Theo chân người già bán vé số dạo ở Sài Gòn
Tuy tuổi đã cao vẫn phải tha hương đi kiếm sống nhưng những ông lão, bà lão bán vé số ở Sài Gòn vẫn có niềm vui riêng, giản dị, khiêm nhường và luôn tin vào cuộc sống.
Ở Sài Gòn, không khó để bắt gặp những ông cụ, bà cụ tóc đã bạc, chân đã yếu, tay đã run vẫn ngày ngày đi bán vé số trên những con phố tấp nập người xe.
Trong hàng trăm, hàng nghìn những khách hàng đã từng mua vé số, mấy người quan tâm các cụ là ai, quê quán ở đâu, con cháu làm gì mà để thân già vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người? Cuộc đời vô cùng lắm, mỗi người một số phận, một câu chuyện khác nhau để rồi giờ đây, nhân duyên đưa đẩy họ đến với cái nghề bán vé số nhiều may rủi này.
Bà Nệm năm nay đã 71 tuổi, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ngày ngày, bà vẫn túc tắc đi bán vé số ở mấy quán cà phê, quán nhậu trên đường Hoàng Sa. Vì gia cảnh khó khăn, con cái đều đã lập gia đình nhưng không mấy khá giả nên bà theo người bà con vào TP.HCM làm nghề bán vé số từ năm 2014 đến nay.
Bà lão kiểm đếm lại số vé bán được sau một ngày vất vả
Ngày bà đi bán vé, tối về ngủ nhờ ở nhà một người bán hoa quả cùng quê. Gia đình họ ngủ trên gác lửng, còn bà trải chiếu ngủ dưới nhà, cạnh mấy hộp trái cây.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng dường như bà Nệm không mấy phiền lòng về điều này. Bà bảo: “Được như thế này là tốt lắm rồi cháu ạ. Nhờ giời thương nên bà còn được cái sức khỏe, vẫn còn tự kiếm ăn được, chưa phải nhờ đến con đến cháu, như thế là hạnh phúc lắm rồi, còn cần gì hơn? Còn buôn bán có khác nào cái người đi câu, hôm được hôm không là chuyện thường tình, cứ chăm chỉ thì chả lo chết đói con ạ!”.
Tuy dáng bà đã hơi còng, động tác đã hơi chậm nhưng suy nghĩ và lời nói của bà, nụ cười phúc hậu của bà dường như có khả năng truyền tải một nguồn năng lượng tích cực đến người đối diện, khiến họ cảm thấy phấn chấn trong lòng. Có lẽ vì cái duyên không tuổi ấy mà bà Nệm khá đắt hàng. Không ít người sẵn lòng mua cả chục tờ một lúc chỉ đơn giản là vì những người vui vẻ thường mang đến may mắn mà bà thì lại là một người có nụ cười rất tươi.
Cũng xa quê vào Sài Gòn kiếm sống từ nhiều năm nay, ông Vang (68 tuổi, quê ở Phú Yên) đã từng làm qua nhiều nghề trước khi bước chân vào thế giới của những người bán vé số dạo. Tuy nhỏ tuổi hơn và lại là đàn ông nhưng ông Vang không có được sức khỏe tốt như bà Nệm vì mắc chứng tiểu đường.
Ngược xuôi giữa dòng đời tấp nập
Sau khi vợ mất, ông Vang theo vợ chồng cậu con trai út vào Sài Gòn thuê nhà bán bánh canh chả cá ở quận Thủ Đức. Vì công việc ở quán chỉ cần hai vợ chồng cậu con trai là đủ nên ông Vang ra ngoài kiếm việc làm thêm. Ban đầu, ông đi làm bảo vệ trông xe máy cho quán cà phê. Làm được một năm, ông chuyển sang thu mua đồng nát, bán bánh mì rong rồi cuối cùng mới chuyển sang nghề bán vé số.
Ông chậm rãi kể: “Con cái không bắt tôi phải làm, chỉ cần ở nhà phụ giúp chúng việc trông coi quán xá, khi nào đông khách thì giúp vài việc lặt vặt nhưng tính tôi lại thích ra ngoài cho thoải mái. Vốn dĩ mình không có nghề nghiệp ổn định, không có lương hưu hay chế độ gì nên tranh thủ kiếm thêm được đồng nào tốt đồng nấy, tránh phải phiền đến các con”.
Theo lời ông Vang thì ngày xưa vợ chồng ông nghèo khó, không cho con ăn học được đến nơi đến chốn nên giờ cuộc sống của chúng cũng khá vất vả. Tuy vậy, các con cũng rất hiếu kính với cha mẹ. Vợ ông bị tai biến, phải phẫu thuật hết cả mớ tiền, nằm viện nửa tháng trời, các con đều cố gắng lo toan, chăm sóc, không một lời than thở.
Nhưng về nhà được một thời gian, bà cũng không qua khỏi. Nhớ vợ, ông càng thêm thương mấy đứa con. Thế nhưng, cuộc đời, sinh lão bệnh tử vốn đã là quy luật, ai rồi chẳng phải chết cho nên ông cũng không thấy quá nặng nề.
Giờ đây, ông cảm thấy vui với công việc bán vé số. Ngày được nhiều, ngày được ít cũng tùy hôm nhưng với ông, buôn bán cũng là cái lộc và cái lộc đó được chia đều cho mỗi người. Bởi vậy, nay ông có lộc thì mai cái lộc lại đến lượt người khác. Bởi vậy, ông cứ túc tắc bán vé số mỗi ngày, hôm nào may mắn thì được vài trăm tờ, hôm nào ế ẩm cũng được 100 tờ, nhưng quan trọng là cứ phải giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để cuộc sống bớt đi nhiều gánh nặng.
Thiên Khang