi sống bản thân qua ngày, nếu tốt hơn thì có được chút đỉnh gửi về quê phụ giúp gia đình.

Có nghĩa, nếu như phải nghỉ bán thì họ lập tức rơi vào cảnh túng thiếu, cơ hàn.

Nhiều người nói rằng, sở dĩ họ bám trụ được với cái nghề bán vé số dạo suốt bao nhiêu năm, bởi đây là cái nghề không bao giờ sợ thất nghiệp - ngày nào cũng có việc làm. Chỉ sợ không đủ sức để làm cho hết việc. Hàng chục năm qua, vé số ngày nào cũng ra đều đặn. Chỉ duy nhất một lần họ phải nghỉ bán 1 tháng - đó là vào tháng Tư năm 2020, khi cả nước giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Nhưng hồi ấy, có lẽ do nguồn lực xã hội còn dồi dào, nên đội quân bán vé số dạo đã nhận được rất nhiều hỗ trợ - suốt từ khi mới nghỉ bán cho tới lúc được quay trở lại với công việc của mình.

Nhưng những gì xảy ra trong năm 2021 vừa qua thì khác hẳn. Không chỉ thời gian bị "thất nghiệp" kéo quá dài, mà nguồn lực xã hội cũng giảm sút. Vì vậy, không phải ai cũng được nhận cứu trợ. Rất nhiều người thiếu đói, cùng cực. Đã có không ít người phải sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp để vượt chặng đường từ vài trăm tới cả ngàn cây số để trở về quê, với mong muốn nương tựa gia đình trong cơn túng quẫn...

Gần nhà tôi có một "xóm vé số", trước đây quy tụ cả trăm người bán vé số dạo ở trong một khu trọ. Thời cao điểm dịch, cả xóm chạy tứ tán, chỉ còn hơn chục người "mắc kẹt" ở lại. Bà Lê Thị Đào, 65 tuổi, quê Phú Yên cùng người em trai đều hành nghề bán vé số đã phải chở nhau trên chiếc xe máy chạy về quê từ hồi cuối tháng 7. Trước khi đi, bà Đào chia sẻ: "Vừa sợ dịch, vừa thiếu đói, phải về quê thôi. Đi chuyến này chắc không hẹn ngày trở lại". Thế nhưng, từ đầu tháng 11, "xóm vé số" đã dần xôm tụ trở lại. Nhiều người sau thời gian về quê, đã lần lượt quay lại Sài Gòn, lại ngày ngày rong ruổi trên những cung đường với xấp vé số trên tay. Bà Đào cùng người em trai cũng vô lại Sài Gòn từ đầu tháng 12. "Ở ngoài quê khó khăn quá, không biết làm gì kiếm sống, đành quay trở lại với nghề cũ. Mà thấy tình hình dịch ở Sài Gòn cũng dần trở nên ổn hơn, nên tui có thể yên tâm bán vé số kiếm sống", bà Đào tâm sự.

Có điều, bán vé số dạo trong thời "bình thường mới" không hoàn toàn giống với trước đây. "Không chỉ ít khách mua hơn vì nhiều người cũng khó khăn, mà nhiều khách còn sợ lây dịch, ngại tiếp xúc với mình, nên việc chào mời khách cũng không giống trước. Mình không thể cứ tiến sát họ để mời mọc, thuyết phục họ mua, mà trước khi "tiếp cận" phải xem thái độ của họ thế nào. Nếu thấy họ xua tay hay lắc đầu thì tốt nhất là đi tìm người khác" - ông Đào Văn Hùng, một người có thâm niên 15 năm bán vé số dạo ở khu vực phường An Phú, An Khánh (TP Thủ Đức) chia sẻ.

