Muôn mặt nghề bán vé số dạo
Bán vé số dạo là nghề chỉ cần ít vốn, chịu khó là có thể có thu nhập ổn định. Nếu không có tiền thì người bán có thể nhờ vào sự uy tín hay chỗ quen biết là có thể lấy vé từ đại lý đi bán mưu sinh.
Một ngày “hành nghề” bán vé số dạo
Một đôi dép tổ ong, một bộ đồ “cà tàn” với chiếc nón rộng vành, chúng tôi đã có thể hóa trang thành những người bán vé số rong ruổi tại nhiều nơi trên điạ bàn TP.HCM. Công việc của chúng tôi bắt đầu và lúc 6h sáng và kết thúc trước 17h cùng ngày.
Hiện nay nghề bán vé số chia ra làm hai dạng: một là, dạng có mặt bằng, ngồi tại chỗ với một bàn vé số khiêm tốn trước mặt; khách hàng là những khách vãng lai. Dạng thứ hai là bán vé số dạo, dạng này thì khá phổ biến.
Ông Trần Văn Ngọc (quê Tiền Giang), bán vế số tại bến xe An Sương cho biết, ông đã lên TP.HCM sinh sống và làm nghề bán vé số dạo đã hơn 20 năm, nghề bán vé số không phân biệt tuổi tác. Với cọc vé số trong tay, chúng tôi đến từng quán ăn, quán uống hay rong ruổi khắp ngõ đường chào mời mọi người. Sau một ngày rong ruổi khắp khu phố chúng tôi bán được 200 tờ vé số, kiếm được gần 200 ngàn đồng, mức thu nhập này được xem là tương đối ổn với mức sống hiện nay.
Thu nhập từ nghề bán vé dạo luôn bấp bênh. Ngày đắt khách, ông bán được 90-100 vé, ngày ế thu nhập gần 100 nghìn. Trong khi đó mỗi tháng, ông phải chi ra ra khoảng 2 triệu đồng cho sinh hoạt hằng hằng ngày như: tiền nhà trọ 500.000 đồng, tiền cơm, chợ trung bình mỗi tháng là hơn 1,5 triệu đồng. Trừ các chi phí sinh hoạt, ông chỉ còn dư vài trăm nghìn đồng gửi về quê cho bà nội để lo cho 2 con nhỏ đang vào học lớp 10 và lớp 7.
Bán xong cho khách 2 tờ vé số, bà Võ Hiền (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) than thở: “Giờ nghề bán vé số cũng gặp rất nhiều khó khăn, người bán thì nhiều, trong khi đó người mua chẳng còn bao nhiêu. Tình trạng cướp giật, kẻ gian tráo vé số cũng diễn ra rất phổ biến… người nào vào nghề cũng đều phải trải qua”.
Trẻ em có nguồn thu cao
Để có thể bán được nhiều vé số, có thu nhập cao. Hiện nay, có rất nhiều số người giả bệnh, tật nguyền (càng thảm thương càng hay), lợi dụng trẻ em từ 1 đến 7 tuổi…để đánh vào tâm lý thương người của khách hàng.
“Với những người hành nghề như vậy, một ngày bán 200-300 tờ vé số là chuyện rất dễ dàng, đặc biệt thu nhập thường hơn mức quy định. Lý do là gặp nhiều người hào phóng khỏi phải thối lại tiền thừa”, bà Trần Thị Sen (55 tuổi, ngụ Bình Chánh) bức xúc nói.
Dạo một vòng qua các tuyến đường như: Trần Nhân Tôn, 3 tháng 2, Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM), rất dễ bắt gặp các em nhỏ được mẹ bồng trên tay đứng tại giao lộ, đèn tín hiệu chào mời người đi đường mua vé số.
“Tuổi càng nhỏ càng tốt, ăn mặc càng rách rưới, càng tuềnh toàng càng tốt như vậy người đi đường mới thương mà mua vé số nhiều, có khi gặp khách hào phóng mua 2 tờ đưa tờ 100.000 đồng không cần phải thối lại.
Có em tuổi còn chưa biết giá trị mỗi tờ giấy bạc thì chuyện biết thối tiền lại càng không thể” – Một người phụ nữ thường xuyên bán vé số trên đường Ngô Gia Tự, quận 10 nói.
Nhìn cọc vé số dày cộm đang cầm trên tay, một người đàn ông khoảng 30 tuổi, đang ngồi tại quán cafe trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5, TP.HCM) hỏi: “Ngày bán được một trăm vé không em?”, im lặng khoảng 1 phút, thì vị khách này nhận được câu trả ngắn gọn: “Hơn Ba trăm!”.
Sau khi kết thúc cuộc trao đổi, vị khách quay sang bạn mình và làm phép tính nhân đơn giản, và kết quả vị khách này nhận được khá bất ngờ, mỗi tháng thu nhập gần 11 triệu đồng.
Hiện nay, vẫn chưa có số liệu thống kê được trên địa bàn TP.HCM số lượng người bán vé số dạo là bao nhiêu, nhưng với thời gian khoảng 3 tiếng tại quán cà phê, có thể đếm được có đến 30 người mời mua, như thế cho thấy “đội quân” bán vé số dạo không phải là ít.
Bán vé số dạo là một nghề lương thiện, đã giúp biết bao người được ấm áo no cơm, nuôi con ăn học nên người. Nó mang lại niềm hy vọng cho mọi người, thậm chí còn đem cả giàu sang, phú quý. Nhưng, lợi dụng trẻ em, bệnh, tật để bóc lột là một hành vi đáng lên án và cần sớm bài trừ trong xã hội.
Duy Quan