Sự "nghèo đi" của nhiều người, cộng với tâm lý ngại tiếp xúc vì sợ dịch khiến việc bán vé số trở nên khó khăn hơn. Để hạn chế nguy cơ sụt giảm doanh thu, nhiều người bán vé số phải cố gắng "khai thác" những người khách tỏ ra "hào phóng", mời họ mua với số lượng nhiều. Việc các tụ điểm như quán cà phê, quán nhậu không quá đông đúc như trước cũng khiến cho việc tìm kiếm cách mua khó hơn. Cùng với đó, thời gian làm viêc của nhiều người cũng buộc phải kéo dài. Nếu như trước đây, họ bắt đầu đi bán từ 7 giờ sáng và nghỉ bán từ khoảng 6-7 giờ chiều, thì hiện giờ, nhiều người cố gắng đi bán đến 9-10 giờ đêm mới trở về nhà trọ.

"Làm ăn thời nay khó và cực đấy, nhưng phải ráng thôi. Phải cố gắng tìm lại những gì đã mất", bà Lê Thị Đào quả quyết.

AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT

Tết càng đến gần, những người lao động nghèo càng sốt ruột. Những người bán vé số dạo cũng vậy. Mặc dù không kỳ vọng có được những khoản tiền "đủ dày" như những năm trước, nhưng họ cũng không thoát khỏi được những bức bách về cơm áo gạo tiền - nhất là khi nhu cầu chi tiêu mùa Tết vẫn không hề giảm. Vì thế mà họ sẵn sàng làm việc cật lực. Nhiều người ngoài giờ đi bán vé số còn tranh thủ làm thêm một số công việc khác, như phụ dọn dẹp nhà cửa hay làm thuê cho những nhà vườn để có thêm thu nhập.

Dẫu vậy, điều mà họ luôn tâm niệm là phải cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, khi dịch bệnh vẫn còn là mối đe dọa nguy hiểm. "Công việc của tụi tui thực sự khó đảm bảo 5K, bởi ngay cả khi mình đã cố gắng đeo khẩu trang thường xuyên, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn chai cồn để rửa tay và khử khuẩn tiền, nhưng khó tránh khỏi việc phải đến gần khách để mời chào. Mà khó hơn nữa, là hầu hết khách trong quán cà phê hay quán nhậu đều không đeo khẩu trang. Tui hiểu, ở cái tuổi ngoài 60 như tui, lỡ mà "dính" Covid thì nguy cơ rất lớn, nên mặc dù luôn cố gắng làm mọi cách để bán được nhiều vé số, tui vẫn phải luôn tìm cách tự bảo vệ bản thân", ông Nguyễn Hòa, hành nghề ở khu vực quận Bình Thạnh cho biết.

Quả thực, việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu để vừa hạn chế tiếp xúc gần với khách mà vừa có thể bán được nhiều vé số, thật là nan giải lắm thay! Nhưng đó lại là điều mà nhiều người bán vé số dạo rút ra được những bài học kinh nghiệm qua từng ngày hành nghề. Họ phải suy nghĩ để tìm ra những "chiến thuật" hợp lý, như tập những cách thể hiện thái độ, sử dụng những "ngôn ngữ cơ thể" để dễ gây thiện cảm cho khách mà không cần phải đến quá gần để chào mời, hay cách sử dụng ánh mắt để thay nụ cười,... Đó là những điều không đơn giản đối với những người chân quê mộc mạc ấy, nhưng thực tế nhiều người trong số họ đã vận dụng thành công - thật đáng nể!

Nhiều kỹ năng, thói quen mới đã hình thành trong cộng đồng những người bán vé số dạo ở Sài Gòn thời "bình thường mới" nhằm thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, giúp họ có thể mưu sinh một cách an toàn, vượt qua quãng đường đầy thách thức.

Năm Tân Sửu 2021 đầy gian khó đã khép lại để chuyển sang năm Nhâm Dần 2022. Mong rằng đây sẽ là một năm đầy may mắn, hanh thông cho tất cả mọi người - đặc biệt là những người bán vé số dạo sẽ có một năm làm ăn thuận lợi, phát tài phát lộc, vạn sự như ý!

0